Thứ 6, 29/03/2024, 16:52[GMT+7]

Ông Bảy cò

Thứ 2, 27/03/2017 | 08:57:45
3,874 lượt xem
Gần 30 năm nay ông Bùi Thanh Bảy ở thôn Hoành Quan, xã Thụy Liên (Thái Thụy) đã dành trọn khu vườn 7ha của mình cho hàng vạn con cò tự nhiên làm nơi trú ngụ. Đặc biệt, người đàn ông này có khả năng “níu” chân loài chim trời nên người dân địa phương đặt cho ông biệt danh: Bảy cò.

Tại các khu rừng ngập mặn ở huyện ven biển Thái Thụy có rất nhiều loài chim tự nhiên, trong đó có cả những loài chim quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như cò thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa… Những khu rừng ngập mặn đang là nơi lý tưởng để những loài chim tự nhiên đến trú ngụ và sinh sống. Tuy nhiên, đối với khu vườn có rất nhiều cò tự nhiên đến trú ngụ và sinh sống như gia đình ông Bảy thì quả là rất đặc biệt. Người xưa có câu: “Đất lành chim đậu”. Điều này chứng tỏ ông Bảy phải rất yêu và bảo vệ thiên nhiên mới có thể “níu” chân được hàng vạn con cò tới ở trong khu vườn của mình.

Đưa chúng tôi đi thăm khu vườn với nhiều ao đầm, bạt ngàn màu xanh của dừa, bạch đàn, cây sanh…, ông Bảy kể: Năm 1987, khi mới xuất ngũ trở về quê tôi đã mạnh dạn thuê khoán của UBND xã 7ha khu bãi này để cải tạo làm trang trại. Việc khai hoang, cải tạo rất khó khăn vì đây là đất hoang hóa ven cửa sông Diêm, buổi sáng còn thấy đất chứ lúc thủy triều lên nước ngập trắng băng. Bờ vừa đắp xong, chỉ một trận thủy triều hay mưa lớn lại san phẳng tất cả. Không nản chí, ngày ngày hai vợ chồng tôi cùng đào đất, đắp lên được những bờ cao phân chia thành các ao đầm để nuôi trồng thủy sản. Trên bờ tôi trồng cây dừa, bạch đàn và cây sanh để chống sạt lở và ngăn gió bão. Đến nay, hàng nghìn cây bạch đàn, dừa và cây sanh đan kín tán, tạo nên một khu vườn sinh thái rất đẹp và trở thành ngôi nhà yên bình cho đàn cò trú ngụ.

Ông Bảy kể cho chúng tôi nghe về cái duyên với đàn cò: Giữa năm 1989, khi dừa, bạch đàn trong vườn lên được ngang đầu, vào một buổi chiều tôi thấy trong vườn xuất hiện hàng trăm con cò bợ và cò trắng đến đậu. Vài ngày sau, số lượng đàn cò càng lúc càng lớn kéo nhau về đậu kín vườn bạch đàn, trắng xóa trên lá dừa. Tôi dặn mọi người trong gia đình không được xua đuổi mà để chúng sinh sống tự nhiên. Giống cò rất khôn, khi chúng cảm thấy an toàn mới yên tâm đi về và sinh sôi nảy nở ở đó. 

Ông Bảy tâm sự: Đời tôi yêu cò và cũng khổ vì cò. Năm 2010, thời điểm cây sanh có giá, nhiều người hỏi mua một gốc cây sanh đẹp của tôi với giá 50 triệu đồng. Khi ấy, trong vườn của tôi có cả trăm cây sanh gốc to và đẹp cùng với hơn một nghìn cây bạch đàn đến tuổi được khai thác. Nhưng vì muốn có chỗ cho cò ở mà tôi đã không nỡ lòng bán đi cây cối trong vườn.

Dành cả khu vườn với nhiều cây có giá trị kinh tế làm chỗ cho cò ở, ông Bảy còn phải ngày đêm bảo vệ đàn cò trước những kẻ săn bắn. Cũng bởi khu vườn của ông Bảy có nhiều cò nên các đối tượng săn bắn thường xuất hiện ở đây. Chúng thường lẻn vào trong vườn dùng súng để bắn cò. Đã nhiều lần ông Bảy phải liều mình ngăn cản những tay săn cò này. Cũng vì nạn săn bắn nhiều nên đàn cò trong vườn ông Bảy hiện nay rất nhát người. Khi chúng tôi vào trong vườn chuẩn bị giơ máy ảnh lên chụp hình thì đàn cò bay tán loạn. 

Theo ông Bảy: Tháng 3 âm lịch là thời gian đàn cò ốc bay về nên các đối tượng săn bắn xuất hiện nhiều. Cò ốc là giống cò quý, có trọng lượng từ 1,5 - 1,7kg/con nên các đối tượng rất thích săn bắn về giết thịt. Vì vậy tôi sẽ phải túc trực ở đây thường xuyên, quyết không để những kẻ săn bắn gây hại tới đàn cò, phá hại hệ sinh thái tự nhiên ở vùng đất này.

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày