Thứ 6, 19/04/2024, 07:39[GMT+7]

Xuân giăng thôn lụa

Thứ 2, 23/01/2017 | 16:05:33
1,725 lượt xem
Nam Cao (Kiến Xương) nổi tiếng với nghề dệt đũi nhờ sự hồn hậu, chất phác và thắm tình của những người thợ lành nghề cũng như vẻ đẹp mộc mạc của từng sản phẩm. Tuy đã qua thời kỳ hưng thịnh và hiện đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng người dân Nam Cao vẫn ấp ủ những tinh hoa truyền thống để bừng nở trong mùa xuân này.

Hương sắc một miền quê

Bất cứ ai lần đầu đặt chân đến mảnh đất này đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thuần khiết của một làng quê Việt với cây đa, bến nước, sân đình và những con đường trải bê tông như dải lụa trắng dài bất tận len lỏi đến từng ngôi nhà, ngõ xóm. Ông Nguyễn Thiên Định, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Nhờ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông của địa phương được chỉnh trang làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến làng nghề dệt đũi Nam Cao chính là những âm thanh lách cách vui tai phát ra từ những chiếc khung dệt trong mỗi hộ gia đình. Dẫu không ồn ã như lúc làng nghề ở thời kỳ hoàng kim nhưng âm thanh vẫn đủ náo nhiệt để dệt nên bản tình ca về người dệt lụa. Những âm thanh ấy đã ngân lên suốt chiều dài lịch sử hình thành mảnh đất Nam Cao 600 năm có lẻ vốn thân thiết, quen thuộc và mang lại sự ấm no cho người dân nơi đây. Để rồi, những người dân trong làng dù đi xa vẫn luôn khắc khoải nhớ về, còn người ở nhà thì gắn bó, trao truyền cho nhau cái nghề làm đẹp cho đời và làm giàu cho mình.

Ghé thăm gia đình anh Nguyễn Trọng Chiến ở thôn Nam Đường Đông, cả 3 chiếc khung dệt chạy hết công suất được điều khiển bởi bàn tay của những cô thôn nữ khéo léo, tài hoa. Vẫn ngồi bên khung cửi, chỉ khác là giờ đây hoạt động bằng máy, người thợ tỷ mỷ chuốt từng sợi tơ óng ánh sắp đặt lên khung đều tăm tắp. Cùng thời gian và tiếng máy reo, những tấm vải lụa mềm ra đời trong niềm vui hạnh phúc của người thợ. Anh Chiến cho biết: Mỗi ngày, một người thợ dệt được 20m vải lụa các loại. Tấm lụa may áo, may quần, tấm lụa làm khăn choàng của làng nghề đi đến muôn nơi cả trong và ngoài nước. Cứ nghĩ đến hình ảnh những sản phẩm của mình làm ra được người tiêu dùng hạnh phúc, trân trọng, nâng niu, người làng nghề chúng tôi phấn khởi gắn bó với nghề và thêm yêu nghề hơn. Nên dẫu làng nghề có lúc thăng, lúc trầm thì chúng tôi vẫn cố gắng duy trì và đổi mới để thích nghi, phát triển.

Trong cái giá lạnh của những ngày cuối mùa đông, người ta sẽ có cảm giác ấm áp khi được ngắm con đường hay những chiếc sân của các hộ làng nghề dệt đũi Nam Cao treo rợp vải lụa lúc hong khô. Những chiếc bếp suốt ngày, suốt đêm luôn đỏ lửa nấu chín sợi tơ để làm mềm và hấp nhuộm cho sản phẩm thêm óng đẹp muôn màu.

Sung túc làng nghề

Những cụ già trong làng luôn tự hào kể về cụ tổ nghề và truyền dạy lại những tinh túy của nghề dệt cho con cháu để tiếp nối và gây dựng sự nghiệp. Thời kỳ từ năm 1995 - 2005, 100% số hộ trong xã với khoảng 6.000 lao động làm nghề dệt. Nhà làm ít có 1 - 2 khung, nhà làm nhiều có cả chục khung dệt, nhiều hộ còn thành lập doanh nghiệp dệt với 30 - 40 khung dệt. "Một người thợ nếu làm một khung dệt, mỗi tháng cũng có thu nhập ổn định từ 3,6 - 4 triệu đồng. Công việc chỉ bận bịu chân tay chứ không quá khó nhọc, không phải dãi nắng, dầm mưa như người nông dân nên chị em ai cũng trắng và rất xinh", chị Nguyễn Thu Huyền ở thôn Nam Đường Đông tươi cười khoe với chúng tôi.

Nghề dệt không chỉ sản sinh ra những nghệ nhân, người thợ lành nghề mà còn đào tạo ra những doanh nhân năng động. Đó là những ông chủ với nghề thu mua sản phẩm làng nghề, gia công làm đẹp rồi mang đi tiêu thụ trên mọi miền đất nước và xuất khẩu tới nhiều nước như: Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Đức… Trong số đó phải kể đến anh Nguyễn Thiên Tranh, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh khăn tơ tằm ở thôn Nam Đường Đông, nhờ anh mà sản phẩm dệt đũi Nam Cao có mặt ở khắp các điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan và Lào. Dù đang ở vào thời điểm khó khăn về thị trường nhưng mỗi năm anh vẫn tiêu thụ khoảng 40.000 sản phẩm cho bà con làng nghề và thu về hơn 2 tỷ đồng.

Ở Nam Cao, 20 ông chủ có mức doanh thu mỗi năm tiền tỷ, còn mức vài trăm triệu thì không đếm xuể. Vào thời kỳ cao điểm, cả xã có 2.500 khung dệt, mỗi năm sản xuất ra 6 - 8 triệu mét đũi hàng hóa và đạt doanh thu từ 70 - 80 tỷ đồng. Cũng nhờ thu nhập cao từ nghề dệt đũi mà người dân nơi đây có điều kiện mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền như: ti vi, tủ lạnh, xe máy, ô tô và xây dựng được những ngôi nhà cao tầng khang trang tạo ra diện mạo của một phố thị ngay giữa lòng nông thôn miền quê lúa Thái Bình.

Ước vọng mùa xuân

Người Nam Cao luôn tự hào về sản phẩm dệt đũi của làng nghề. Mỗi tấm đũi đều chứa đựng sự độc đáo, tinh hoa của người thợ thủ công và được khách hàng đánh giá: mặc mát về mùa hè, ấm về mùa đông, mềm mại nhưng bền, dễ tẩy trắng, giặt sạch và mau khô... Chính vì vậy, những tấm đũi, khăn lụa đã làm hài lòng chẳng những người Việt mà còn chinh phục được cả khách hàng nhiều quốc gia trên thế giới. Thương hiệu dệt đũi Nam Cao cũng nổi tiếng, sánh cùng hai làng nghề lớn ở miền Bắc là Vạn Phúc (Hà Nội) và Nga Xá (Hà Nam).

Tự hào với danh tiếng của làng nghề truyền thống bao nhiêu, người Nam Cao lại đau đáu, trăn trở với làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một bấy nhiêu. Cái khó của làng nghề chính là thị trường tiêu thụ đang bị thu hẹp do phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của các nước: Trung Quốc, Thái Lan, Lào… Những người có tâm muốn gìn giữ nghề của ông cha đang tìm tòi, đổi mới để sản phẩm đũi của Nam Cao nâng cao về chất lượng, đa dạng mặt hàng, mẫu mã phục vụ nhu cầu thị trường. Và rất nhiều ông chủ trẻ đã mạnh dạn đầu tư tiền bạc mang sản phẩm của làng nghề đi giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thị trường ở các nước từ châu Á tới châu Âu với mong muốn sẽ mở rộng địa bàn tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề. Anh Nguyễn Thiên Tranh ở thôn Nam Đường Đông cho biết: Hiện nay, cơ sở của gia đình tôi đang tập trung đặt hàng, thu mua sản phẩm khăn lụa của bà con dệt trong xã, tổ chức xử lý nhuộm màu, chuẩn bị khoảng 20.000 khăn lụa các loại phục vụ thị trường tết và sang năm mới sẽ xuất ngoại đi một số nước: Lào, Thái Lan, Hồng Kông để tìm bạn hàng mới, phát triển thị trường tiêu thụ.

Khi những nụ hoa mai, hoa đào đã bắt đầu bung sắc thắm trong làn mưa xuân, cái rét ngọt của một mùa xuân mới đang về, người dân Nam Cao lại ước nguyện năm mới Đinh Dậu sẽ mang lại sức sống mới cho làng nghề. Điều ước ấy cũng đã trở thành niềm tin, bởi cùng với đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng, xúc tiến tìm kiếm thị trường, người dân làng nghề hôm nay tin việc phục dựng lại ngôi đình làng thờ cụ tổ nghề dệt đũi Nam Cao sẽ luôn nhắc nhở, giáo dục thế hệ con cháu phải giữ gìn, phát huy nghề truyền thống để xây dựng cuộc sống mới hôm nay và mai sau tươi đẹp hơn.

Khắc Duẩn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày