Thứ 5, 18/04/2024, 11:53[GMT+7]

Thương binh Vũ Văn Tinh “Tàn nhưng không phế”

Thứ 5, 27/07/2017 | 09:11:20
1,761 lượt xem
Sau 4 năm chiến đấu ở chiến trường, thương binh Vũ Văn Tinh trở về quê hương mang trên mình tỷ lệ thương tật 81%. Bằng ý chí và nghị lực, ông đã vượt qua khó khăn, đau đớn của bệnh tật để phát triển kinh tế. Kết quả từ những nỗ lực của người cựu binh năm xưa là cơ ngơi khang trang và một gara ô tô uy tín cho hàng chục lao động có việc làm ổn định.

Thương binh Vũ Văn Tinh tận tình chỉ bảo công nhân tại xưởng.

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp đến thăm gara ô tô do thương binh Vũ Văn Tinh làm chủ. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi tại tổ 24, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, vừa nhấp chén nước chỉ tay lên tường ông khoe với chúng tôi những tấm bằng khen, những bức ảnh kỷ niệm chụp chung với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh khi đến thăm và tặng quà cho ông, ông trân trọng và coi đó là động lực để dạy bảo con cháu và công nhân của mình. 

Kể về quá trình vượt khó, thương binh Vũ Văn Tinh cho biết: Năm 1975, ông nhập ngũ ở mặt trận phía Nam, sau được điều vào Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pôn Pốt. Trong một trận chiến, ông bị thương nặng vào đầu và phổi, phải trở về tuyến sau chữa trị với thương tật hạng 1/4.

Năm 1979, sau khi bình phục, ông trở về quê đoàn tụ với gia đình. Sức khỏe yếu, kinh tế lại không có trong khi con còn nhỏ, mọi sinh hoạt của gia đình chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi từ chế độ thương binh đã thôi thúc ông phải làm gì đó để bảo đảm cuộc sống gia đình. Sẵn biết chút ít về sửa xe đạp, ông mở cửa hàng. Sau vài năm có đồng vốn, ông chuyển sang nghề sửa chữa xe máy. 

Năm 1993, khi nghề sửa chữa ô tô còn chưa thịnh hành ở Thái Bình, nắm bắt được xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường ông chuyển sang làm nghề sửa chữa ô tô và mời đồng đội về làm cùng. Lúc đầu chỉ là xưởng nhỏ, sau dần khi tay nghề được nâng lên ông mở rộng diện tích nhà xưởng. 

Thắc mắc với ông, tại sao chưa được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào, chưa biết gì về sửa chữa ô tô ông lại quyết tâm mở xưởng, ông cười và bảo: Nghề là ở trong đầu mình, làm gì cũng cần có cái đầu, khi đã quyết tâm thì cái gì cũng làm được. Bản tính của tôi không thích học mót, không bao giờ đến xưởng của người khác để tìm tòi, mọi việc tôi đều tự học, tự làm, tự nghiên cứu, ghi chép tỉ mỉ, sau rút kinh nghiệm dần để nâng cao tay nghề.

Sau nhiều năm chuyển sang sửa chữa ô tô, kinh tế gia đình ông khấm khá lên, diện tích nhà xưởng cũng được mở rộng với gần 3.000m2 cùng máy móc hiện đại, bình quân mỗi tháng, nghề sửa chữa ô tô đã mang lại cho gia đình ông trên 30 triệu đồng và tạo được việc làm ổn định cho hàng chục lao động với thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng cho lao động học việc và 8 triệu đồng/tháng cho lao động có tay nghề cao. Điều đặc biệt, công nhân tại xưởng của ông phần lớn là con thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách và con em địa phương. Ông tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người học nghề và làm việc, công nhân học việc được học miễn phí và hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng, hỗ trợ cơm trưa; hàng năm tổ chức cho công nhân đi du lịch và có khen thưởng cuối năm…

Với những đóng góp cho địa phương, cho xã hội, thương binh Vũ Văn Tinh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh tặng bằng khen. Đầu tháng 7/2017, ông vinh dự là một trong những người có công tiêu biểu của tỉnh được tuyên dương tại buổi gặp mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước. 

Thương binh Vũ Văn Tinh là một trong những tấm gương tiêu biểu thực hiện tốt lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày