Thứ 6, 29/03/2024, 04:44[GMT+7]

Phạm Hữu Khương và những người khuyết tật

Thứ 3, 11/04/2017 | 08:38:19
3,850 lượt xem
Đến với doanh nghiệp của anh Khương, bất kể người lao động dù còn trẻ hay đã có tuổi, dù lành lặn hay tật nguyền đều cảm thấy mình không hề vô ích. Tùy vào trình độ của từng người khuyết tật mà anh bố trí công việc phù hợp, thấp thì nhặt chỉ, làm khuy, phụ chuyền may; tay nghề cao hơn thì làm theo chuyền may, ăn lương theo sản phẩm.

Anh Khương hướng dẫn kỹ thuật may cho công nhân.

Không chỉ tạo việc làm cho gần 100 người dân trong xã và các địa phương lân cận, Doanh nghiệp may tư nhân người tàn tật Phạm Xuân Thúy của anh Phạm Hữu Khương (thôn Nam, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng) còn giúp cho gần 30 người khuyết tật có việc làm ổn định, từ đó giúp họ xóa đi mặc cảm tật nguyền, vươn lên trong cuộc sống.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố bị khuyết tật, với trọng trách là người con cả, Khương sớm phải bươn chải để kiếm sống phụ giúp gia đình. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh xin đi làm công nhân may ở gần nhà với ý nghĩ vừa có thể đỡ đần bố mẹ việc gia đình vừa có thể đi làm để kiếm thêm thu nhập. 

Khương tâm sự: Do bố tôi là người khuyết tật nên tôi rất trăn trở làm thế nào để giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh như bố tôi có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân mà không phải nương nhờ vào ai cả. Được cùng bố tham gia Câu lạc bộ người khuyết tật huyện Đông Hưng, lại được tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế có sự đóng góp của người khuyết tật nên tôi nhận ra rằng nghề may rất phù hợp với người khuyết tật. Chính vì thế, năm 2004, tôi quyết định mở cơ sở may tư nhân người tàn tật Phạm Xuân Thúy dành riêng cho người khuyết tật. 

Thời gian đầu, anh chỉ đầu tư mua 7 máy may tạo việc làm cho 7 lao động là người khuyết tật địa phương. Đến năm 2005, anh tiếp tục mở rộng nhà xưởng, đầu tư mua thêm 13 máy may, đồng thời nâng cấp cơ sở thành doanh nghiệp. Đến nay, Doanh nghiệp không ngừng phát triển với hơn 100 máy may và các loại máy chuyên dùng cho ngành may, tạo việc làm cho 120 lao động trong đó 27 lao động là người khuyết tật với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của Doanh nghiệp chủ yếu là áo sơ mi, quần âu xuất khẩu, quần áo đồng phục học sinh và quần áo thể thao.

Đến với doanh nghiệp của anh Khương, bất kể người lao động dù còn trẻ hay đã có tuổi, dù lành lặn hay tật nguyền đều cảm thấy mình không hề vô ích. Tùy vào trình độ của từng người khuyết tật mà anh bố trí công việc phù hợp, thấp thì nhặt chỉ, làm khuy, phụ chuyền may; tay nghề cao hơn thì làm theo chuyền may, ăn lương theo sản phẩm. 

Chị Phạm Thị Hương (thôn Đông, xã Đông Phương) tâm sự: Do không may mắn nên từ khi sinh ra đôi bàn tay và bàn chân tôi không được lành lặn như bình thường. Được biết Doanh nghiệp có tuyển lao động là người khuyết tật nên tôi đã xin vào làm. Nhờ có Doanh nghiệp mà hơn 10 năm nay tôi luôn có thu nhập đều đặn để nuôi con, cuộc sống gia đình cũng khấm khá hơn.

Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, anh Khương còn là cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình tham gia mọi phong trào ở địa phương, được các cấp bộ đoàn và cấp ủy, chính quyền địa phương biểu dương, khen thưởng.

Minh Hương