Thứ 4, 24/04/2024, 15:53[GMT+7]

Ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021

Thứ 6, 14/07/2017 | 10:41:10
1,242 lượt xem
Ngày 14/7, kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVI tiếp tục ngày làm việc thứ ba với nội dung thảo luận, phát biểu ý kiến, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Đoàn Chủ tịch phiên họp ngày 14/7. Ảnh: Thành Tâm

Các đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI; đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố dự kỳ họp.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành kỳ họp.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe đồng chí Đàm Văn Vượng, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại  biểu.

Các đại biểu dự phiên họp ngày 14/7. Ảnh: Thành Tâm 

Sau đó các đại biểu thảo luận và các ngành phát biểu ý kiến tập trung vào các vấn đề: Giải pháp để phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2017, hướng triển khai việc tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất, cơ chế hỗ trợ cho các xã về đích nông thôn mới; thực trạng và giải pháp thực hiện quy định của luật xử lý vi phạm hành chính đối với việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc để góp phần làm giảm tội phạm trên địa bàn tỉnh; kết quả giải quyết tồn đọng hồ sơ chính sách đối với người có công, quy trình giải quyết trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra, giám sát của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo về xây dựng mô hình trường học mới trên địa bàn tỉnh; giải pháp chủ yếu trong điều hành ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2017.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu: Đặng Văn Dũng, tổ Đông Hưng; Phạm Minh Kha, tổ Vũ Thư; Bùi Mạnh Hà và Nguyễn Thị Thanh Tâm, tổ Kiến Xương; Nguyễn Sỹ Tạo, tổ Thái Thụy chất vấn Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các vấn đề: tham mưu của Sở cho UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho các xã khó khăn về kinh phí hoàn thành các tiêu chí về xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM; vấn đề hoàn trả 10% vốn đối ứng của các hộ dân đối với các công trình nước sạch thuộc dự án WB chuyển nhượng cho doanh nghiệp hiện nay, những khó khăn vướng mắc và giải pháp cụ thể để nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch; giải pháp “giải cứu lợn” cho người chăn nuôi.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Tạo, tổ Thái Thụy chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh về chất lượng đóng tàu, hiệu quả khai thác, tình trạng triển khai đóng tàu chậm, giải pháp đẩy nhanh tiến độ đóng tàu, vấn đề vay vốn để đóng tàu thực hiện theo Nghị định 67 của Chính phủ  đối với ngành Nông nghiệp và Ngân hàng nhà nước tỉnh Thái Bình.

Các đại biểu: Tạ Văn Trang, tổ Tiền Hải; Đỗ Năng Hoạt, tổ Vũ Thư; Nguyễn Thị Hường, tổ thành phố chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh trách nhiệm, giải pháp của mình đối với tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải rắn, nước thải, khí thải, khói bụi, tiếng ồn trên địa bàn huyện Tiền Hải và thành phố Thái Bình; nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng chậm trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố.

Tiếp đó, đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu đã chất vấn.

Báo Thái Bình điện tử xin trích đăng một số ý kiến phát biểu tham luận tại kỳ họp:


Đồng chí Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính

Dự kiến thu nội địa cả năm 2017 ước thực hiện 6.237 tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán. Tuy nhiên, các khoản thu từ thuế, phí các cấp ngân sách địa phương được hưởng để cân đối nhiệm vụ chi thường xuyên trong dự toán ước thực hiện 3.558 tỷ đồng, hụt 235 tỷ đồng. Vì thế, nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2017 là rất lớn 2.267,6 tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán năm. Để bảo đảm cân đối và điều hành ngân sách theo dự toán giao, ngoài các giải pháp trao quyền tự chủ toàn diện cho các đơn vị sự nghiệp công lập và hạch toán đầy đủ giá dịch vụ công để tái cơ cấu chi ngân sách; tiếp tục thực hiện công khai minh bạch tài chính; đẩy mạnh cải cách hành chính, các cấp, các ngành cần đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm một cách tốt nhất, quyết liệt, theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục thực hiện tiết kiệm, sắp xếp lại các khoản chi ngân sách đã được giao trong dự toán đầu năm; điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên ở một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách, những khoản chi đến 30/6/2017 chưa được phân bổ, chưa được triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách, bù đắp hụt thu (nếu có) theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; sử dụng Quỹ dự trữ tài chính của tỉnh để đáp ứng nhu cầu chi với mức huy động trong năm tối đa không quá 70% số dư đầu năm của Quỹ; nếu sử dụng các nguồn trên mà vẫn còn thiếu nguồn, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho tỉnh và cho phép tỉnh được sử dụng một phần nguồn tăng thu cải cách tiền lương năm 2016 chuyển nguồn sang năm 2017 còn dư sau khi đã bảo đảm nhu cầu kinh phí cải cách tiền lương.

Đồng chí Nguyễn Văn Bái, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Đến tháng 5/2017, tổng số đối tượng đang được hưởng trợ cấp xã hội toàn tỉnh là 103.082 người, trong đó người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng 55.106 người, người khuyết tật 42.955 người, còn lại là các đối tượng khác. Việc xác lập hồ sơ, xét duyệt cho đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng được thực hiện đúng theo phân cấp quản lý nhà nước. Riêng xét duyệt với đối tượng bảo trợ xã hội và các cơ sở chăm sóc của nhà nước thuộc thẩm quyền Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hồ sơ xác lập từ cấp xã, có tờ trình của Chủ tịch UBND huyện và kết quả thẩm tra của Phòng Bảo trợ xã hội (thủ tục này thực hiện qua Trung tâm Hành chính công). Thời gian xét duyệt hồ sơ được thực hiện hàng tháng tại cơ sở, hồ sơ xét duyệt được giảm lược tối đa. Phương thức chi trả trợ cấp hàng tháng được chuyển đổi sang dịch vụ Bưu điện. Thời gian qua, các địa phương cơ bản thực hiện đầy đủ việc chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng cho các đối tượng, chính sách trợ giúp đột xuất cũng được thực hiện kịp thời. Công tác xét duyệt hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội cơ bản được các địa phương thực hiện tốt. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng còn một số hạn chế như: Việc xác lập hồ sơ, xét duyệt cho đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng ở một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, còn yêu cầu nhiều giấy tờ liên quan; hồ sơ lưu trữ của đối tượng tại xã chưa đầy đủ, cấp sổ lĩnh trợ cấp hàng tháng không đầy đủ, việc cấp giấy ủy quyền chưa thống nhất trong các địa phương; việc chi trả trợ cấp qua hệ thống bưu điện còn một số hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát tại cộng đồng chưa thường xuyên, liên tục; cơ sở chưa chủ động trong công tác cứu trợ đột xuất, đôi khi còn trông chờ cấp trên.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận thủ tục, hồ sơ 1.342 trường hợp tồn đọng. Căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên, Sở đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan phân loại đối chiếu với quy định chính sách hiện hành xem xét, giải quyết. Đến nay, 49 hồ sơ thương binh đủ thủ tục đã được lập danh sách đề nghị các cơ quan có liên quan thẩm định; 31 hồ sơ chưa đủ các thủ tục, điều kiện xem xét giải quyết đã thông báo, hướng dẫn cho đối tượng hoàn thiện hồ sơ. Trong số 91 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ theo diện tồn đọng, 69 trường hợp đã có phương án giải quyết, 21 trường hợp chưa đủ căn cứ xem xét, giải quyết theo quy định đã trả lại hồ sơ cho thân nhân các đối tượng, các hồ sơ khác đã có phương án giải quyết. Trong số 276 hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã cơ bản hoàn thành. 424 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 258 trường hợp thanh niên xung phong đã giải quyết xong.

Đồng chí Đặng Phương Bắc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo


Toàn tỉnh hiện có 87 trường tiểu học (chiếm 29,49% tổng số trường và 9,8% số học sinh), 48 trường THCS (chiếm 17,98% tổng số trường và 13,2% số học sinh) tham gia dạy và học theo mô hình trường học mới. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của mô hình trường học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện một loạt các giải pháp như: Mời các chuyên gia đầu ngành, các tác giả viết sách giáo khoa về tập huấn cho toàn bộ cán bộ quản lý và giáo viên các trường, dạy mẫu, dạy thử, hướng dẫn phương pháp cho giáo viên; tổ chức hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn theo khối, thống nhất những nội dung tập trung rèn kỹ năng cho học sinh; tổ chức hoạt động cho các em học sinh tham gia theo mức từ thông hiểu đến vận dụng và nâng cao; giao lưu giữa các trường dạy theo mô hình trường học mới để trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổ chức thi, khảo sát chất lượng cùng đề, cùng thời điểm giữa sách giáo khoa của mô hình trường học mới với sách giáo khoa hiện hành để so sách; kết hợp giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. Những giải pháp trên cùng với sự nỗ lực vượt khó của thầy, cô giáo và học sinh, mô hình trường học mới triển khai thực hiện thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, mô hình này cũng đã bộc lộ những bất cập, nhất là ở cấp THCS. Vừa qua, Quốc hội quyết định từ năm 2018 sẽ thực hiện chương trình phổ thông tổng thể mới, đòi hỏi phải có sự thống nhất về chương trình sách giáo khoa trên cùng địa bàn. Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã trình UBND tỉnh từ năm học 2017-2018 chỉ thực hiện sách giáo khoa mô hình trường học mới với những học sinh đã học từ năm học trước, không mở rộng với số học sinh và số trường chưa áp dụng mô hình này. Đến khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới năm 2018, toàn tỉnh chỉ thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa với tất cả học sinh cùng cấp học trong toàn ngành.  


TBĐT


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày