Thứ 4, 24/04/2024, 17:41[GMT+7]

Kỷ niệm một năm ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp Phá vụ án "Ôn Như Hầu" - Một quyết định lịch sử

Thứ 2, 06/10/2014 | 09:23:00
3,904 lượt xem
Là vị Đại tướng, Tổng tư lệnh đầu tiên, người Anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng là người có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với lực lượng Công an nhân dân ngay từ những năm đầu chính quyền mới thành lập. Trong chiến công đặc biệt xuất sắc của Công an nhân dân Việt Nam phá vụ án “Ôn Như Hầu” cách nay gần 3/4 thế kỷ, lúc đó Đại tướng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã cùng Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng trực tiếp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi tọa đàm về vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu, tổ chức tại Hà Nội tháng 3/1995.

Từ cuối tháng 6/1946, qua nguồn tin của cơ sở, Nha Công an Trung ương phát hiện bọn Đại Việt và Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) câu kết với thực dân Pháp đang âm mưu bạo động cướp chính quyền. Một kế hoạch truy quét tất cả trụ sở của bọn phản động ở Hà Nội và các vùng lân cận để khám phá âm mưu đen tối của chúng được vạch ra. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng cho ý kiến chỉ đạo kiên quyết trấn áp phản cách mạng là đúng, nhưng phải có đủ chứng cứ. Đây là vấn đề rất quan trọng, có quan hệ đến vận mệnh của đất nước. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước (lúc này Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn Chính phủ ta đang ở Pháp) và đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng Đoàn Chính phủ, Chủ tịch kháng chiến ủy viên hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng yêu cầu Nha Công an Trung ương phải thu thập bằng được chứng cứ, trấn áp dứt điểm nhưng không được mắc mưu khiêu khích của chúng.

Tối ngày 11/7/1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp nghe Nha Công an Trung ương báo cáo  âm mưu và kế hoạch hoạt động của địch, thông báo thêm những tin tức mà Bộ Tổng tham mưu nắm được về hoạt động của quân đội Pháp thời gian này. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi sang Pháp: Ở nhà nếu có xảy ra va chạm giữa ta với quân đội Pháp hoặc với bọn Quốc dân đảng phải giải quyết hết sức thận trọng, việc lớn cần bóp nhỏ lại, việc nhỏ không cho phát triển thành lớn, phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Lúc này tin tức do các trinh sát thu thập được và nguồn tin cơ sở liên tiếp báo về hoạt động ráo riết của bọn Việt Quốc, Đại Việt. Đặc biệt, hai cơ sở hoạt động trong trụ sở 132 phố Đuyvinhô (nay là phố Bùi Thị Xuân) cung cấp tin bọn phản động đang khẩn trương in tài liệu, truyền đơn. Nhưng khi ta yêu cầu cơ sở lấy ra một tờ truyền đơn để làm chứng cứ thì cơ sở không lấy được vì ở đây chúng canh gác, kiểm soát rất nghiêm ngặt, những người làm trong đó cũng không được ra khỏi trụ sở.

Chừng 8 giờ tối ngày 11/7/1946, đồng chí Lê Giản, Giám đốc Nha Công an Trung ương triệu tập các đồng chí Bùi Đức Minh, Nguyễn Tạo, Lê Hữu Qua họp, bàn cách ngăn chặn kịp thời không để kẻ địch thực hiện âm mưu hiểm độc của chúng. Cuộc họp kéo dài đến khuya đã đi đến quyết định phải bí mật đột nhập trụ sở 132 phố Đuyvinhô để lấy tài liệu, truyền đơn phản động.

Đúng 2 giờ 30 phút ngày 12/7/1946, một tiểu đội trinh sát và cảnh sát xung phong được chọn trong số những người gan dạ, giỏi võ do các đồng chí Nguyễn Tạo, Lê Hữu Qua chỉ huy xuất phát từ trụ sở Sở Công an Bắc Bộ bí mật, bất ngờ đột nhập vào nhà số 132 Đuyvinhô, nhanh chóng bắt gọn gần 20 tên phản động. Tại đây, ta thu giữ máy in, súng, lựu đạn và nhiều tài liệu phản cách mạng mà chúng vừa in xong, chất đầy một xe cam-nhông. Đặc biệt, ta thu được kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch này thì đến ngày 14/7/1946 (Quốc khánh Cộng hòa Pháp) khi quân đội Pháp diễu binh qua Bắc Bộ Phủ, bọn Quốc dân đảng sẽ ném lựu đạn vào tốp lính da đen, gây tiếng nổ và đổ máu. Lấy cớ đó, Pháp đổ lỗi cho ta không giữ được an ninh trật tự, chống lại quân đồng minh trong khi diễu binh và quân Pháp sẽ vào Bắc Bộ Phủ bắt giữ toàn bộ Chính phủ ta, đánh chiếm các cơ quan đầu não của Nhà nước, tuyên bố lập “Chính phủ Quốc dân đảng Việt Nam” thay thế. Cùng lúc đó tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ ta sẽ bị bắt giữ.

Sau khi được lãnh đạo Nha Công an Trung ương báo cáo, chứng kiến những tài liệu, hiện vật mà Công an vừa thu giữ được, thấy rõ âm mưu hiểm độc của bọn Đại Việt, Việt Quốc, Cụ Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã lập tức hạ lệnh tổng trấn áp, quét sạch bọn phản động ở Thủ đô và các địa phương khác.

Đội trinh sát đặc biệt của Công an tham gia khám xét, bắt bọn Quốc dân đảng ngày 12/7/1946.

7 giờ sáng ngày 12/7, lực lượng Công an cùng lúc khám xét nhiều trụ sở của bọn Việt Quốc và Đại Việt ở Hà Nội. Tại 3 trụ sở của chúng ở khu vực hồ Thiền Quang, bọn phản động dùng súng trung liên chống lại. Công an phối hợp với tự vệ chiến đấu, đặt hỏa lực từ các nhà chung quanh uy hiếp, buộc chúng phải đầu hàng. Tiếp đó ta tiến hành khám xét trụ sở của “đệ nhất chiến khu” Quốc dân đảng ở nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều) thu được nhiều  tài liệu phản động, dụng cụ làm bạc giả, phương tiện tra tấn, thuốc mê... Công an đào được 7 xác người bị chúng giết chôn trong vườn, có những xác chết bị chặt thành nhiều khúc. Hai người bị chúng bắt cóc đòi tiền chuộc được cứu thoát vào đúng lúc chúng định đem ra thủ tiêu. Tại đây, tên Phan Kích Nam (tức Phan Xuân Thiện) cầm đầu “đệ nhất chiến khu” lấy danh nghĩa đại biểu Quốc hội tỏ ra ngoan cố, gây khó khăn cho ta nhưng cuối cùng đã bị các chiến sĩ Công an mưu trí bắt gọn. Cụ Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng đã tới nhà số 7 phố Ôn Như Hầu để chứng kiến tội ác của bọn phản động.

Ngay từ sáng sớm ngày 13/7, tại trụ sở 80 phố Quán Thánh, khi lực lượng Công an và tự vệ đang tấn công vây bắt, bọn Quốc dân đảng chống trả quyết liệt, quân Pháp đã đưa cả xe tăng đến can thiệp, định giải thoát cho bọn tay sai. Nhưng với chứng cứ đầy đủ và trước sức mạnh đấu tranh quyết liệt của nhân dân, chúng  buộc phải rút lui. Khám xét trụ sở này, ta thu được nhiều tài liệu phản động và bắt 30 tên Quốc dân đảng.

Tại trụ sở Trung ương Quốc dân đảng ở phố Đỗ Hữu Vị (nay là phố Cửa Bắc), Công an còn tìm được nhiều xác người và cả những tử thi của binh lính Pháp. Trong số tài liệu ta thu giữ được có một bản kế hoạch ám sát và bắt cóc, theo đó từ ngày 10/7 đến 17/7/1946, bọn Quốc dân đảng sẽ tiến hành một đợt ám sát các sĩ quan, binh lính Pháp và bắt cóc phụ nữ, trẻ em Pháp tại Hà Nội để đòi tiền chuộc và tạo ra những rắc rối giữa ta và Pháp.

Tiếp đà thắng lợi, những ngày sau đó Nha Công an Trung ương, Sở Công an Bắc Bộ và Ty Công an Hà Nội đã huy động gần 200 trinh sát, cảnh sát xung phong phối hợp với một trung đội tự vệ chiến đấu đồng loạt khám xét 41 trụ sở công khai và bí mật của bọn Đại Việt và Việt Quốc, truy bắt gần 100 tên phản động, trong đó có nhiều tên đầu sỏ nguy hiểm như Phan Kích Nam, Nghiêm Kế Tổ, Đỗ Đình Đạo, Phan Khôi... Phối hợp với hoạt động của Nha Công an Trung ương, cùng thời gian này Công an Thái Bình cũng đã mưu trí, dũng cảm, truy bắt, xử lý hàng trăm tên phản động góp phần đấu tranh làm thất bại hoàn toàn âm mưu, hoạt động của bọn phản động Quốc dân đảng ở địa phương.

49 năm sau, ngày 14/3/1995, tại Hà Nội, trong cuộc tọa đàm về vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “...Ý nghĩa của nó không những chỉ dập tắt âm mưu của bọn phản động câu kết với nước ngoài để cướp chính quyền ở Hà Nội mà là một hành động đảo chính để làm tay sai cho Pháp. Không những đập tan được cuộc đảo chính, qua vụ đó làm cho mọi người, kể cả những người còn mơ hồ thấy rõ bọn nào là bọn phản quốc và chính sách đại đoàn kết của Chính phủ, càng làm cho toàn dân ủng hộ chúng ta, tạo điều kiện cho chúng ta củng cố thêm chính quyền một bước. Tôi đánh giá vụ án đó là một vụ án rất quan trọng, các đồng chí làm giỏi, sắc bén, có tinh thần trách nhiệm”.

Chiến công của lực lượng Công an nhân dân phá vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu mà đồng chí Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp chỉ đạo đã đánh một đòn quyết định vào bọn phản cách mạng trong và ngoài nước đang âm mưu núp dưới các chiêu bài “quốc gia”, “cách mạng” để chống phá cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó củng cố thêm uy tín và sức mạnh của chính quyền mới và tạo những cơ sở chính trị, xã hội quan trọng để truy kích bọn phản cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng trong những ngày đầu mới giành được.

Đoàn Hải Châu
(Công an tỉnh)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày