Thứ 7, 20/04/2024, 15:41[GMT+7]

Nghị lực của anh Lẫm, chị Hoàn

Thứ 6, 17/02/2017 | 15:23:55
1,708 lượt xem
Những tưởng cuộc sống của đôi vợ chồng khuyết tật sẽ suốt đời nghèo khó nhưng bằng nghị lực phi thường, anh Trần Văn Lẫm và chị Phạm Thị Hoàn (Tân Hòa, Vũ Thư) đã vượt lên khó khăn để có một gia đình hạnh phúc và cuộc sống ổn định.

Nhiều người khuyết tật được anh Lẫm, chị Hoàn dạy nghề, tạo việc làm với thu nhập ổn định.

Trong căn nhà nhỏ kinh doanh mặt hàng thời trang, vừa bán hàng anh chị vừa kể cho chúng tôi nghe về quá trình vượt khó của hai vợ chồng. Khi được một tuổi, sau một trận ốm nặng, chân trái của chị bị teo nhỏ, còn anh sau lần sốt cao bị biến chứng dẫn tới cong vẹo cột sống. Cuộc sống với những ốm đau, bệnh tật cùng mặc cảm về hình thể cứ trôi cho đến khi chị gặp anh khi cả hai cùng tham gia Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tỉnh. Tình yêu nảy nở, sau hai năm tìm hiểu anh chị đã đến với nhau, cùng nhau xây dựng cuộc sống. Vốn có nghề may trong tay, anh chị quyết tâm mở một xưởng may nhỏ để duy trì cuộc sống và tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ. Hiện tại, xưởng may của anh chị chủ yếu may gia công, là nơi mưu sinh của 12 người khuyết tật (NKT). Dạy nghề cho NKT dù khó nhưng ai tìm đến anh chị cũng tiếp nhận, dạy đến khi thạo việc, có thể tự mở được cửa hàng riêng. Chị Hoàn tâm sự: Những năm trước khi mở xưởng, tôi cũng phải đi tìm việc làm, thấy được khó khăn trong quá trình tìm việc đối với NKT nên tôi rất cảm thông với họ. Vì vậy, những người đến với xưởng may của gia đình tôi tôi sẽ tận tình hướng dẫn để họ làm được việc, từ đó có thu nhập duy trì cuộc sống. Vợ chồng anh Đỗ Đình Xuyên và chị Bùi Thị Dần đều là NKT được anh Lẫm chị Hoàn nhận vào làm việc tại xưởng may đã 5 năm với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Chị Dần tâm sự: Nếu không được anh Lẫm chị Hoàn dạy nghề và nhận vào làm việc vợ chồng tôi khó có thể duy trì được cuộc sống và nuôi con ăn học. Gia đình tôi cũng như những NKT đang làm việc tại xưởng rất cảm phục và biết ơn anh chị.

Dù sức khỏe không tốt, anh Lẫm vẫn tham gia cắt may.

Để duy trì việc làm và thu nhập ổn định từ 1,5 - 2 triệu đồng cho hơn mười lao động, anh Lẫm chị Hoàn chủ động tìm kiếm đối tác và làm các sản phẩm phù hợp với khả năng của NKT như may khẩu trang, cạp bao tay xuất khẩu, đồng phục học sinh... Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí và nâng cao thu nhập cho người lao động, anh Lẫm thường tự làm mọi việc, từ bốc xếp hàng hóa đến vận chuyển kiêm luôn kỹ thuật máy cắt và phụ trách hoạt động giao dịch còn chị Hoàn phụ trách dạy nghề và quản lý cửa hàng. Mỗi người một việc, tấm lưng cong và đôi chân khuyết tật không thể cản trở anh chị tạo dựng tương lai cho bản thân mình và những người cùng cảnh ngộ. "Vợ chồng tôi là NKT, mở xưởng may để tạo việc làm cho những người cùng cảnh. Chúng tôi nghĩ rằng đây là những người anh em chứ không nghĩ họ là công nhân đến làm nên chúng tôi rất thông cảm và chia sẻ với những khó khăn với mọi người" - anh Lẫm tâm sự.

Hiện nay vẫn có nhiều NKT tìm đến xưởng may của anh Lẫm chị Hoàn với mong muốn được học nghề và có việc làm phù hợp. Tuy nhiên, quy mô xưởng cũ không đáp ứng đủ nhu cầu học nghề và việc làm của nhiều NKT. Anh Lẫm chị Hoàn mong muốn các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện để anh chị mở rộng xưởng từ đó có thể tiếp nhận và dạy nghề cho thêm nhiều NKT.

Nguyễn Cường 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày