Thứ 5, 25/04/2024, 20:51[GMT+7]

Tiên phong trên trận tuyến mới

Thứ 4, 26/07/2017 | 15:43:40
1,433 lượt xem
Anh dũng nơi chiến trường đầy bom đạn, trở về đời thường luôn tiên phong trong mọi hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Họ chính là những cựu chiến binh (CCB) đầy ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống ở huyện Hưng Hà.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng của cựu chiến binh Nguyễn Duy Bảy.

Năm 1982, CCB Nguyễn Quang Văn xuất ngũ về ở xã Điệp Nông (Hưng Hà). Trước cuộc sống khó khăn, với ý chí của Bộ đội Cụ Hồ, năm 2003, ông bàn với gia đình thành lập Công ty Vận tải sông biển Quang Văn. 

Ngày đầu thành lập Công ty chỉ có một con tàu chuyên chở than từ Quảng Ninh về Hưng Hà và một ô tô chở khách. Nỗ lực phấn đấu, cuối năm 2014, Công ty đã đầu tư thêm được 8 tàu chở hàng, 12 xe chở khách, xây dựng 4 bến chứa than, vật liệu xây dựng và 1 cửa hàng bán xăng dầu. Đến nay, Công ty đã tạo việc làm cho 150 lao động, thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. 

Không chỉ phát triển kinh tế, CCB Nguyễn Quang Văn còn tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa. Trong 5 năm gần đây, ông đã ủng hộ trên 4,2 tỷ đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, ủng hộ các quỹ và các hoạt động từ thiện, nhân đạo.

Ở khu vực cống Rút, nhiều người vẫn nói ông Nguyễn Đình Hòe là “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” song với ông đó lại là trách nhiệm, là niềm vui khi được làm việc có ích cho xã hội. Hàng ngày, vào các giờ tan tầm, tại khu vực cống Rút, hình ảnh ông Hòe đứng giữa đường điều tiết giao thông, bảo đảm an toàn cho học sinh qua lại đã trở nên quen thuộc. Bộ đồng phục, chiếc băng đỏ đeo tay cùng với chiếc còi, chiếc dùi cui đã gắn bó theo ông trong suốt 15 năm qua. 

Được biết, trong những năm kháng chiến, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ và bị thương tại mặt trận Quảng Đức. Năm 1977 ông được phục viên và trở về công tác tại Văn phòng UBND huyện Đông Hưng. Năm 1990, ông chuyển về sinh sống tại huyện Hưng Hà. Hàng ngày đi ra đường và chứng kiến tận mắt nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xung quanh khu vực cống Rút đã khiến ông quyết tâm xóa “điểm đen” này. Ban đầu chỉ có một mình ông Hòe đứng ra đảm nhiệm công việc. Sau đó, qua đề xuất của ông, một tổ tự quản với sự tham gia của 5 CCB đã được thành lập. Tổ tự quản phân công từng người đảm nhiệm trên từng đoạn đường để bảo đảm an toàn giao thông cho mọi người qua lại. Với sự đóng góp công sức của ông Hòe và các thành viên tổ tự quản, người dân, nhất là các bậc phụ huynh và học sinh không còn lo lắng khi tham gia giao thông tại khu vực này.

Đến xã Cộng Hòa hỏi CCB Lê Văn Hưu rất nhiều người biết bởi ông khá “nổi tiếng” trong phát triển kinh tế tại địa phương. Nhập ngũ năm 1976, năm 1977 ông Hưu cùng đồng đội sang làm nhiệm vụ ở nước bạn Campuchia. Sau 3 năm phục vụ bên nước bạn, ông Hưu trở về quê. 

Để phát triển kinh tế gia đình, bên cạnh trồng lúa, nuôi lợn, gà, ông còn tìm tòi, nghiên cứu trồng thử nghiệm các giống cây ăn quả như cam, bưởi... Song do ít kinh nghiệm, đất lại thấp trũng nên cây trồng thường bị chết hoặc phát triển kém, ra ít quả. Khó khăn không nản lòng, ông Hưu khăn gói sang Hưng Yên tìm hiểu về giống nhãn Hương Chi. Năm 2007 ông mạnh dạn đấu thầu 8,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả của địa phương để trồng 120 cây nhãn giống Hương Chi. Bên cạnh đó, ông còn trồng các loại hoa như hoa cúc, hoa hồng... phục vụ nhu cầu của nhân dân quanh vùng; nuôi gần 30 con lợn thịt, lợn nái và 6 con bò. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông ước đạt 500 triệu đồng. Được biết, riêng vụ nhãn năm nay, vườn nhãn của gia đình ông Hưu cho doanh thu gần 100 triệu đồng.

Với ước mong làm giàu cho bản thân, cho gia đình và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, CCB Nguyễn Duy Bảy ở xã Điệp Nông đã mạnh dạn phát triển kinh tế theo hướng sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. 

Ông Bảy cho biết: Nhập ngũ năm 1979, năm 1983 tôi xuất ngũ về làm việc tại HTX Sứ Việt Hưng. Sau khi HTX giải thể, tôi trải qua đủ nghề như thợ hàn, thu vé chợ, thầu kinh doanh điện… Nhận thấy nhu cầu về vật liệu xây dựng ngày càng cao, năm 2007 tôi xây dựng cơ sở sản xuất gạch. Ban đầu sản xuất gạch thủ công bằng lò đứng, năm 2012, thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh tôi chuyển sang sản xuất gạch không nung. 

Hiện nay, cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Duy Bảy tạo việc làm cho 15 lao động. Doanh thu bình quân hàng năm đạt 500 - 700 triệu đồng. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, ông hỗ trợ địa phương xây dựng 6 nhà văn hóa và cung cấp vật liệu xây dựng hàng nghìn mét vuông kênh mương cấp I và làm 7km đường giao thông nội đồng.

Với những nỗ lực và kết quả đạt được trong phát triển kinh tế cũng như tham gia các hoạt động xã hội, các CCB Hưng Hà thực sự là những tấm gương sáng, xứng đáng với niềm tin của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân.

Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày