Thứ 7, 20/04/2024, 16:10[GMT+7]

“Đặc sản” đồng đất Thượng Điền

Thứ 5, 12/01/2017 | 08:28:15
1,459 lượt xem
Nếu hầu hết người dân xã Tam Quang (Vũ Thư) sinh sống bằng nghề làm chổi đót truyền thống thì người dân thôn Thượng Điền quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Nhờ thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng kết hợp với sự chăm chỉ, chịu khó của bà con nông dân mà rau cần, súp lơ trở thành “đặc sản” của đồng đất Thượng Điền.

Nông dân thôn Thượng Điền chăm sóc cây súp lơ.

 

Về Thượng Ðiền những ngày cuối năm, trên cánh đồng ven làng bà con nông dân nhộn nhịp thu hoạch, trồng lứa rau mới hoặc rửa, bó rau cần. Ông Ðặng Văn Thương, chủ hộ trồng rau cần chia sẻ: Trồng rau cần là nghề truyền thống đã có từ lâu đời ở Thượng Ðiền. Từ thời xưa, bà con ươm cả rau cần giống và trồng rau cần thực phẩm, trong đó người làng Thượng Ðiền có kinh nghiệm và bí quyết riêng để ươm được giống, bởi vậy mỗi vụ người trồng rau từ Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa… phải tìm đến tận Thượng Ðiền tìm mua rau cần giống, nghề trồng rau cần vì thế rất “có giá”. Tuy vất vả nhưng thu nhập mỗi vụ trồng rau cần tương đương với 5 - 7 vụ lúa nên bà con say nghề. Xưa kia, các bậc cao niên trong làng chỉ truyền nghề trồng rau cần cho các con trai và con dâu, riêng con gái chỉ được phụ giúp mà không được truyền “bí quyết” trồng rau cần vì e ngại mang nghề của làng đi nơi khác.

Ðến nay, lớp trẻ nhiều người ngại vất vả đã bỏ nghề, cả làng chỉ còn khoảng 100 hộ, mỗi hộ trồng khoảng 1 sào rau cần, một số hộ trồng từ 3 - 7 sào như gia đình ông Huyến, ông Thương, bà Chanh… Ông Ðặng Văn Huyến, chủ hộ trồng nhiều rau cần nhất thôn Thượng Ðiền cho biết, gia đình ông trồng 7 sào rau cần các loại, cho thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng mỗi vụ.

Không giống rau cần nước thân dài và trắng vì trồng dưới ao sâu như nhiều nơi, rau cần Thượng Ðiền lại trồng ở ruộng bùn pha cát, rau xanh, thân ngắn và có mùi thơm hơn hẳn nên dễ tiêu thụ. Mỗi vụ, từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau, bà con trồng được 5 - 6 lứa rau cần, mỗi năm mỗi giá, tính trung bình rau cần cho thu nhập 20 triệu đồng/sào/vụ. Nhờ nguồn thu từ rau cần, đời sống của người dân Thượng Ðiền trở nên khấm khá.

Nếu bà con lương dân trong thôn chủ yếu trồng rau cần thì các hộ dân họ giáo Thượng Ðiền lại có nghề trồng súp lơ truyền thống. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, giáo dân thôn Thượng Ðiền chia sẻ: Giống như cây rau cần, không ai biết cây súp lơ có ở đồng đất Thượng Ðiền từ bao giờ, chỉ biết nghề do các cụ để lại, riêng bản thân ông Vĩnh có kinh nghiệm trồng súp lơ hơn 40 năm. Nếu rau cần ưa ruộng bùn pha cát thì súp lơ lại ưa đất thịt màu mỡ. Trước kia, hầu hết các xứ đồng quanh nhà thờ họ giáo thường phủ kín màu xanh của súp lơ mỗi vụ đông. Hàng chục năm trước, bà con chỉ trồng súp lơ trắng, sau này du nhập thêm giống súp lơ xanh. Thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch của súp lơ kéo dài 80 ngày (súp lơ trắng) và 100 - 120 ngày (súp lơ xanh), vì vậy, một vụ đông, nông dân Thượng Ðiền chỉ trồng được 1 lứa, súp lơ Thượng Ðiền giòn, ngọt khác hẳn với súp lơ các nơi. Một sào súp lơ nông dân Thượng Ðiền trồng từ 800 - 1.000 cây, thu về 5 - 7 triệu đồng.

Ông Ðặng Văn Vàng, Trưởng thôn Thượng Ðiền cho biết: Toàn thôn hiện có 358 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu, trong đó có khoảng 150 hộ tham gia nghề trồng rau cần, súp lơ truyền thống. Sau thu hoạch rau cần, bà con thường trồng rau muống, thu nhập từ hai loại rau này đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm. Ðối với diện tích trồng súp lơ, nông dân luân canh lúa xuân - dưa lê hè - lúa mùa - súp lơ, giá trị canh tác đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm. Nhờ chăm chỉ khai thác đồng ruộng, trồng các cây truyền thống, hầu hết các hộ trong thôn có đời sống khá và giàu. Kinh tế phát triển, bà con tự giác đóng góp, ủng hộ kinh phí hàng trăm triệu đồng cứng hóa 3,1km đường trục thôn, đường nhánh cấp 1; 530m đường giao thông nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới.

Quỳnh Lưu

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày