Thứ 6, 19/04/2024, 03:41[GMT+7]

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức của những người chiến sĩ năm xưa

Chủ nhật, 13/10/2013 | 01:39:34
2,317 lượt xem
“Ở Ðại tướng luôn tỏa sáng bản lĩnh, tài ba của một nhà lãnh đạo, độ sâu lắng và tình cảm yêu thương với đồng chí, đồng bào; một con người đầy trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân”. Ðó không chỉ là cảm nhận của riêng tôi -  người đã từng vinh dự ba lần được gặp Ðại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn là cảm nhận của nhiều người Việt Nam.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Ðại tá Nguyễn Ðức Hạnh (người thứ hai từ phải sang) thăm và chúc mừng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp 22/12/2006.

* Anh hùng LLVTND, Ðại tá Nguyễn Ðức Hạnh

(Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh)

 

Cuối năm 1964, khi Ðảng quyết định mở rộng chiến trường để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968, Ðông Dương thống nhất thành một mặt trận, dưới sự chỉ huy về mặt chiến lược quân đội ta đã đưa lực lượng cách mạng vào thủ đô Viên Chăn, Lào để có thể xây dựng, phát triển, lực lượng cơ sở ngay trong lòng địch. Tôi cùng một chuyên gia quân sự tại Lào đến báo cáo với Ðại tướng về chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ.

 

Dù đã giao nhiệm vụ nhưng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn dặn dò chúng tôi rất ân cần: “Các đồng chí đi làm nhiệm vụ của Tổ quốc bên nước bạn, giúp bạn có nghĩa là tự giúp mình. Ði sâu vào lòng địch có những khó khăn, nhất là vào nước bạn chỉ có dân bản nên tiếng nói, ngôn ngữ bất đồng. Các đồng chí cố gắng để có thể xây dựng được lực lượng trong lòng địch, xây dựng bộ máy lãnh đạo và lực lượng vũ trang ngầm, chờ thời cơ khi cách mạng phát triển đưa lực lượng của mình từ bên ngoài vào thì có lực lượng hậu thuẫn dẫn đường thực hiện các nhiệm vụ”. Thực hiện nhiệm vụ trong hoàn cảnh gian khổ nhưng lời của Ðại tướng như tiếp thêm nghị lực giúp tôi cùng với 65 đồng chí là người dân tộc Thái hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Lần thứ 2 được gặp Ðại tướng cũng trở thành kỷ niệm không thể quên trong tôi. Năm 1975, khi đất nước toàn thắng tôi là một trong những anh hùng tiêu biểu được về Thủ đô Hà Nội dự lễ mít tinh mừng ngày Quốc khánh 2/9/1975 và vinh dự được Ðại tướng tới thăm và động viên: “Các đồng chí là người có công, vinh dự được có mặt trong mít tinh mừng ngày vui đất nước toàn thắng. Giờ đất nước độc lập, các đồng chí tiếp tục phát huy, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Ðiều tôi luôn cảm nhận được từ nhà lãnh đạo quân sự thiên tài ấy là phong cách làm việc gần gũi, truyền cảm, mang đến niềm tin và sự khâm phục để người chiến sĩ có quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ.

 

Khi đã về hưu tham gia công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/Ðiôxin tỉnh, tôi tự hào vì lần thứ ba được gặp lại nhà quân sự tài ba ấy. Ðó là năm 2006, tôi cùng Thường trực Hội lên Hà Nội thăm, chúc thọ và báo cáo với Ðại tướng về hoạt động của Hội. Tôi nhớ mãi lời dặn của Ðại tướng: “Các đồng chí được giao nhiệm vụ đi chiến đấu đã hoàn thành xuất sắc, được phong danh hiệu anh hùng rồi, giờ nghỉ hưu về làm việc từ thiện, nghĩa tình với đồng chí mình là điều đáng quý. Làm việc nghĩa tình cần cố gắng phát huy truyền thống đã tích lũy được từ những năm tháng chiến tranh đến ngày xây dựng đất nước ở thời bình. Làm việc nhân đạo phải có tâm, vì đồng chí, đồng đội mà cố gắng”. Lời dạy sâu sắc của Ðại tướng đã tiếp thêm ngọn lửa, mang sức mạnh ý chí và tình đoàn kết đến với cán bộ, hội viên, cùng chung tay đưa hoạt động của Hội ngày càng phát triển.

 

“Ở Ðại tướng luôn tỏa sáng bản lĩnh, tài ba của một nhà lãnh đạo, độ sâu lắng và tình cảm yêu thương với đồng chí, đồng bào; một con người đầy trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân”. Ðó không chỉ là cảm nhận của riêng tôi -  người đã từng vinh dự ba lần được gặp Ðại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn là cảm nhận của nhiều người Việt Namon>. Trái tim vĩ đại của dân tộc đã ngừng đập trong sự tiếc thương vô hạn của hàng triệu con tim, song bản hùng ca bất diệt về cuộc đời Ðại tướng - một con người toàn đức, toàn tài sẽ vang mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam.   

                         

* Ðại tá Phạm Phú An

(Nguyên Phó chỉ huy Chính trị, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh)

 

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với Ðại tá Phạm Phú An tại nhà riêng (Số 30, Hoàng Diệu - Hà Nội) mùa xuân năm 1998.

 

Cuối năm 1998, tôi nhận được điện của Bộ Quốc phòng yêu cầu lên gặp Ðại tướng báo cáo tình hình của tỉnh Thái Bình. Tôi vô cùng xúc động và lo lắng vì chưa bao giờ tôi được gặp trực tiếp Ðại tướng và chưa biết sẽ phải chuẩn bị báo cáo như thế nào. Tôi điện cho anh Nguyễn Văn Huyên - Ðại tá, Thư ký của Ðại tướng để anh giúp tôi khi lên báo cáo với Ðại tướng. Anh Huyên cho biết Ðại tướng muốn nghe Chính ủy Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình (thời gian này đã chuyển chức danh là Phó chỉ huy Chính trị) báo cáo về tình hình mất ổn định ở Thái Bình và lực lượng vũ trang Thái Bình làm gì để ổn định tình hình? 

 

Tình hình Thái Bình trong những năm đó tôi nắm khá chắc, tôi sang báo cáo với các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy để nắm cặn kẽ hơn về những giải pháp của Tỉnh ủy và xin ý kiến các đồng chí để chuẩn bị báo cáo.

 

Tôi xuất phát từ 5 giờ sáng để kịp 7 giờ 30 báo cáo Ðại tướng. Ðến nơi, anh Huyên dẫn tôi vào gặp Ðại tướng. Trên đường đi, anh Huyên dặn: Ðại tướng không được khỏe lắm (năm đó Ðại tướng đã 88 tuổi) báo cáo thế nào để Ðại tướng đỡ mệt. Tôi nghĩ ngay là cần báo cáo ngắn gọn và phải báo cáo thế nào để Ðại tướng bớt phải lo lắng. Ðại tướng ngồi ở ghế đá trước tiền sảnh, khoan thai đứng dậy đón và dẫn tôi vào phòng làm việc. Ðại tướng nở nụ cười đôn hậu và vỗ vai tôi bảo: Trong kháng chiến chống Pháp, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính ủy Tỉnh đội đấy. Tôi rất xúc động và bối rối trước lời nói của Ðại tướng. Khi Ðại tướng yêu cầu tôi báo cáo tôi nghĩ mình chỉ bằng tuổi con, tuổi cháu Ðại tướng nên tôi xưng hô là cháu.

 

Ðại tướng cười xòa và bảo, hôm nay Ðại tướng nghe Ðại tá báo cáo. Tôi cười xin lỗi Ðại tướng và trấn tĩnh lại báo cáo Ðại tướng theo đúng điều lệnh quân đội. Ðại tướng trầm tĩnh lắng nghe không ngắt lời. Khi nghe xong những giải pháp của tỉnh, Ðại tướng bảo tôi: “Những giải pháp như vậy là đúng đấy”. Rồi Ðại tướng hỏi: “Lực lượng vũ trang Thái Bình đã làm gì và sẽ làm gì trước tình hình này?”. Tôi báo cáo với Ðại tướng: “Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Thái Bình đã tiễn đưa gần 230.000 người tham gia quân đội và thanh niên xung phong. Lực lượng vũ trang Thái Bình luôn làm tốt chức năng là đội quân công tác và đội quân chiến đấu như lời giáo huấn của Bác Hồ và của Ðại tướng.

 

Ðặc biệt trong thời điểm này phải đặt việc thực hiện chức năng là đội quân công tác lên hàng đầu, phải tỏa về cơ sở để xây dựng tổ chức Ðảng, củng cố chính quyền và tuyên truyền vận động nhân dân. Bộ đội về với dân là về với bộ phận không nhỏ những người đồng chí cùng sát cánh chiến đấu trong 2 cuộc kháng chiến”. Ðại tướng ngắt lời tôi và yêu cầu tôi nói lại, tôi nói: “Bộ đội về với dân là về với bộ phận không nhỏ những người đồng chí cùng sát cánh chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến”. Ðại tướng cười bắt tay tôi và nói: “Ðúng lắm, đúng lắm”. Tôi vô cùng xúc động và ngỡ ngàng đến trào nước mắt khi Ðại tướng gọi phu nhân của Ðại tướng làm cơm để mời tôi.

 

Tôi nhớ bữa cơm đó vô cùng thanh bạch với 3 món: canh cá, đậu om và cải luộc. Ăn cơm xong, Ðại tướng  dẫn tôi ra ghế đá ở vườn cây nói chuyện. Ðại tướng ân cần hỏi thăm tôi về gia đình, về thời gian đi bộ đội, đã lên Ðiện Biên chưa? Có vào miền Namon> chiến đấu không?... Tôi thưa với Ðại tướng  là đã lên Ðiện Biên, đã  vào miền Nam chiến đấu 8 năm, gia đình có 5 anh em trai thì đi bộ đội thời kỳ chống Mỹ 4 anh em và 2 người đã hy sinh... Ðại tướng  bỗng trầm lặng, hai tay run run ôm lấy tôi làm nước mắt tôi cứ tuôn trào trên bờ vai Ðại tướng.

 

Biết rằng ngày Ðại tướng ra đi rồi sẽ đến nhưng khi biết tin Ðại tướng về cõi vĩnh hằng mà sao vẫn thấy vô cùng đột ngột. Xin vĩnh biệt người Ðại tướng   của nhân dân, Ðại tướng kiệt xuất, Ðại tướng  của lòng bao dung và nhân ái.

 

 

* Cựu chiến binh Vũ Hồng Thái

(Hội CCB Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình)

 

Cựu chiến binh Vũ Hồng Thái (người ngồi đầu tiên bên phải) cùng Hội CCB Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 11 năm 2006.
 

Ngày 4/10/2013, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi thanh thản ở tuổi đại thọ 103 về với tổ tiên, về với Bác Hồ.

 

Vẫn biết là quy luật nhưng không một ai không thấy hẫng hụt, tiếc thương, thán  phục, ngưỡng mộ vị đại tướng đại tài, đại nhân. Ðặc biệt là với cán bộ, chiến sĩ các lực lượng ở Binh đoàn Trường Sơn – Ðoàn 559 chúng tôi. Một binh đoàn tổng hợp các lực lượng bộ đội, các binh chủng, TNXP, dân công hỏa tuyến, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, mở đường, vận chuyển sức người, sức của cho giải phóng miền Nam suốt 16 năm và làm nhiệm vụ quốc tế. Một binh đoàn đã được Ðại tướng hết lòng quan tâm, yêu thương nên đã vượt qua muôn vàn gian khó, ác liệt lập nên kỳ tích huyền thoại Trường Sơn.

 

3 đêm rồi tôi thao thức nhớ về Ðại tướng mà tôi đã có vinh dự được 2 lần gặp Người. Tôi đọc những tài liệu mà Ðại tướng đã dành cho Binh đoàn Trường Sơn. Ðiện xin ý kiến lãnh đạo Hội truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh Việt Namon>. Các đồng chí hoan nghênh hội Thái Bình tổ chức lên viếng Ðại tướng.

 

Biết tổ chức sao đây, hiện các lực lượng bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến trong tỉnh cũng tới chục nghìn người, ai cũng muốn lên Hà Nội viếng Ðại tướng. Nhưng rồi anh chị em thống nhất cử đại diện Hội đi viếng Ðại tướng và hứa với hương hồn Ðại tướng: Phát huy truyền  thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống chiến sĩ Trường Sơn góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

 

Hơn 4 giờ ngày 8/10/2013, xe chuyển bánh hướng về Hà Nội. Ai cũng góp những câu chuyện về một vị Ðại tướng huyền thoại mà các phương tiện thông tin trong nước và  ngoài nước nói về Người. Một vị chỉ huy hiện đại đầu tiên của một nước châu Á đánh bại đội quân xâm lược của thực dân châu Âu và đế quốc sừng sỏ châu Mỹ.

 

Tôi thì nhớ lại và kể với mọi người: Cái năm gian khó sau Mậu Thân 68 tinh thần một bộ phận sa sút, lương thực thiếu thốn mà mùa mưa kéo dài, địch đánh phá ngăn chặn quyết liệt. Quân ủy Trung ương và Ðại tướng trực tiếp chỉ đạo mở đợt sinh hoạt chính trị toàn lực lượng Trường Sơn, nên đã đem lại sức mạnh phi thường thắng địch, thắng trời. Quân vào đạt 156% với gần 60.000 người điều động tới các mặt trận. Chuẩn bị đầy đủ lương thực cho 3 vạn quân vào mùa mưa, vận tải cho các chiến trường ta và bạn đạt 100%, riêng cho Tây Nguyên 680 tấn. Ðánh thắng các trận đổ bộ, biệt kích và bắn rơi hàng chục máy bay địch. Chiến công năm ấy được Ðại tướng gửi thư đánh giá và đặc biệt lưu ý: “Cần rút được những bài học sâu sắc để thấy vì sao cùng những cán bộ, chiến sĩ ấy, cùng những phương tiện ấy, cùng hoàn cảnh ấy có phần khẩn trương hơn mà lại đạt kết quả cao hơn”. Có thể nói không ngày nào, đêm nào Ðại tướng không dành tình thương yêu cho chiến sĩ Trường Sơn. Tháng 2 năm 1959, Ðại tướng vào Quảng Bình cho ý kiến về việc mở đường Trường  Sơn. Tháng 5/1960 và cuối năm 1972, vượt lên bom đạn Ðại tướng vào thăm bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến ở đường 20 Quyết Thắng chia lửa với chiến sĩ ngay tại trọng điểm Atôpơ.

 

Với tinh thần yêu quý ấy toàn lực lượng rút ra bài học sâu sắc ở ý chí quyết thắng, liên tục tiến công, nên những năm tiếp theo, lập công to lớn hơn, toàn diện hơn. Làm nên huyền thoại Trường Sơn: mở 20.000km đường vận chuyển ô tô, 500km đường sông, 14.000km đường ống xăng dầu, 16.000km đường dây thông tin. Ðánh 2.500 trận, diệt 18.000 tên địch, bắt sống 1.180 tên. Bắn rơi 2.455 máy bay...

 

Tại Hội nghị mừng công năm 1975, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định:  “Con đường Trường Sơn – con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi  thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người, sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn. Là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.

 

Binh đoàn Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thời chống Mỹ và nay là Binh đoàn 12 ở thời điểm nào cũng luôn được Ðại tướng ân cần chăm sóc, hướng dẫn thương yêu tận tình. Họ đã không phụ lòng quan tâm của Ðảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân và Ðại tướng, dù ở đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì cũng hoàn thành và hoàn thành xuất sắc góp phần xây dựng quê hương, đất nước mạnh giàu.

 

Theo dòng người suốt đường Hoàng Văn Thụ, chúng tôi vào viếng Ðại tướng ở số nhà 30 -  Hoàng Diệu. Dòng người vài ki lô mét ấy khiến tôi thật cảm động, có những cụ già đã ngoài 80 – 90 tuổi, có những cụ người nhà đẩy xe lăn, có nhiều cựu chiến binh, thương binh. Ðặc biệt đa phần là lớp người trẻ tuổi, họ đi với lòng cung kính, tiếc thương và cả tự hào: Dân tộc này, đất nước này có Bác Hồ vĩ đại và một vị Ðại tướng, đại nhân, đại dũng, Võ Nguyên Giáp thật là hồng phúc của nước Việt Nam ta.

 

 Bài có sử dụng tư liệu trong cuốn: Trường  Sơn tượng đài bất tử

(Nhà xuất bản Quân đội nhân dân – 2009)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày