Thứ 5, 25/04/2024, 01:28[GMT+7]

5 giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân số, SKSS

Thứ 6, 09/12/2016 | 08:09:32
7,540 lượt xem
Những năm qua, công tác dân số, sức khỏe sinh sản (SKSS) luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, thu hút sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Để tìm hiểu sâu hơn về nội dung này, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn ông Tô Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ.

Tuyên truyền lưu động về công tác dân số - KHHGĐ.

 

Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình thực hiện công tác dân số, SKSS trên địa bàn tỉnh?

Ông Tô Hồng Quang: Công tác dân số, SKSS luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Ngày 4/7/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về công tác dân số - SKSS giai đoạn 2011 - 2020. Thực hiện Nghị quyết, nhận thức, thái độ và hành vi về dân số, SKSS của cán bộ, nhân dân trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Quy mô gia đình hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi. Mục tiêu duy trì mức sinh thay thế được giữ vững; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 0,92% năm 2011 xuống còn 0,85% năm 2015. Chất lượng dân số dần được nâng lên. Tuổi thọ trung bình của người dân trên địa bàn tỉnh đạt 75 tuổi. Chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 14 tỉnh dẫn đầu cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được chú trọng hơn. Nhờ thực hiện hiệu quả các biện pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ được phát hiện sớm, xử lý kịp thời và chăm sóc ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, công tác dân số, SKSS còn một số hạn chế: kết quả giảm sinh chưa ổn định và thiếu vững chắc; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn cao. Chất lượng dân số chưa đáp ứng yêu cầu; các tố chất về thể lực còn hạn chế, đặc biệt về chiều cao, cân nặng, sức bền của vị thành niên và thanh niên. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa và tái nhiễm sau điều trị còn cao. Tình trạng nạo phá thai phổ biến có xu hướng tăng ở vị thành niên và thanh niên. Giới, bình đẳng giới và vị thành niên trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa được quan tâm đúng mức; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao; việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn hạn chế.

Phóng viên: Nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế trên là gì, thưa ông?

Ông Tô Hồng Quang: Nguyên nhân của những hạn chế trong công tác dân số, SKSS được xác định là do tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn nặng nề ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số có nhiều biến động. Một số chính sách về dân số, KHHGÐ thiếu nhất quán, đồng bộ. Một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn về đời sống, còn hạn chế hiểu biết về dân số, SKSS, giới và bình đẳng giới. Về chủ quan, một số cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của công tác dân số, SKSS; trong lãnh đạo, chỉ đạo còn xem nhẹ, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng; xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm chính sách dân số, KHHGÐ. Công tác truyền thông về dân số, SKSS có lúc, có nơi chưa thường xuyên, sâu sát, cụ thể đến từng nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ làm tăng mức sinh trở lại. Ðầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác dân số, SKSS còn yếu…

Chăm sóc sức khỏe vị thành niên.

Phóng viên: Vậy chúng ta cần làm gì để nâng cao chất lượng công tác dân số, SKSS?

Ông Tô Hồng Quang: Ðể nâng cao chất lượng công tác dân số, SKSS, chúng ta cần tập trung thực hiện 5 giải pháp chủ yếu sau: Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, huy động sự tham gia của toàn xã hội thực hiện công tác dân số, SKSS. Các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên đưa công tác dân số, SKSS thành một nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hàng năm có tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện. Nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gia đình, các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách dân số, KHHGÐ. Thứ hai, nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, SKSS, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, hành động, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện công tác dân số, SKSS. Tăng cường truyền thông đại chúng và các loại hình truyền thông trực tiếp để hướng dẫn thực hiện hành vi có lợi về dân số, SKSS phù hợp với từng nhóm đối tượng. Thiết lập trang thông tin điện tử, đường dây tư vấn miễn phí, sản xuất, phát hành các sản phẩm truyền thông. Quan tâm đầu tư trang bị phương tiện truyền thông; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ truyền thông các cấp, cán bộ y tế trực tiếp làm dịch vụ chăm sóc SKSS. Thứ ba, cần nâng cao chất lượng dịch vụ dân số và chăm sóc SKSS. Tăng cường các dịch vụ sàng lọc trước sinh và sau sinh, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ, đặc biệt là các gói dịch vụ thiết yếu, bảo đảm quyền sinh sản và đáp ứng nguyện vọng chính đáng, phù hợp với mọi đối tượng. Mở rộng mô hình cung cấp các dịch vụ tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Thứ tư, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số, SKSS từ tỉnh đến cơ sở đủ mạnh, phù hợp, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Có chính sách khuyến khích về vật chất và tinh thần đối với đội ngũ cộng tác viên. Thứ năm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực tài chính và xây dựng cơ chế, chính sách về dân số, KHHGÐ. Thực hiện quản lý, điều hành công tác dân số và chăm sóc SKSS theo chương trình mục tiêu y tế - dân số; áp dụng cơ chế quản lý theo ngành và đơn vị hành chính. Lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực và hoạt động trong các chương trình, dự án trên địa bàn. Triển khai đồng bộ các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số. Rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về dân số, KHHGÐ, trọng tâm là nâng cao chất lượng dân số, SKSS; ngăn ngừa lựa chọn giới tính thai nhi; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; cải thiện phúc lợi cho người dân; tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân số, SKSS…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Dung

(thực hiện)

  • Từ khóa