Thứ 7, 20/04/2024, 12:55[GMT+7]

Chuyện cổ tích

Thứ 5, 12/01/2017 | 11:55:33
615 lượt xem
Khi đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng tưởng như cánh cửa tương lai sẽ khép lại, thế nhưng, bằng nghị lực, nhiều người khiếm thị đã tìm lại ánh sáng cho cuộc đời mình. Câu chuyện của họ giống như chuyện cổ tích giữa đời thường.

Nghề tẩm quất giúp chị Tiến làm chủ cuộc sống.

 

Tốt nghiệp Trường Trung cấp mỏ địa chất với tấm bằng loại giỏi, tương lai của Trần Văn Quảng (thôn Đồng Vi, xã Đông La, huyện Đông Hưng) đang rộng mở với nhiều dự định phía trước. Thế nhưng tai nạn ập đến bất ngờ khiến đôi mắt của anh vĩnh viễn không thể nhìn thấy ánh sáng. Bao dự định, ước mơ bỗng vụt tắt, phía trước chỉ còn là bóng tối khiến cho chàng trai trẻ rơi vào trạng thái bi quan, mặc cảm trong suốt thời gian dài. Cuộc sống khó khăn khiến anh càng trăn trở. Nhưng rồi anh quyết định tự đứng lên. Ban đầu, anh ở nhà nấu rượu, nuôi lợn, chắt chiu từng đồng với mơ ước có một căn nhà nhỏ cho hai vợ chồng. Anh phải nhờ vợ chỉ dẫn để đào từng xẻng đất, đóng từng viên gạch. Nhận ra sức khỏe của mình không phù hợp với những công việc quá nặng nhọc, anh suy nghĩ và quyết định tìm cho mình một nghề mới phù hợp hơn, vì vậy anh đã tham gia lớp học tẩm quất tại Hội Người mù tỉnh và được giới thiệu lên Hội Người mù Việt Nam tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn. Sau khóa đào tạo, anh trở về Hội Người mù huyện làm nghề tẩm quất. Những ngày đầu không có khách, thương vợ sáng chở đi tối đèo về vất vả, anh định bỏ nghề quay lại nấu rượu, nuôi lợn. Song vì niềm mong mỏi của thầy cô, gia đình, anh quyết tâm gắn bó với nghề. Xác định đây là nghề nhằm mang đến cho khách sự thư giãn, thoải mái, vì thế, xen lẫn các bài bấm huyệt, xoa bóp, anh còn tạo ra nụ cười cho khách hàng thông qua các điệu chèo, bài hát sinh động hay câu chuyện hóm hỉnh đời thường. Dần dà anh đã tạo được cho mình một thương hiệu riêng. Mặc dù cơ sở tẩm quất của anh được mở ngay tại gia đình nhưng vẫn thu hút trung bình 6 khách/ngày. Nhờ nghề tẩm quất, anh có thể nuôi hai con ăn học. Anh cũng đã xây dựng được ngôi nhà hai tầng khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng với đầy đủ tiện nghi cần thiết. Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân, anh còn tích cực tham gia các hoạt động vì người mù, người khiếm thị. Là Chi hội trưởng Chi hội Người mù xã, anh nhận dạy nghề cho nhiều người khiếm thị. Hiện 3 người khiếm thị được anh đào tạo đã sống được bằng nghề và có cơ sở riêng. Anh còn thường xuyên đi vận động các tổ chức, cá nhân chăm lo vật chất, tinh thần cho người khiếm thị tại địa phương.

 

So với anh Quảng, hoàn cảnh của chị Bùi Thị Tiến ở xã Đông Sơn (Đông Hưng) còn khó khăn hơn bởi khi vừa sinh ra chị đã bị mù. Lớn lên, dù có nhiều dự định về công việc nhưng đôi mắt khiếm thị là rào cản khiến chị chùn bước. Sau bao ngày trăn trở, chị quyết định lựa chọn nghề tẩm quất. Những ngày đầu cơ sở thưa khách trong khi chi phí thuê nhà, nhân công lớn. Đã có lúc người phụ nữ khiếm thị định bỏ cuộc. Chia sẻ khó khăn trong nghề, chị Tiến cho biết: Nghề tẩm quất là dịch vụ nên chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều phía. Ngoài cơ sở tẩm quất của người khiếm thị còn có cả dịch vụ của những người sáng mắt. Vì thế, đòi hỏi mỗi cơ sở phải thường xuyên đầu tư trang thiết bị, nâng cao tay nghề. Phụ nữ khiếm thị làm nghề tẩm quất cũng gặp nhiều rủi ro hơn khi có những khách yêu cầu dịch vụ không lành mạnh. Nếu không có bản lĩnh sẽ dễ bị cám dỗ, gây mất uy tín cho cơ sở. Khó khăn là vậy song vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhìn mẹ già, con thơ chị lại nuôi quyết tâm bám trụ với nghề. Sau bao cố gắng, nỗ lực, lượng khách tìm đến đông hơn. Hiện tại trung bình mỗi ngày cơ sở của chị đón tiếp 20 - 30 khách, với giá trung bình 60.000 đồng/khách/giờ chị có mức thu nhập khá hơn. Hiện tại cơ sở của chị đang tạo việc làm cho 2 người khiếm thị với thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Chị Bùi Thị Dinh, nhân viên cơ sở cho biết: Gắn bó từ những ngày đầu thành lập, tôi thấy đây là nơi phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh của mình. Chị Tiến đã giúp tôi có cơ hội tiếp xúc, hòa nhập với cộng đồng và có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Những lúc khó khăn chị vẫn luôn động viên anh chị em cố gắng, đó là điều làm chúng tôi khâm phục.

 

Anh Quảng, chị Tiến chỉ là hai trong những người khiếm thị vươn lên không chỉ tự nuôi bản thân mà còn giúp được nhiều người cùng cảnh tìm thấy ánh sáng cuộc đời. Bằng niềm tin chiến thắng số phận, họ đã mở ra ánh sáng cho cuộc đời mình, là những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó.

 

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày