Thứ 7, 20/04/2024, 06:31[GMT+7]

Người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe ô tô hạng B1 số tự động

Thứ 2, 12/06/2017 | 10:32:23
1,866 lượt xem
Theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 1/6/2017, người khuyết tật nếu đáp ứng đủ về điều kiện sức khỏe sẽ được thi lấy bằng lái xe ô tô hạng B1 số tự động.

Là người khuyết tật đầu tiên tham gia lớp đào tạo lái xe ô tô hạng B1 số tự động tại Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Thái Bình, anh Phạm Trọng Hoàn, học viên lớp B1 số tự động K04-2017 cho biết: Từ trước tới nay có rất nhiều người khuyết tật mong muốn được học lái xe. Trên thực tế không phải người khuyết tật nào sức khỏe cũng yếu và không đủ năng lực để lái xe, nhiều trường hợp chỉ bị khiếm khuyết rất nhỏ, vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường như những người khỏe mạnh. Thông tư số 12 của Bộ Giao thông Vận tải chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đã giúp những người khuyết tật có nguyện vọng, nhu cầu được đào tạo một cách bài bản, chính quy, được sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động.

Ông Tống Duy Chinh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Thái Bình cho biết: Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT được Bộ Giao thông Vận tải ban hành thay thế Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Tại Khoản 2, Điều 43, Thông tư số 12 về đào tạo lái xe quy định: Đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật có đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo. Ngoài ra, người khuyết tật phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe được quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT về tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe do Bộ Y tế -  Bộ Giao thông Vận tải ban hành. Theo đó, người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo; cơ sở đào tạo sử dụng xe hạng B1 số tự động có đủ điều kiện của cơ sở đào tạo làm xe tập lái. Đối với người khuyết tật không đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo thì cơ sở đào tạo có thể sử dụng ô tô của người khuyết tật để làm xe tập lái. Ô tô của người khuyết tật phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật, tại Điều 44 quy định người dự sát hạch có đủ điều kiện điều khiển xe sát hạch hạng B1 số tự động của trung tâm sát hạch sẽ sử dụng loại xe này để thi. Những người khuyết tật không đủ điều kiện điều khiển xe sát hạch hạng B1 số tự động của trung tâm sát hạch có thể sử dụng ô tô của người khuyết tật để làm xe sát hạch. Ô tô của người khuyết tật phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP…

Theo quy định, hồ sơ đăng ký học lái xe bao gồm: đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu; bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 6 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao, chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài; giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định. Người học khi đến nộp hồ sơ được cơ sở đào tạo chụp ảnh trực tiếp lưu giữ trong cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe.

Phạm Hưng