Thứ 3, 23/04/2024, 18:46[GMT+7]

Thực trạng nghề và làng nghề

Thứ 2, 10/04/2017 | 08:26:23
3,234 lượt xem
Những năm qua, nghề và làng nghề trong tỉnh vẫn được duy trì và phát triển. Năm 2000, toàn tỉnh mới có 82 làng nghề, năm 2005 có 193 làng nghề, năm 2010 có 229 làng nghề và đến hết năm 2016 có 247 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Như vậy, số làng nghề ngày càng tăng, tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương, hiện nay, rất nhiều làng nghề truyền thống đã bị mai một, không đáp ứng các tiêu chí về làng nghề.

Nghề may phát triển ở hầu hết các địa phương thu hút nhiều lao động từ các làng nghề truyền thống.

Có thể khẳng định nghề và làng nghề đã góp phần không nhỏ vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở các địa phương. Toàn tỉnh hiện có 191/285 xã, phường, thị trấn có làng nghề, giá trị sản xuất khu vực nghề tăng ngày càng cao. Cụ thể năm 2010 đạt 2.520 tỷ đồng, năm 2015 đạt 8.218 tỷ đồng, năm 2016 ước đạt 8.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ trọng nghề trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm do các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề chuyển vào khu, cụm công nghiệp tập trung và có nhiều dự án lớn đầu tư vào tỉnh đã đi vào hoạt động. Giá trị sản xuất làng nghề tăng hàng năm đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, nghề và làng nghề đã tạo việc làm cho khoảng 150.000 người có thu nhập bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. 

Nghề và làng nghề phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực, diện mạo nông thôn từng bước thay đổi, kết cấu hạ tầng dần được hoàn thiện, giảm dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn. Ở những nơi có nghề, làng nghề phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, nhiều phong tục tập quán truyền thống của nhân dân được khôi phục.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển nghề và làng nghề của tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nghề, làng nghề mới phát triển theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu và chưa thật vững chắc. Quy mô làng nghề nhỏ, sản xuất phân tán, chưa có nhiều làng nghề quy mô lớn. Sản phẩm làng nghề còn đơn giản, mẫu mã chưa phong phú, chất lượng và sức cạnh tranh thấp. Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh do gặp nhiều khó khăn trong công tác vay vốn. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề còn thiếu thông tin về kinh tế, khoa học công nghệ, thị trường. Một số đơn vị làm hàng xuất khẩu không ký trực tiếp với khách hàng nên bị ép giá và chưa chủ động được thị trường. Việc ứng dụng và kết hợp giữa thiết bị, công nghệ truyền thống với thiết bị công nghệ hiện đại ở các làng nghề còn hạn chế, chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm nên chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao.

Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều làng nghề truyền thống của tỉnh đã bị mai một do cạnh tranh gay gắt về nguồn lao động ở các khu, cụm công nghiệp tập trung nhất là ngành công nghiệp dệt may và sản xuất da giày phát triển. Mặt khác, nghề truyền thống đòi hỏi tích trữ kinh nghiệm lâu năm để làm thì nay nghề may chỉ cần học trong 3 tháng đã có thể làm được, lại có lương cao. Hơn nữa, do tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, các sản phẩm thay thế ngày càng nhiều nên nhiều làng nghề không có đầu ra sản phẩm. Điển hình như sản phẩm rổ rá của làng nghề xã Hồng Châu (Đông Hưng) đến nay không còn người dùng, nghề thêu ở Minh Lãng trước đây chuyên xuất khẩu đi một số nước châu Âu và Nhật Bản thì nay cũng không còn thị trường bởi đã được thay thế bằng sản xuất công nghiệp. Mặt khác, hàng hóa của các nước tràn vào nhiều nên sản xuất trong nước bị kém đi do mặt hàng của làng nghề khó cạnh tranh, giá cao, mẫu mã đơn điệu.

Theo chủ trương định hướng phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2017 - 2025 và đến năm 2030 sẽ tiếp tục duy trì phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Có chính sách để bảo tồn bí quyết gia truyền, đào tạo, chuyển giao nâng cấp nghề truyền thống, đặc biệt là chính sách đối với nghệ nhân, thợ giỏi, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường. Cùng với đó sẽ khuyến khích và có chính sách ưu tiên các sản phẩm làng nghề truyền thống đăng ký xây dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

  Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày