Thứ 6, 29/03/2024, 21:29[GMT+7]

“Từ mẫu” của chiến sĩ Trường Sa

Thứ 2, 27/02/2017 | 10:39:17
1,290 lượt xem
Tham gia hàng chục ca cấp cứu bộ đội, ngư dân gặp nạn trên biển và chăm sóc tốt sức khỏe cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, Thượng úy quân y Bùi Công Hưng, quê xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) được anh em trân trọng gọi bằng cái tên trìu mến: “Từ mẫu” của chiến sĩ Trường Sa.

Thượng úy quân y Bùi Công Hưng khám và điều trị bệnh cho Trung tá Nguyễn Hồng Phúc trên tàu 936.

Trong số rất nhiều người con quê hương Thái Bình đang công tác trên quần đảo Trường Sa mà chúng tôi gặp, Bùi Công Hưng là người để lại ấn tượng đặc biệt. Khuôn mặt hiền từ, ít nói nhưng anh lại làm việc cần mẫn, nhiệt tình, tâm huyết và rất quyết đoán.

Vừa rời đảo Tốc Tan thuộc tuyến giữa quần đảo Trường Sa sau khi hoàn thành nhiệm vụ ngoài đảo, mới lên tàu để chuẩn bị về đất liền còn chưa quen với những trận rung lắc, chao đảo của tàu 936, người mệt và mỏi nhừ nhưng khi thấy Trung tá Nguyễn Hồng Phúc, cụm phó cụm chiến đấu đảo Phan Vinh A bị sốt cao và toàn thân sưng đỏ, anh Hưng bắt tay ngay vào công việc. Bằng nhãn quan, kinh nghiệm nhiều năm công tác trên biển và trực tiếp thăm khám, anh đã phát hiện đúng bệnh và tiến hành điều trị. Chỉ sau một đêm, sức khỏe của bệnh nhân Phúc đã trở lại bình thường để tiếp tục cùng đoàn trở về quân cảng Cam Ranh.

Anh Phúc chia sẻ: Nếu không có bác sĩ Hưng thì chưa biết tôi sẽ ra sao trong hơn 2 ngày vượt biển trở vào đất liền nữa. Tôi cảm ơn anh ấy nhiều lắm!

Bùi Công Hưng bộc bạch: Chăm sóc, khám và điều trị bệnh để cán bộ, chiến sĩ mạnh khỏe là trách nhiệm của một quân y như tôi. 16 năm trong quân ngũ, tôi không còn nhớ nổi mình đã khám và điều trị cho bao nhiêu lượt người nữa.

Nhập ngũ năm 2000, vào Lữ đoàn 486, Vùng 4 Hải quân rồi anh Hưng được đơn vị cho đi học lớp y sĩ tại Trường Quân y 2 Sài Gòn.

Năm 2004, anh nhận nhiệm vụ ra đảo Tốc Tan, năm 2006 ra công tác tại đảo Đá Tây.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, năm 2007 anh được đơn vị cử ra Hà Nội học bác sĩ tại Học viện Quân y. Sau 4 năm miệt mài học tập, trở về đơn vị công tác tại đội điều trị Lữ đoàn 486 đến năm 2014 anh được phân công đi làm nhiệm vụ tại đảo Thuyền Chài. Tháng 7/2015 anh lại được điều động đến công tác tại đảo Tốc Tan cho đến nay.

Bốn lần đi đảo với tổng thời gian 4 năm là quãng thời gian để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong anh. Xen giữa tình cảm đoàn kết, yêu thương gắn bó giữa những người chiến sĩ Trường Sa như anh em ruột thịt là những tháng ngày anh chia sẻ khó khăn với đồng đội. Ngoài giờ huấn luyện chiến đấu, anh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho bộ đội kiến thức, kỹ năng rèn luyện sức khỏe, phòng bệnh từ việc ăn uống đến tập bơi, thể dục… Và khi có bộ đội bị ốm, bị thương, anh đến tận giường thăm hỏi, khám, điều trị cho anh em mau khỏi để tiếp tục làm nhiệm vụ. Trong từng phiên gác, hễ nhận được tín hiệu của ngư dân bị tai nạn trên biển anh lại cùng tổ công tác nhanh chóng triển khai cứu chữa cho bà con.

Trong cuốn nhật ký anh Hưng luôn mang bên mình suốt hơn chục năm qua, chúng tôi không tìm thấy một dòng nào viết về tình cảm riêng tư mà chỉ thấy những dòng ngày, tháng, ca cấp cứu, điều trị cho bộ đội và ngư dân. Anh Hưng chia sẻ: Mình ghi lại cốt là để rút kinh nghiệm từ thực tiễn, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần làm tốt công việc được giao.

Con tàu 936 cập cảng Cam Ranh, chúng tôi chia tay nhau. Hình ảnh người chiến sĩ quân y Bùi Công Hưng cùng câu nói "Đồng đội là anh em ruột thịt, đảo là nhà, biển cả là quê hương; cán bộ, chiến sĩ có khỏe mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngư dân có an toàn khi hoạt động trên biển mới bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; còn được đơn vị phân công ra đảo mình vẫn sẵn sàng ra khơi" in đậm trong tâm trí và khơi dậy trong chúng tôi niềm tự hào về người con Thái Bình.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày