Thứ 7, 20/04/2024, 01:52[GMT+7]

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thi hành Luật Thủy sản tại Tiền Hải, Thái Thụy

Thứ 2, 11/09/2017 | 18:35:31
820 lượt xem
Ngày 11/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức khảo sát việc thi hành Luật Thủy sản tại các huyện Tiền Hải, Thái Thụy làm cơ sở đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát thực tế tại Doanh nghiệp Phương Nam (Thái Thượng, Thái Thụy)

Đồng chí Phạm Văn Tuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn khảo sát.

Buổi sáng, Đoàn khảo sát việc thi hành Luật Thủy sản tại huyện Tiền Hải.

Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Tiền Hải đạt trên 4600 ha, trong đó: thủy sản nước lợ đạt gần 2000 ha, thủy sản nước mặn đạt 1800ha, thủy sản nước ngọt 850 ha, tập trung chủ yếu vào đối tượng tôm, cua, cá vược, ngao, trắm, chép, rô phi đơn tính... Toàn huyện có 608 tàu, thuyền đánh bắt hải sản, công suất từ 20CV-829CV, sản lượng khai thác liên tục tăng, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 0,6%; đã có 4 tàu chuyên thu mua hải sản tại các vùng biển xa bờ. Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản của huyện hiện chiếm gần 40% sản lượng ngành nông nghiệp. Sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng, đánh bắt của huyện chủ yếu được chế biến thô, tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh và trong nước, riêng ngao đã xuất sang thị trường EU. Tuy nhiên, việc thi hành Luật Thủy sản trên địa bàn huyện Tiền Hải còn nẩy sinh một số vướng mắc như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng chưa thường xuyên; việc triển khai quy hoạch nuôi trồng thủy sản còn chậm; việc cấp giấy đăng ký cho tàu cá hoạt động thủy sản còn khó khăn; thủ tục hành chính về khảo nghiệm, kiểm tra giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi, trồng thủy sản cò rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân…

Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về: Hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành Luật Thủy sản trên địa bàn; công tác phối hợp với Biên phòng quản lý ngư cụ, tàu thuyền ra khơi; tình hình thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá; hạ tầng cảng cá, bến tàu phục vụ  thu mua và neo đậu của tàu, thuyền; khơi thông luồng lạch vào cảng; kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản; việc thực hiện chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản; hậu cần nghề cá…

Buổi chiều, Đoàn khảo sát việc thi hành Luật Thủy sản tại huyện Thái Thụy.

Đến nay, huyện Thái Thụy có trên 2.700ha nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ, trong đó, diện tích nuôi thủy sản nước mặn chủ yếu là ngao gần 1300ha, thủy sản nước lợ chủ yếu là tôm thẻ công nghiệp công nghệ cao trên 1400ha. Sản lượng nuôi trồng hải sản đạt trên 41.000 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17%. Trên địa bàn huyện có 02 công ty và 9 cơ sở sản xuất giống thủy sản, 5 cơ sở kinh doanh thức ăn và các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản. Hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ có 535 tàu, thuyền với 1771 lao động, sản lượng khai thác đạt trên 42.000 tấn, tốc độ tăng trưởng 13,5%. Toàn huyện có 4 cảng cá, 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, 2 nhà máy đóng tàu. Việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản luôn được UBND huyện thực hiện nghiêm túc, kịp thời.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát thực tế tại Nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải (Thái Thụy).

Tại buổi khảo sát, đại diện lãnh đạo huyện Thái Thụy đã giải trình, làm rõ một số vấn đề các thành viên Đoàn còn băn khoăn về kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản; việc chấp hành pháp luật về ngư trường của các tàu cá đánh bắt xa bờ; đầu tư nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản công nghệ cao; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn đóng mới cải hoán tàu cá theo Nghị định số 67. Đại diện lãnh đạo huyện Thái Thụy cũng đã kiến nghị Quốc hội tiến hành rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản cho phù hợp với chiến lược phát triển ngành thủy sản; Nhà nước tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận, cấp phép, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác thủy sản…

Kết thúc các buổi khảo sát, đồng chí Phạm Văn Tuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy; đồng thời tổng hợp để đóng góp về dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.

Đoàn cũng đã khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội Geleximco, Công ty TNHH Hải Long (Tiền Hải) và Công ty Bột cá Thụy Hải, Doanh nghiệp Phương Nam  (Thái Thụy).

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày