Thứ 7, 20/04/2024, 14:01[GMT+7]

Đông Lĩnh: Đường cứu hộ “kêu cứu”

Thứ 2, 28/08/2017 | 09:50:10
24,211 lượt xem
Lúc mới thi công đường cứu hộ từ đê tả Trà Lý đến quốc lộ 39, trong đó có đoạn đi qua địa bàn xã Đông Lĩnh (Đông Hưng) nhân dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, sau gần 9 năm thi công đường vẫn chưa xong, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng khiến việc đi lại, sản xuất của bà con rất khó khăn, vất vả.

Ngay ở đầu đường ổ voi, ổ gà rất nhiều.

Dự án củng cố, nâng cấp tuyến đê tả Trà Lý, đoạn từ km30 - km40 và đường cứu hộ từ đê tả Trà Lý đến quốc lộ 39, trong đó có hạng mục đường cứu hộ phần đi qua địa bàn xã Đông Lĩnh (Đông Hưng), chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được khởi công từ năm 2009. Mục tiêu của dự án phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, đáp ứng nhu cầu đi lại và đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. 

Ông Phạm Văn Hiền, thôn Đông An, xã Đông Lĩnh cho biết: Mặt đường cũ chỉ rộng 3m, lại là đường liên huyện lưu lượng xe đi lại lớn trở thành quá tải nên hay xảy ra va quệt, tai nạn giao thông. Sau cải tạo, nâng cấp đường sẽ được mở rộng lên thành 9m không chỉ giúp lực lượng cứu hộ, cứu nạn đê tả Trà Lý thực hiện nhiệm vụ nếu không may xảy ra sự cố trong mùa mưa, bão, bảo đảm tính mạng, tài sản cho nhân dân mà còn giúp bà con đi lại thuận tiện hơn, giảm tai nạn giao thông. Vui sướng vì sắp có đường mới rộng rãi để đi lại nên các hộ dân trong diện giải tỏa đồng thuận cao với việc thu hồi đất phục vụ mở rộng đường cứu hộ. 

Ông Vũ Đức Long, cán bộ địa chính xã Đông Lĩnh cho biết: Việc giải phóng mặt bằng để mở rộng đường cứu hộ diễn ra rất thuận lợi. Tất cả các hộ trong diện giải tỏa đều chấp thuận giá đền bù, tự giác di dời cây xanh, phá dỡ cổng dậu, tường bao để bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện dự án. Những ngày thi công, việc đi lại vất vả hơn trước nhưng bà con ven đường cứu hộ vẫn tạo thuận lợi cho đơn vị thi công xây dựng các hạng mục công trình. 

Bà con các xã Thái Hà, Thái Sơn (Thái Thụy), thân nhân các đối tượng tại Trung tâm cai nghiện ma túy và Chăm sóc đối tượng xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) thuộc địa phận xã Đông Lĩnh cũng vui mừng không kém bởi đây là con đường giúp họ rút ngắn thời gian đi vào thành phố Thái Bình hoặc đi làm ở khu công nghiệp Gia Lễ, cụm công nghiệp Đông La. 

Bà Hoàng Thu Dung, xã Thái Hà cho biết: Mỗi lần có việc đi lên thành phố Thái Bình, tôi thường đi tắt qua con đường này để giảm thời gian. Nhưng vì đường hẹp, xe đi lại nhiều nên cũng sợ. Nay thấy đường được mở rộng, tôi rất mừng, mong muốn dự án sớm hoàn thành tạo điều kiện cho mọi người đi lại thuận lợi hơn.

Xe ô tô đi lại nhiều khiến đường xuống cấp  nhanh hơn.

Người đàn ông này suýt ngã vì đường trơn, nhiều hố lớn.

Chúng tôi có mặt ở tuyến đường cứu hộ chạy qua địa bàn xã Đông Lĩnh khi những cơn mưa to vừa ngớt, đoạn đường đã bị nước cuốn trôi lớp đá dăm bề mặt, chỉ còn trơ lại những viên đá cuội lởm chởm, những hố sâu, vũng lầy xuất hiện nhiều trên mặt đường, có hố rộng 2 - 3m, chia cắt mặt đường thành hai, sâu hoắm. Nhìn cảnh người dân vừa đi vừa dò đường, thỉnh thoảng lại thấy đôi giày, đôi dép của các em nhỏ bị bỏ lại bên cạnh các hố sâu, vũng lầy, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả mà họ phải chịu đựng suốt mấy năm qua. 

Bà Quách Thị Mai, thôn Tân Phương (xã Đông Lĩnh) ngán ngẩm chia sẻ: Đường làm dở dang bỏ đó, cứ mưa xuống là nhiều chỗ lại bị lầy thụt, những chỗ đất cứng thì toàn đá lởm chởm rất khó đi, trời nắng thì bụi mù. Thương nhất là các cụ già và học sinh hay bị ngã xe, gãy tay, gãy chân, có người còn rơi cả xuống máng, xuống ruộng; đường bụi khiến dân sống dọc đó hay bị bệnh về đường hô hấp. Lúc mới thi công tuyến đường bà con hào hứng, kỳ vọng bao nhiêu thì giờ lại thất vọng bấy nhiêu. 

Không chỉ bà Mai mà hầu hết người dân sống dọc tuyến đường cứu hộ tập trung ở các thôn Tân Phương, Đông An, Xuân Phong đều có chung ý kiến như vậy. Chính quyền và người dân Đông Lĩnh đã nhiều lần kiến nghị với các cấp, các ngành liên quan tiếp tục thi công để hoàn thiện đường cứu hộ nhưng đã gần 9 năm qua con đường kỳ vọng đem lại sự đổi thay cho người dân vùng xa của huyện Đông Hưng này giờ trở thành con đường “đau khổ”.

Người dân tự vá mặt đường bằng gạch vỡ nhưng cũng không cầm cự được bao lâu.


Ông Phạm Văn Hiền, thôn Đông An dùng đá của gia đình lấp hố nước trước cửa nhà để người dân đi lại dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Xuân Bạch, Chủ tịch UBND xã Đông Lĩnh cho biết: Tuyến đường cứu hộ chạy từ đê Trà Lý qua các xã Đông Lĩnh, Đông Phong có tổng chiều dài 4km, trong đó 2,5km chạy qua địa bàn xã Đông Lĩnh, tổng kinh phí dự toán là 76 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 3 năm. Hàng ngày, lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này rất lớn. Vì vậy, việc thi công tuyến đường không chỉ có ý nghĩa quan trọng với việc cứu hộ, cứu nạn cho tuyến đê tả Trà Lý mà còn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Nhưng do thiếu vốn nên từ năm 2013 đến nay công trình dừng thi công, toàn bộ mặt đường đã bị phá vỡ, băm nát, xuất hiện hàng trăm ổ voi, ổ gà, hố sâu. Mặc dù xã đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua đá dăm rải mặt đường, người dân cũng lấy gạch vỡ, đá xây dựng của gia đình ra san lấp nhưng cũng chỉ được một thời gian đường lại xấu như cũ. Người dân phải đi lại trên tuyến đường cứu hộ này lâu nay bị “tra tấn” bởi ổ trâu, ổ gà, hố sâu và bụi mịt mù đến nghẹt thở. Chúng tôi đề nghị tỉnh sớm bố trí vốn, triển khai thi công hoàn thiện tuyến đường. Nếu chưa bố trí được vốn, đề nghị cấp kinh phí để địa phương san lấp tạm thời mặt đường phục vụ dân sinh.


Ông Phạm Văn Hằng, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Đông Hưng

Lãnh đạo huyện rất chia sẻ với nỗi khổ của người dân Đông Lĩnh vì đường thi công dở dang, xuống cấp nghiêm trọng. Huyện đã nhiều lần có văn bản kiến nghị cấp trên tiếp tục bố trí vốn để hoàn thiện đoạn đường này nhưng tỉnh chưa bố trí được. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kiến nghị cấp trên, có giải pháp san lấp tạm thời cho bà con đi lại đỡ vất vả.

Ông Phạm Xuân Quang, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đông Lĩnh

Người dân Đông Lĩnh chúng tôi đã quá khổ sở với con đường này. Dù chúng tôi đã kiến nghị cấp trên xin bố trí vốn để hoàn thiện tuyến đường nhiều năm nay nhưng đến giờ vẫn đợi, vẫn hy vọng. Đã có nhiều học sinh đi học trên đoạn đường này bị ngã gãy tay, có cháu bị ngã đến 2 lần. Bản thân tôi cũng đã từng bị ngã, vỡ bánh chè phải nằm viện điều trị gần một tháng.

Ông Quách Văn Phúc, Trưởng thôn Đông An, xã Đông Lĩnh

Hơn 300 hộ dân của thôn Đông An đều bị ảnh hưởng bởi đường cứu hộ làm dở dang. Ban ngày còn nhìn thấy hố, vũng lầy mà tránh chứ ban đêm học sinh đi học thêm, công nhân tăng ca về rất hay bị sa vào hố sâu, vũng lầy nên người dân địa phương chỉ mong đường tiếp tục được thi công để việc đi lại thuận tiện hơn.

Bà Phạm Thị Dung, thôn Tân Phương, xã Đông Lĩnh

Gần như là con đường độc đạo nên hàng ngày tôi vẫn phải đưa đón cháu đi học mẫu giáo trên con đường “đau khổ”. Đường thì ngắn nhưng lại mất rất nhiều thời gian vì phải tránh ổ voi, ổ gà, hố sâu, có đoạn phải xuống dắt bộ. Hai cháu lớn đi học nhiều lần về gặp mưa bị ngã, người thì đầy bùn đất, xe thì hỏng; trời nắng quần áo, mặt mũi bám đầy bụi. Họ hàng cũng ít về thăm gia đình hơn trước cũng chỉ vì đường khó đi. Người dân chúng tôi chỉ mong con đường được hoàn thành sớm để các cháu đi học đỡ khổ.


Thu Hiền

Hải Nam - 7 năm trước

Người dân ở đây đi lại quá khổ sở nhiều năm trời với tuyến đường xuống cấp.kính mong ban tỉnh sớm triển khai làm lại con đường cho bà con

Tải thêm