Thứ 5, 18/04/2024, 09:05[GMT+7]

UBND tỉnh họp nghe báo cáo đề án thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Thái Bình và phương án điều chỉnh, bổ sung tính chất ngành nghề các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thứ 4, 20/09/2017 | 14:35:54
2,378 lượt xem
Sáng ngày 20/9, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Nội vụ báo cáo Đề án thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Thái Bình trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh báo cáo phương án điều chỉnh, bổ sung tính chất ngành nghề các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. 

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh dự cuộc họp.

Ngày 29/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình. Khu kinh tế Thái Bình là khu kinh tế ven biển bao gồm 31 xã, thị trấn thuộc hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển, với diện tích tự nhiên 30.583ha. Về phân khu chức năng, Khu kinh tế Thái Bình bao gồm: Khu trung tâm điện lực Thái Bình; khu, cụm công nghiệp; khu cảng và dịch vụ cảng; khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; khu phân bố các vùng nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ ven biển; khu dân cư, đô thị, dịch vụ; khu hành chính... 

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về phương án thành lập, tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, bộ máy và biên chế của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Thái Bình.

Về phương án điều chỉnh, bổ sung tính chất ngành nghề các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tính chất các khu công nghiệp là các khu công nghiệp tổng hợp, đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp và dịch vụ  công nghiệp khác như: sản xuất, phân phối điện, khí đốt; cung cấp nước, hoạt động xử lý rác thải, nước thải; vận tải, kho bãi... Không bố trí trong các khu công nghiệp các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất như: Dệt và may mặc có nấu giặt tẩy, nhuộm; thuộc da, sơ chế da; sản xuất bột giấy, giấy có xeo giấy; sản xuất bột ngọt; sản xuất thuốc lá; sản xuất tấm lợp có sử dụng amiăng amfibole; sản xuất xốp cách nhiệt sử dụng polyme trộn sẵn HCFC-141b; sản xuất xi măng, vôi; sản xuất gạch tuylen; sản xuất luyện gang, thép, cơ khí có mạ kim loại; sản xuất hóa chất; sang chiết, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất pin, ắc qui... Việc bảo đảm quy hoạch đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực nhằm thu hút tối đa các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm công tác bảo vệ môi trường.

Các đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: Thành Tâm 

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với các nội dung Đề án; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Thái Bình. Việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Thái Bình trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh; thống nhất tên gọi là Ban Quản lý Khu kinh tế và Các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý ở giai đoạn đầu gồm 1 đồng chí trưởng ban, không quá 3 đồng chí phó ban và 7 phòng, ban, đơn vị chức năng. Trước mắt sử dụng số lượng biên chế và cơ sở vật chất hiện có bảo đảm cho hoạt động của Ban. Kinh phí hoạt động của Ban nằm trong kinh phí hoạt động hành chính, sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực hợp pháp khác. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giúp UBND tỉnh hoàn thiện Đề án, trình cấp trên phê duyệt.

Đối với phương án điều chỉnh, bổ sung tính chất ngành nghề các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất ban hành quy định điều chỉnh, bổ sung tính chất ngành nghề, lĩnh vực sản xuất nhằm bảo vệ môi trường bền vững. Không bố trí, quy hoạch các loại ngành nghề gây ô nhiễm. Đối với các dự án đang hoạt động không thuộc danh mục được khuyến khích thì đề xuất chuyển đổi ngành nghề phù hợp không gây ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp phải xây dựng lộ trình di dời, báo cáo kế hoạch di dời trước năm 2020, chậm nhất đến năm 2025 phải tổ chức di dời theo quy định. Kiên quyết không gia hạn, không cấp phép đầu tư đối với các dự án gây ô nhiễm môi trường. Yêu cầu các cơ sản xuất phải tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất có hành vi xử lý, xả thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh đầu tư các thiết bị quan trắc tự động về môi trường ở các cơ sở, vị trí có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường. Giao Sở Tư pháp thẩm định dự thảo quyết định trước khi trình UBND tỉnh ký ban hành.

Tất Đạt