Thứ 3, 23/04/2024, 13:44[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quản lý ngoại thương

Thứ 6, 26/05/2017 | 07:54:59
2,189 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, ngày 25/5, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương và thảo luận về dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Đại biểu Phạm Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia thảo luận.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu đồng tình với việc ban hành Luật Quản lý ngoại thương là cần thiết, đáp ứng yêu cầu hiện nay. Luật khi được ban hành sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu của nhà nước để quản lý hoạt động ngoại thương bằng việc áp dụng các quy định về các biện pháp quản lý, phát triển ngoại thương, giải quyết tranh chấp và bảo vệ, trợ giúp cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Đánh giá chung về dự thảo Luật, đại biểu cho rằng nhiều điều trong dự thảo mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc như các quy định về hạn ngạch, hạn ngạch thuế quan, chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu, chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý giấy phép, điều kiện, thủ tục, danh mục, cơ chế, phương thức… mà các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa phải thực hiện. Điều này khiến cho Luật muốn thi hành được sẽ phải có thêm nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể nữa. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý theo hướng những nội dung nào có thể quy định chi tiết ngay tại dự thảo Luật này để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, cụ thể hơn, rõ hơn từng nội dung nhằm khắc phục những bất cập, bức xúc, lợi ích nhóm hoặc cơ chế xin cho trong hoạt động này trong những năm qua. Ví dụ, cần có quy định tiêu chí cụ thể về cấp giấy phép, mặt hàng quản lý, số lượng hàng hóa được cấp giấy phép; cần xác định rõ thẩm quyền của chủ thể quản lý nhà nước như Chính phủ, bộ, ngành, địa phương; làm rõ và phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương liên quan đến một số lĩnh vực phù hợp với thẩm quyền trong hoạt động ngoại thương. Ngoài ra, đại biểu còn tham gia thêm về một số điều, khoản cụ thể trong dự thảo Luật.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày