Thứ 5, 28/03/2024, 21:06[GMT+7]

Tìm lời giải cho rác thải nông thôn (Kỳ 2)

Thứ 4, 23/11/2016 | 10:58:27
1,769 lượt xem

Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt của xã Đông Động (Đông Hưng) vẫn chưa thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Kỳ 2: Chôn lấp rác - giải pháp tình thế

 

Ở nông thôn, quỹ đất lớn nên quy hoạch một bãi rác rộng vài nghìn mét vuông chẳng đáng là bao. Nhưng chỉ sau một vài năm, rác bắt đầu phát tác những tệ hại của nó. Nước rác từ bãi chảy len lỏi ra ruộng, kênh mương, mưa xuống nước cuốn rác theo dòng chảy đi mọi nơi. Khi nắng lên, ruồi, nhặng, mùi hôi thối theo gió thổi xộc vào làng xóm...

 

Thái Bình là một trong những tỉnh rất chú trọng đến công tác xử lý rác thải sinh hoạt theo nhiều mô hình xã hội hóa, trong đó quy trình thu gom, vận chuyển về khu chôn lấp được nhiều địa phương áp dụng. Nhưng chỉ sau một thời gian, nhiều bất cập đã bộc lộ. Hầu hết các bãi rác thải tự phát đều trong tình trạng ứ đọng từ nhiều năm nay và đang ngày càng “phình to”. Thêm một thực tế nữa là một số bãi chôn lấp rác thải nằm gần khu dân cư nên ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của không ít hộ dân. Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 261:2001 quy định bãi chôn lấp chất thải rắn phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, gồm các hạng mục: khu chôn lấp, khu xử lý nước rác… Do đó, để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh một khu xử lý rác thải diện tích từ 1 - 1,5ha/xã cần tổng kinh phí từ 3 - 3,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí tỉnh, huyện hỗ trợ rất ít hoặc không hỗ trợ, các xã thường bố trí không đủ nguồn kinh phí đối ứng nên khu xử lý rác thải chưa đầu tư đầy đủ các hạng mục công trình. Hầu hết các xã, thị trấn mới chỉ dừng lại ở giai đoạn xây dựng tường bao và đào hố để đổ rác, chưa có các hạng mục chống thấm, thu gom và xử lý nước rỉ rác… nên hiệu quả xử lý rác thải không cao, không bảo đảm về vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, lãng phí đất đai, kinh phí đầu tư. Hiện toàn tỉnh vẫn còn khoảng 200 bãi rác tự phát không bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo ông Hoàng Văn Ngoạn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), công nghệ chôn lấp rác thải có ưu điểm là đơn giản so với các công nghệ khác, phù hợp với nhiều loại rác thải, chi phí vận hành rẻ, bước đầu giải quyết được tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường nhưng đòi hỏi diện tích đất lớn, trong lúc quỹ đất hiện nay rất hạn chế. Hơn nữa, việc chôn lấp rác thải không có khả năng thu hồi, tái chế nguồn nguyên liệu từ rác thải, đồng thời nảy sinh yêu cầu xử lý nước rỉ rác. Đây là công việc khó khăn, phức tạp không kém việc xử lý rác. Còn theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng Đào Minh Hải, toàn huyện hiện còn nhiều bãi rác tự phát không bảo đảm vệ sinh môi trường. Cùng với đó, tình trạng đổ rác tại địa phận giáp ranh giữa các xã vẫn diễn ra phổ biến, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát. Mặc dù các địa phương đã quy hoạch khu xử lý rác thải theo tiêu chí nông thôn mới, từ 1 - 2 bãi rác/xã, bảo đảm khoảng cách từ 300m trở lên so với khu dân cư, tuy nhiên, để đầu tư xây dựng một bãi rác cần kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng, chưa kể kinh phí làm đường ra bãi rác. Hiện hầu hết đường ra các bãi rác vẫn chưa được cứng hóa, chủ yếu là đường đất, gây khó khăn cho việc chuyên chở, nhất là vào mùa mưa. Ở Kiến Xương, mỗi ngày người dân thải ra hơn 100 tấn rác, tỷ lệ thu gom mới đạt 75%; phần lớn các địa phương xử lý rác bằng hình thức chôn lấp hoặc chôn lấp kết hợp ủ vi sinh. Theo ông Đặng Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch UBND huyện, các bãi chứa, xử lý rác thải trên địa bàn đã được quy hoạch song do thiếu kinh phí nên hầu hết các khu xử lý rác chưa đủ các hạng mục, công trình theo thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế điển hình của Sở Xây dựng, hầu hết các xã, thị trấn chỉ xây tường bao và đào hố để đổ rác nên hiệu quả xử lý rác thải không cao. Ông Trần Mạnh Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập (Vũ Thư) cho biết: Các bãi chôn lấp có diện tích từ 1.000 - 3.000m2, như vậy cả xã mất trên 10.000m2 làm bãi chôn lấp, sau khoảng 10 năm phải mở rộng một lần thì tương lai không xa xã sẽ không còn đất để phát triển sản xuất. Thường thì 3 tháng xã mới tổ chức chôn lấp một lần nên mùi hôi thối, ruồi, nhặng vẫn không giảm bớt.

 

 

Các tổ thu gom rác thải sinh hoạt tại thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư) góp phần bảo vệ môi trường.

 

Nhiều năm nay, người dân thôn Luật Ngoại 2, xã Quang Lịch (Kiến Xương) ăn không ngon, ngủ không yên vì bãi rác thải của xã Hòa Bình gây ô nhiễm, bốc mùi hôi thối. Theo các hộ dân ở đây, bãi chôn lấp, xử lý rác thải của xã Hòa Bình nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhưng vị trí xây dựng bãi rác chỉ cách khu dân cư thôn Luật Ngoại 2, xã Quang Lịch đang sinh sống trên 100m. Bức xúc vì bãi rác của xã Hòa Bình người dân đã kiến nghị với chính quyền sở tại và xã có bãi rác. Tuy nhiên, phớt lờ những ý kiến của người dân, từ tháng 12/2013 đến nay, xã Hòa Bình bắt đầu đổ rác tại bãi rác này. Cũng kể từ thời điểm đó, hàng trăm hộ dân mà trực tiếp trên 20 hộ gia đình nằm sát bãi rác hàng ngày phải sống chung với mùi hôi thối, ô nhiễm từ rác thải. Bà Đặng Thị Hải bức xúc: Tôi đã có tuổi, khi nghỉ hưu chỉ mong nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già nhưng mùi hôi thối như vậy khiến tôi không thể nghỉ được. Mặc dù đất ở quê nhà nào cũng rộng, thoáng mát nhưng từ khi có bãi rác của xã Hòa Bình thì người dân chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Xã nông thôn mới Đông Đô (Hưng Hà) đang ngày càng đổi thay, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường thì chưa được cải thiện. Các bãi rác thải sinh hoạt tự phát trong khu dân cư ngày càng ô nhiễm. Theo bà Nguyễn Thị Son, một người dân thôn Hữu: Ở nông thôn không gì quan trọng bằng nguồn nước, song nguồn nước từ con sông Đô Kỳ bây giờ bẩn và ô nhiễm trầm trọng. Rác ở đầu nguồn dồn về, ứ đọng, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Gia đình tôi thường xuyên phải mang cào, cuốc để khơi thông dòng chảy và trông coi không cho một số tiểu thương đi chợ về tiện đường thải rác xuống dòng sông. Ông Phạm Văn Tạo, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để giải quyết tình trạng người dân đổ rác thải không đúng nơi quy định, thời gian qua xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường; đồng thời chỉ đạo các thôn thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư, tập kết về bãi rác đã quy hoạch. Hiện khu quy hoạch bãi rác thải sinh hoạt tập trung rộng gần 10.000m2 cơ bản đã hoàn thiện chờ lắp đặt lò đốt rác.

 

 

Mặc dù khu tập kết rác thải xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) chỉ cách đường 39 khoảng 100m nhưng người dân vẫn xả rác ngay vệ đường 39 và sát tường khu tập kết.

 

Len lỏi khắp các thôn xóm hiện hữu những điểm tập kết rác, những cung đường ngập tràn rác thải sinh hoạt làm môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm. Trước thực trạng rác thải nông thôn đang ở mức báo động, nhiều địa phương đang nỗ lực tìm hướng giải quyết nhưng xem ra đây không phải là bài toán dễ giải.

 

 

Ông Phạm Thanh Niên, Chủ tịch UBND xã Ðông Ðộng, huyện Ðông Hưng

 

Xã đã quy hoạch bãi rác tập trung với diện tích 14.000m2, xử lý theo công nghệ chôn lấp kết hợp ủ vi sinh. Dù đã đặt xa khu dân cư, xung quanh bãi rác đã trồng cây keo cao tới 4m nhưng vì thiếu kinh phí nên xã chưa xây được tường bao, không có mái che nên mùi hôi thối vẫn bay về làng, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí để xã xây dựng khu xử lý rác thải theo công nghệ lò đốt.

 

Ông Phạm Trường An, xã Thái Hà, huyện Thái Thụy

 

Để tiết kiệm đất, UBND xã đã làm bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt chung ở ngoài bãi sông, khoảng cách từ bãi rác đến khu dân cư thì đúng quy định nhưng lại ở đầu nguồn nước, những ngày nắng thì ruồi nhặng bâu đầy, ngày mưa thì rác, nước bẩn từ rác trôi xuống sông, chảy về cuối làng gây mất vệ sinh, ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí để xã xây dựng khu xử lý rác thải có tường bao, có lò đốt rác vì việc xử lý rác thải bằng cách chôn lấp như hiện nay hiệu quả không cao.

 

Minh Nguyệt - Thu Hiền

  • Từ khóa