Thứ 7, 20/04/2024, 20:35[GMT+7]

Ngành Giao thông Vận tải chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Thứ 3, 18/07/2017 | 14:27:14
1,234 lượt xem
Cùng với công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, việc chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) luôn được ngành Giao thông Vận tải xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trước mùa mưa, bão năm 2017, Sở Giao thông Vận tải đã lập kế hoạch, triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động ứng phó với mọi tình huống.

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của tuyến đò ngang trên địa bàn huyện Đông Hưng.

Những năm gần đây, tình hình mưa, bão trên địa bàn tỉnh liên tục có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn trực tiếp cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ. Năm 2016 có 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới Thái Bình, trong đó cơn bão số 1 làm tê liệt mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, nhiều cây xanh, cột điện bị gãy, đổ chắn ngang đường gây ách tắc giao thông. Bên cạnh đó, nhiều hệ thống biển báo hiệu cũng bị hư hỏng do gãy, đổ; hệ thống điện chiếu sáng trên một số cầu bị hỏng do cháy bóng đèn, đứt cáp điện. Ngoài ra, bến phà Cồn Nhất bị sạt lở kè mặt bến, hư hỏng nhà chờ, nhà bán vé và một số công trình khác... 

Trước thực tế trên, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN ngành Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các phòng, ban, Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình khẩn trương thu dọn cây, cột điện bị gãy, đổ và các chướng ngại vật khác trên đường; khơi thông rãnh và các vị trí cống bị bồi lấp bảo đảm khả năng thoát nước cho đường; khẩn trương xử lý các điểm bị sụt lún, sạt lề. Do làm tốt công tác chuẩn bị nên chỉ trong 1 ngày sau khi bão tan mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh đã được thông suốt, bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân.

Với phương châm chủ động PCTT, TKCN nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, trước mùa mưa, bão năm 2017, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN ngành Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng công trình đường bộ đẩy nhanh tiến độ các hạng mục. Cùng với việc sửa chữa, các đơn vị thi công cần có phương án bảo quản vật tư, máy móc, thiết bị khi có thiên tai xảy ra. Ngoài ra, các đơn vị vận tải thủy cần khảo sát tìm các nơi trú ẩn cho phương tiện và có phương án bảo đảm an toàn cho hàng hóa. Khi có báo động số 2 trở lên, các phương tiện thủy tạm ngừng hoạt động. Riêng đối với bến phà Cồn Nhất, phải xem xét cụ thể độ an toàn, cần thiết mới cho phà chạy; dừng hoạt động khi điều kiện thời tiết bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của phà…

Ông Chu Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Ngoài các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, ngành Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch chủ động PCTT, TKCN nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa, bão gây ra. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch huy động các phương tiện vận tải, thiết bị, vật tư phục vụ công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả lụt, bão khi có yêu cầu điều động của UBND tỉnh và của Bộ Giao thông Vận tải. Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải còn chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở phối hợp với phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố, lực lượng công an và Thanh tra Cục Đường thủy nội địa tăng cường kiểm tra các bến phà, bến khách ngang sông. Trong quá trình kiểm tra, chú ý tới chất lượng kỹ thuật của phương tiện, trang thiết bị an toàn, bằng lái của người điều khiển phương tiện, giấy phép mở bến khách ngang sông; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Các đơn vị thuộc ngành Giao thông Vận tải chủ động xây dựng kế hoạch, phương án giải tỏa cây cối, chướng ngại vật trên đường giao thông do mưa, bão gây ra trong thời gian ngắn nhất nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Trên cơ sở quán triệt nghiêm túc tinh thần “4 tại chỗ”, các phòng, ban thuộc Sở Giao thông Vận tải, các đơn vị quản lý đường bộ, đường sông đã sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa, bão năm 2017.

Phạm Hưng