Thứ 7, 20/04/2024, 09:07[GMT+7]

Xuất ngũ giữ nghề truyền thống

Thứ 5, 12/01/2017 | 11:58:19
151 lượt xem
Nối nghề làm hương trầm truyền thống từ gia đình, Vũ Thành Trung ở thôn Hồng Phong, xã Đông Quang (Đông Hưng) đang từng ngày “giữ lửa” nghề. Anh cũng là một trong ít bộ đội xuất ngũ làm giàu từ nghề truyền thống ngay trên quê hương mình.

Kiểm tra quy trình sản xuất hương.

 

Dưới cái nắng hanh vàng của những ngày cuối đông, con đường vào thôn Hồng Phong mùi hương quyện vào gió ngào ngạt khắp nơi. Tới gia đình Vũ Thành Trung, trước mắt chúng tôi là một cơ ngơi khang trang, cũng là nơi sản xuất hương của gia đình. Ngày giáp tết, công việc của những người thợ tất bật, vất vả hơn. Trung được thừa hưởng toàn bộ “tài sản” là những kinh nghiệm, bí quyết làm hương trầm gần 200 năm của gia đình. Trung tâm sự: Biết đến hương từ khi còn nhỏ nhưng sau khi xuất ngũ trở về địa phương tôi mới thực sự gắn bó với nghề. Ở thôn Hồng Phong chỉ còn hơn chục hộ làm nghề này. Trước đây, nhiều gia đình trong thôn làm hương thủ công, năng suất không cao, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường nên dần dần phải thay thế bằng máy móc hiện đại. Trăn trở với nghề truyền thống, năm 2010, Trung bàn với bố mua 10 chiếc máy làm hương công nghiệp trị giá 250 triệu đồng để sản xuất số lượng lớn. Ban đầu chỉ người trong gia đình tham gia các công đoạn làm hương. Tuy nhiên, khi đưa máy móc vào sử dụng, mẫu mã đẹp, hương làm đến đâu bán hết tới đó nên Trung mượn thêm nhân công. Hiện nay, xưởng làm hương của gia đình tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập chi trả cho nhân công từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi ngày xưởng sản xuất từ 6 - 7 vạn nén hương, ngày cao điểm khoảng 10 vạn. Thương lái, khách hàng trực tiếp đến đặt hàng, mang đi tiêu thụ ở các tỉnh khu vực miền Bắc.

 

 

Phơi hương.

 

Vũ Thành Trung cho biết thêm: Để hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, tôi và nhóm thanh niên cùng có chung đam mê với nghề làm hương đã thành lập hội làm hương trẻ xã Đông Quang với gần chục thành viên. Ngoài giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật, chúng tôi còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, cùng mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá thương hiệu hương Hồng Phong. Đa số anh em trong hội đã từng tham gia quân ngũ nên rất đoàn kết, gắn bó với mục đích chung là tìm hướng đi mới phát triển làng nghề truyền thống.

 

Hiện nay, gia đình Trung sản xuất hai loại hương trầm nén nhỏ và hương sào với giá bán buôn từ 20.000 - 100.000 đồng/100 nén, tùy từng loại, trừ chi phí mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. Nhận xét về Trung, ông Đào Văn Khuê, Chủ tịch UBND xã Đông Quang cho biết: Vũ Thành Trung là một trong những thanh niên tiêu biểu của địa phương gắn bó và làm giàu từ nghề truyền thống. Mặc dù bận mải với công việc nhưng vợ chồng Trung rất tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương. Trước đây Trung còn đảm nhận chức vụ Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã, tham gia lực lượng dự bị động viên địa phương… Với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ cộng với sức trẻ, tinh thần ham học hỏi, Trung sẽ thành công hơn nữa, góp phần phát triển nghề và làng nghề của địa phương.

 

Nói về dự định của mình, Trung cho biết sẽ tiếp tục học hỏi, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, do mặt bằng có hạn nên việc sản xuất, kinh doanh của gia đình vẫn còn bó hẹp. Trung mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện để các hộ làm hương ở thôn Hồng Phong có mặt bằng thuận lợi để phát triển quy mô, tạo việc làm cho nhiều lao động.

 

Thiên Ân

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày