Thứ 7, 20/04/2024, 09:44[GMT+7]

Hai cô gái Thái Bình làm nên kỳ tích SEA Games

Thứ 6, 01/09/2017 | 18:59:37
8,998 lượt xem
Mặc dù chỉ giành huy chương đồng tại Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 29 nhưng tấm huy chương mà hai vận động viên Đinh Thị Phương Hồng và Đỗ Thị Hoài giành được lại được coi là tấm huy chương vô cùng giá trị. Đây là lần đầu tiên đội tuyển cầu lông nữ Việt Nam tham dự SEA Games có huy chương ở nội dung cá nhân (đôi nữ). Hai cô gái Thái Bình chính thức ghi tên mình vào danh sách những người làm nên kỳ tích tại các kỳ tham dự SEA Games của thể thao Việt Nam.

Đinh Thị Phương Hồng và Đỗ Thị Hoài (bên trái) trên bục nhận huy chương.

Tấm huy chương danh giá

Đông Nam Á là khu vực có thế mạnh về cầu lông khi tập hợp hầu hết các đội tuyển có thứ hạng cao trên thế giới. Tại SEA Games năm nay, mục tiêu của đội tuyển cầu lông Việt Nam là có huy chương và nếu cầu lông nữ giành được huy chương thì đó có thể coi là kỳ tích khi các tuyển thủ của chúng ta vốn bị đánh giá thấp hơn so với đối thủ. Khi bước vào thi đấu, khó ai nghĩ rằng cầu lông nữ Việt Nam có thể đi sâu và chỉ chịu dừng bước khi gặp Thái Lan để giành huy chương đồng. Đây được coi là thành tích tốt nhất mà cầu lông nữ nước ta đạt được trong lịch sử tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á dành cho nội dung thi đấu cá nhân (đôi nữ).

Những người làm nên kỳ tích

Với thể thao, mỗi một chiến thắng không bao giờ chỉ được tính bằng khoảnh khắc vượt lên đối thủ trong cuộc thi tài. Chiến thắng là tổng hòa của tất cả các yếu tố từ tài năng, kỹ thuật, sự quyết tâm phải đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt. 

Đằng sau sự tự hào của cả dân tộc khi được ngắm nhìn màu cờ Tổ quốc trong lễ trao giải bộ môn cầu lông tại SEA Games 29 là những nỗ lực không biết mệt mỏi của Đinh Thị Phương Hồng quê An Vinh (Quỳnh Phụ) và Đỗ Thị Hoài quê Thượng Hiền (Kiến Xương) trong suốt gần 10 năm khổ luyện. Cả Hồng và Hoài đều có xuất phát điểm từ những gia đình nông dân thuần túy, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, gia đình không có truyền thống hoạt động trong lĩnh vực thể thao, bởi vậy con đường đến với sự nghiệp “cầm vợt” của cả hai là cả một quá trình gian nan, vất vả. 

Bà Lưu Thị Phương, mẹ vận động viên Đinh Thị Phương Hồng kể lại: Từ ngày còn nhỏ Hồng đã là cô bé năng động và giàu ý chí. Thời gian đầu đến với cầu lông, do sợ gia đình phản đối, Hồng giấu cả nhà chỉ luyện tập cầu lông tại trường rồi âm thầm tham gia các giải thi đấu cấp cụm, cấp huyện và giành được những thành tích cao, mãi tận đến khi các giáo viên tại Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Thái Bình về đặt vấn đề xin Hồng lên đào tạo, gia đình mới biết lý do vì sao cô bé thường ngày vẫn hay đi học về muộn hơn các bạn trong xóm. 12 tuổi, Hồng lên Trường Năng khiếu thể dục thể thao bắt đầu theo đuổi ước mơ trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Tuy vậy, chỉ sau đó không đầy 2 năm, Hồng suýt phải từ bỏ sự nghiệp khi bác sĩ kết luận cô không đủ sức khỏe để tiếp tục thi đấu. Hồng trở về với gia đình nhưng tình yêu với môn cầu lông dường như đã ngấm vào máu thịt, cô bé kiên quyết thuyết phục gia đình cho mình tiếp tục trở lại Trung tâm với ý chí sắt đá: Dù chỉ thi đấu được một ngày thì với con như vậy cũng là toại nguyện. Hồng đã trở lại với thể thao bởi sự liều lĩnh của chính mình. Rất may mắn, chính thể thao lại giúp Hồng rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực để tiếp tục đồng hành cùng cây vợt cầu lông.

Còn Đỗ Thị Hoài lại đến với cầu lông tình cờ khi huấn luyện viên Nguyễn Thị Bình Thơ phát hiện ra tố chất thể thao trong con người của cô bé chưa một lần cầm vợt. Ngay sau đó, vượt qua gần 20 thí sinh, Hoài trúng tuyển vào Trường Năng khiếu thể dục thể thao và trở thành một trong số những học sinh được đào tạo bổ sung cho lớp vận động viên kế cận. Ngày Hoài bước chân theo nghiệp thể thao, người thân, họ hàng hầu hết ai nấy đều phản đối bởi sự hoài nghi liệu cô bé từng mắc chứng suy dinh dưỡng từ khi còn nhỏ sẽ chịu đựng được khối lượng luyện tập dày đặc, cường độ cao của hoạt động thể thao trong bao lâu? May mắn vì bên cạnh Hoài luôn có sự ủng hộ của bố mẹ đặc biệt là bố, ông luôn động viên Hoài phải cố gắng luyện tập chăm chỉ, quyết tâm đạt thành tích cao mang vinh quang về cho địa phương, cho đất nước. 

Bà Phạm Thị Thu, mẹ vận động viên Đỗ Thị Hoài kể lại: Hoài đi học được 5 năm thì bố đổ bệnh nặng, lúc ấy Hoài đang trong chuyến tập huấn tại Malaysia. Nằm trên giường bệnh nhưng bố Hoài vẫn một mực không cho gia đình tiết lộ tình trạng của mình với con gái. 4 ngày trước khi ra đi, bố Hoài vẫn động viên con phải cố gắng rèn luyện tốt để trở thành vận động viên giỏi, để bố được tự hào. Có lẽ vì tâm nguyện của bố mà những năm tháng về sau, thành tích của Hoài ngày càng được cải thiện, cô liên tiếp cùng đồng đội mang về những thành tích cao trong các giải thi đấu, trở thành một trong những vận động viên tiêu biểu của thể thao Thái Bình.

Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Nguyễn Thị Bình Thơ, tài năng của hai vận động viên trẻ ngày càng được phát huy hiệu quả. Đinh Thị Phương Hồng được phân thi đấu chuyên nội dung đôi nữ và Đỗ Thị Hoài chuyên nội dung đôi nam - nữ, cả hai vận động viên luôn góp sức cùng đồng đội dành thành tích cao trong giải vô địch cầu lông các lứa tuổi trẻ toàn quốc. Năm 2014, Đinh Thị Phương Hồng và Đỗ Thị Hoài được ghép đôi tham gia nhiều giải thi đấu cầu lông lớn trong nước. Năm 2016, cặp đôi Hồng - Hoài giành chức vô địch nội dung đôi nữ giải cầu lông các cây vợt xuất sắc toàn quốc, năm 2017 giành huy chương bạc giải cầu lông vô địch quốc gia, huy chương bạc đồng đội nữ giải vô địch cầu lông đồng đội toàn quốc. 

Tại SEA Games 29, cặp đồng đội nữ Vũ Thị Trang, Nguyễn Thị Sen đội tuyển cầu lông Bắc Giang, vô địch giải vô địch cầu lông đồng đội toàn quốc và Đinh Thị Phương Hồng, Đỗ Thị Hoài đội tuyển cầu lông Thái Bình được cử đi thi đấu bộ môn cầu lông tại Malaysia.

Không đặt hy vọng quá cao về cặp vận động viên trẻ lần đầu tham dự SEA Games nhưng cuối cùng cặp vận động viên quê lúa đã đem lại niềm vui bất ngờ cho thầy cô huấn luyện viên Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Thái Bình, niềm vinh dự cho thể thao Việt Nam và ước mơ có được tấm huy chương bộ môn cầu lông nữ như hàng triệu người yêu thể thao Việt Nam mong ước cuối cùng đã trở thành hiện thực.


Ông Đoàn Hồng Tiến, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Thái Bình

Năm nay, Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Thái Bình có 3 vận động viên tham gia thi đấu tại SEA Games 29 ở 2 bộ môn karatedo và cầu lông. Rất vinh dự và tự hào cho Trung tâm khi năm nay cặp đôi vận động viên bộ môn cầu lông đã giành được tấm huy chương đồng, bộ môn cầu lông nữ, nội dung cá nhân (đôi nữ) bổ sung vào thành tích của đoàn thể thao nước nhà. Đây chính là nguồn động lực để các vận động viên của Trung tâm tiếp tục phấn đấu rèn luyện để các giải thi đấu tiếp theo, các đại hội tiếp theo, các nhân tố của thể thao Thái Bình ngày càng có nhiều cơ hội được góp mặt.


Huấn luyện viên Nguyễn Thị Bình Thơ

Tôi rất vui mừng vì lứa vận động viên do mình đào tạo đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong kỳ SEA Games năm nay. Tuy nhiên, thời gian tới cầu lông Thái Bình vẫn cần phấn đấu nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng thi đấu, trước hết trong nước, chúng ta phải giữ vững được vị trí tốp các đội mạnh, vươn ra tầm quốc tế. Chúng ta có đủ tự tin để hoàn thiện các mục tiêu đề ra.

Ông Đỗ Duy Khang, chú vận động viên Đỗ Thị Hoài

Từ khi nghe tin cháu Hoài và cháu Hồng đạt huy chương tại SEA Games 29, gia đình tôi rất phấn khởi và tự hào, mong các cháu ngày càng cố gắng hơn nữa để mang vinh quang về cho đất nước.


Thảo Tiên