Thứ 6, 19/04/2024, 10:01[GMT+7]

Tân Phong phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ 5, 29/06/2017 | 09:13:58
3,285 lượt xem
Sau nhiều năm thực hiện, đến nay, mô hình các giải pháp can thiệp, phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) xã Tân Phong (Vũ Thư) đã phát huy hiệu quả, cho thấy những tác động tích cực của mô hình đối với nhận thức của người dân về xây dựng gia đình hạnh phúc.

Hình minh họa.

Trước kia, do hiểu biết về BLGĐ của nhân dân còn hạn chế, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên ở Tân Phong tình trạng BLGĐ vẫn thường xuyên xảy ra. Tâm lý e ngại, sợ ảnh hưởng đến danh dự dẫn đến nhiều nạn nhân bị bạo lực không dám tiết lộ thông tin, nhiều người cho rằng đó chỉ là mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, đến khi sự việc trở nên nghiêm trọng mới nhờ tới sự can thiệp của cộng đồng, đây chính là những nguyên nhân tiếp tay cho BLGĐ tồn tại. Trong thời điểm đó, trên địa bàn xã ghi nhận một số vụ việc điển hình. Năm 2005, tại thôn Mễ Sơn 1 xảy ra BLGĐ do mâu thuẫn tình cảm. Người chồng có hành vi hành hung vợ gây thương tích. Sau đó, người vợ đã phải nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giải cứu và đưa đi bệnh viện. Năm 2007, thôn Ô Mễ 4 xảy ra vụ BLGĐ có nguyên nhân từ kinh tế, đích thân đồng chí Chủ tịch UBND xã phải xuống can thiệp...

Năm 2008, Tân Phong được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm điểm xây dựng mô hình các giải pháp can thiệp phòng, chống BLGĐ. Tiếp nhận mô hình, UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo gồm 10 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch xã phụ trách khối văn hóa xã hội làm Trưởng ban; 5/7 thôn được lựa chọn làm điểm gồm Mễ Sơn 2, Ô Mễ, Ô Mễ 3, Ô Mễ 4, Thụy Bình. Ban Chỉ đạo đã họp bàn và phân công các thành viên phụ trách các thôn làm điểm có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, giúp đỡ các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ hoạt động. Trưởng các ban, ngành, đoàn thể triển khai công tác phòng, chống BLGĐ đến cán bộ, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.

Xây dựng mô hình các giải pháp can thiệp, phòng, chống BLGĐ theo hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi thôn làm điểm xây dựng 1 câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, mỗi câu lạc bộ lại hình thành các nhóm phòng, chống BLGĐ. Sau nhiều năm thành lập và đi vào hoạt động, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ đã chủ động sinh hoạt định kỳ theo tháng. Nội dung sinh hoạt chủ yếu là trao đổi những vấn đề cơ bản về gia đình, các kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, các vấn đề nổi cộm trong xã hội. Tại các buổi sinh hoạt, các thành viên đã thông tin những trường hợp có hành vi BLGĐ, đồng thời bàn giải pháp, có ý kiến tham mưu với cơ sở thôn để tháo gỡ. Câu lạc bộ còn phối hợp xây dựng các chương trình văn nghệ với những tiết mục tự biên, tự diễn nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền tới nhân dân qua hình thức sân khấu hóa. 

Ông Đồng Việt Sinh, cán bộ văn hóa xã cho biết: Từ việc triển khai mô hình phòng, chống BLGĐ tại Tân Phong, với sự ra đời của các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ đã cho thấy những tác động tích cực đến đời sống xã hội địa phương. Nếu như giai đoạn đầu thực hiện mô hình (2008 - 2010) xảy ra 15 vụ BLGĐ thì những năm gần đây số vụ BLGĐ trên địa bàn xã có chiều hướng giảm mạnh, đặc biệt từ năm 2016 đến nay không ghi nhận vụ BLGĐ. Những vấn đề về BLGĐ được cộng đồng nhân dân hiểu rõ hơn từ đó có những ứng xử phù hợp trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Để việc thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ có hiệu quả, ngoài việc triển khai thực hiện các mô hình câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ, xã còn đưa nội dung phòng, chống BLGĐ vào quy ước thôn làng, gắn công tác này với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chung sức xây dựng nông thôn mới. Các ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng tích cực phối hợp tuyên truyền nội dung phòng, chống BLGĐ trong các cuộc họp, hội nghị, tổ chức tập huấn về bình đẳng giới, tư vấn pháp luật, tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về phòng, chống BLGĐ.

Bà Phạm Thị Mỵ, thôn Ô Mễ 2 cho biết: Từ khi tham gia câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, chúng tôi có những nhận thức sâu sắc hơn về tác hại của BLGĐ, các thành viên được trang bị những kiến thức để phòng ngừa BLGĐ, kỹ năng để xây dựng và giữ gìn gia đình hạnh phúc. Câu lạc bộ trở thành nơi gặp gỡ, chia sẻ, tâm sự của các thành viên về các vấn đề gia đình, đồng thời chúng tôi cũng trở thành cầu nối để vận động mọi người, mọi nhà sống có trách nhiệm, có ý thức và nói không với BLGĐ.

Công tác phòng, chống BLGĐ ở Tân Phong đã được triển khai, tổ chức thực hiện một cách chuyên sâu, có hệ thống, mang lại hiệu quả thiết thực. Xã giữ được ổn định chính trị, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp của địa phương.

Thảo Tiên