Thứ 5, 18/04/2024, 13:21[GMT+7]

Khó khăn trong xây dựng chợ nông thôn mới ở Thái Thụy

Thứ 6, 03/08/2012 | 15:50:24
3,872 lượt xem
Để xây dựng nông thôn mới, thời gian qua các xã ở Thái Thụy tích cực huy động các nguồn lực thực hiện 19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí số 7 là xây dựng chợ nông thôn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tiêu chí này ở cơ sở đã nảy sinh những bất cập, có nhất thiết mỗi xã nông thôn mới phải có một chợ cũng đang là nỗi băn khoăn của nhiều địa phương.

Một góc chợ nông thôn ở Thái Thụy

Theo Thông tư số 54, ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp &PTNT hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì: xã nông thôn mới phải có chợ đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Xây dựng: phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng gồm: nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác. Diện tích xây dựng chợ đạt tối thiểu 3.000m2 trở lên, trong đó diện tích xây dựng nhà chợ chính chiếm tối đa 40%, khu mua bán ngoài trời chiếm tối thiểu 25%, đường giao thông nội bộ tối đa 25% và diện tích sân, cây xanh ít nhất 10%. Thái Thụy hiện có 35 chợ nông thôn với diện tích đất gần 90.000m2 thu hút 9.680 hộ kinh doanh thường xuyên và gần 4.000 hộ kinh doanh không thường xuyên. Hình thành từ rất lâu đời, cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, hệ thống chợ trên địa bàn huyện đáp ứng tốt nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hoá của người dân nông thôn.

Tuy nhiên, nếu xét theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì đa số các chợ ở Thái Thụy hiện nay đều chưa đạt yêu cầu. Bởi hầu hết các chợ trên địa bàn đều là chợ nhỏ loại II, loại III, chưa có chợ loại I. Dù có số lượng chợ lớn nhưng trong đó chỉ có 3 chợ kiên cố (chiếm 8,57%), 23 chợ bán kiên cố (chiếm 65,7%), còn lại là chợ tạm, không kiên cố. Xét riêng về tiêu chí diện tích, toàn huyện chỉ có 16 chợ đạt trên 3.000m2, 19 chợ diện tích dưới 3.000m2 (trong đó 10 chợ diện tích dưới 1.000m2). Một số chợ vị trí quy hoạch chưa phù hợp, nằm trong khu dân cư, hệ thống thoát nước, các điều kiện vệ sinh môi trường không bảo đảm. Thậm chí, có một số chợ hình thành tự phát ven đường, dựng lều tạm, nền đất, họp ngoài trời, không có mái che, gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự ATGT.

Định hướng quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn đến 2015, Thái Thụy sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới 42 chợ, trong đó 2 chợ loại I, 12 chợ loại II, 28 chợ loại III và đến năm 2020 sẽ có 5 chợ loại I, 15 chợ loại II và 25 chợ loại III. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nguồn vốn đầu tư xây dựng hoặc cải tạo số lượng chợ này cần rất lớn, riêng giai đoạn 2011-2015 khoảng 21,8 tỷ đồng trong khi nguồn vốn giành cho đầu tư xây dựng chợ những năm qua còn rất khó khăn, nhiều hạng mục công trình bức thiết khác: hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, trường học, trạm y tế… cần ưu tiên đầu tư. Theo tiêu chí đã đặt ra: trong tương lai, mỗi xã nông thôn mới sẽ có một chợ đạt chuẩn, đó là tin vui đối với nhiều vùng nông thôn nhưng ở một số nơi khác điều này xem ra có phần chưa hợp lý. Thái Tân là xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 của huyện, có chợ Gạch rộng 4.000m2 hình thành từ rất lâu đời và xếp hạng lớn trong vùng, mỗi tháng họp 13 phiên, thu hút lượng lớn người dân địa phương và các xã lân cận đến mua bán, trao đổi hàng hoá. Những năm qua, địa phương đã huy động kinh phí đầu tư xây dựng chợ khá khang trang: đường vào chợ, nền, tường bao quanh, khu vệ sinh, các gian bán hàng có mái che brôximăng, khu bán gia cầm tập trung…

Tuy nhiên, theo lời Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Trường: để đạt tiêu chuẩn chợ nông thôn mới, chợ Gạch vẫn còn nhiều hạng mục công trình cần đầu tư nâng cấp như: mở rộng thêm 1.000m2 theo quy hoạch, xây dựng mạng lưới kinh doanh trong chợ, thêm lán để xe, cải tạo lại mái các gian hàng, hệ thống thoát nước thải… với số vốn lên đến cả tỷ đồng trong khi xã cũng không biết lấy nguồn nào để đầu tư. Còn ông Phạm Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Thụy Dương thì cho rằng:" Đầu tư xây dựng chợ đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hoá của người dân phục vụ quá trình phát triển KT - XH của địa phương là chủ trương đúng nhưng cần tính đến yếu tố phù hợp. Ví như Thụy Dương giáp ranh với Thụy Văn, nơi có chợ Giành nên hầu hết người dân trong xã sang chợ này để mua bán hàng hoá. Vừa qua, địa phương đầu tư xây dựng một khu chợ nhỏ diện tích 300m2 với gần 20 gian hàng lợp mái tôn, lát nền sạch sẽ phục vụ nhân dân mua bán thực phẩm hàng ngày. Nhu cầu như vậy là đủ, nếu đầu tư xây dựng chợ đúng theo tiêu chí nông thôn mới thì sẽ rất lãng phí đất đai, tiền của mà sợ rằng chợ xây song sẽ không có người đến họp".

Chợ nông thôn không chỉ đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hoá mà nó còn là nơi giao lưu, nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người dân. Xưa kia, chợ là nơi bán các dụng cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, quần áo, lương thực - thực phẩm, cây con giống… muốn mua gì phải đi chợ mới có. Nhưng nay, khi kinh tế phát triển, các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ mọc lên nhiều phục vụ tận nơi, đa dạng nhu cầu của người dân nên chợ nông thôn không còn là nơi duy nhất cung ứng hàng hoá. Do vậy, khi đầu tư xây dựng chợ, các địa phương phải tính toán đến tập tục, thói quen sinh hoạt, đặc thù riêng và quan trọng nhất là nhu cầu thực tế, quy mô và mật độ dân số… , không nhất thiết mỗi xã phải xây dựng một chợ. ở những xã cần thiết phải xây dựng chợ, huyện và xã cần phải xác định rõ địa điểm, quy mô đồng thời việc khảo sát, lập quy hoạch, thiết kế công trình, đầu tư phát triển chợ cũng phải bảo đảm tính kế thừa, lâu dài đáp ứng yêu cầu của xã nông thôn mới. Vấn đề quan trọng nữa là Thái Thụy phải xây dựng cơ chế thế nào thu hút được các nguồn lực từ doanh nghiệp, nhân dân địa phương đầu tư xây dựng chợ, có quy chế hoạt động rõ ràng để phát huy hiệu quả chợ nông thôn, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài xây dựng Nông thôn mới)

  • Từ khóa