Thứ 3, 23/04/2024, 20:53[GMT+7]

Tìm lời giải cho rác thải nông thôn (Kỳ 4)

Thứ 6, 25/11/2016 | 09:42:35
2,484 lượt xem

Dây chuyền phân loại rác thải của Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt.

 

Kỳ 4: Hiệu quả mô hình xử lý rác không chôn lấp

 

Việc xử lý rác thải sinh hoạt theo mô hình công nghệ lò đốt trên địa bàn tỉnh thời gian qua được coi là giải pháp phù hợp để bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, mô hình xử lý rác thải tập trung theo công nghệ TTD-01 không chôn lấp của Công ty Cổ phần thương mại Thành Ðạt với nhiều ưu điểm vượt trội cũng là một lựa chọn tốt, giúp các địa phương xử lý triệt để rác thải sinh hoạt.

 

Mô hình mới

 

Trước thực trạng môi trường ngày càng ô nhiễm, việc xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều bất cập, ông Đỗ Chí Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt đã khảo sát, tìm hiểu công nghệ xử lý rác thải của nhiều nước phát triển trên thế giới nhưng do kinh phí đầu tư công nghệ quá cao, lại không phù hợp với rác thải chưa được phân loại ở Việt Nam nên không áp dụng được. Từ đó, ông đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống xử lý rác thải theo công nghệ TTD-01 khép kín, không chôn lấp, không đốt. Năm 2014, ông đã đầu tư kinh phí san lấp bãi rác thải đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) và xây dựng trên đó nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ TTD-01 với tổng vốn đầu tư 29 tỷ đồng, công suất 50 tấn/ngày, diện tích 17.000m2. Đến nay, Công ty nhận xử lý rác thải cho 13 xã, thị trấn của hai huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, tạo việc làm cho 35 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Lệ khẳng định, dù vẫn đang trong quá trình chạy thử nghiệm nhưng sau gần 2 năm đi vào hoạt động, công nghệ xử lý rác thải của Công ty đã khẳng định ưu thế vượt trội; quy trình xử lý rác đơn giản, không tốn thời gian đào tạo công nhân, tiếp cận nhanh trong mọi tình huống, khi cần có thể chế tạo dây chuyền công nghệ tăng, giảm công suất theo nhu cầu từ 15 - 200 tấn/ngày; chi phí đầu tư thấp, chỉ bằng 5% công nghệ có công suất tương ứng nhập khẩu từ nước ngoài; vật tư thay thế đơn giản, thuận tiện; môi trường xung quanh không bị ô nhiễm, tái chế ra các sản phẩm hữu ích cho xã hội.

 

Hiệu quả cao

 

 

Tái chế nilon thành hạt nhựa.

 

Theo công nghệ TTD-01, rác thải được đưa về nhà máy sau đó phân loại thành rác hữu cơ, rác vô cơ, chất thải rắn. Qua hệ thống, rác hữu cơ được xử lý thành phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao phục vụ nông nghiệp, giá thành thấp; túi nilon được tái chế thành hạt nhựa cung cấp cho các nhà máy chế biến; chất thải rắn như gạch, đá, cát… được xử lý, đóng thành gạch block; giày dép, lốp cao su bán cho các đơn vị ép dầu; quần áo cũ, vải vụn bán cho các đơn vị tái chế; sắt thép bán phế liệu. Phí xử lý rác thải Công ty thu được tính vào số tiền UBND tỉnh hỗ trợ cho các xã xử lý rác (15.000 đồng/người/năm), tiền thuê xe vận chuyển rác tới nhà máy do các địa phương tự chi trả. Ký hợp đồng xử lý rác thải với Công ty, các địa phương vừa tiết kiệm được đất (khoảng 10.000m2/xã vì không phải làm bãi chôn lấp hoặc xây khu xử lý rác thải), không phải đầu tư kinh phí mua, vận hành, sửa chữa lò đốt; đặc biệt, không để rác thải tồn đọng trên địa bàn, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, công nghệ xử lý rác không chôn lấp đã chứng minh được hiệu quả trong quá trình đầu tư, giải bài toán ô nhiễm môi trường, hạn chế chôn lấp, tận thu, biến những thứ bỏ đi thành sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường, phục vụ sản xuất, đời sống. Ông Phạm Long Biên, Chủ tịch UBND thị trấn Đông Hưng cho biết: Sau nhiều năm loay hoay tìm biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, năm 2015, thấy Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt nhận xử lý rác thải theo công nghệ mới, chúng tôi đã xuống thăm, thấy phù hợp với điều kiện thực tế của thị trấn nên đã ký hợp đồng. Liên kết với Công ty, thị trấn vừa tiết kiệm được kinh phí, tiết kiệm được quỹ đất vừa không phải lo xử lý rác thải trên địa bàn, giữ được môi trường xanh, sạch, đẹp.

 

Trong khi hầu hết các lò đốt rác trên địa bàn tỉnh đều không đạt tiêu chuẩn do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định thì công nghệ xử lý rác thải của Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt lại có những ưu điểm nổi trội. Theo ông Dương Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường (Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia), sau khi lấy mẫu quan trắc và phân tích về môi trường, về phân bón, kết quả không khí khu vực sản xuất, khu vực xung quanh, mẫu nước thải, mẫu bùn, mẫu phân bón… tại nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt đều đạt và dưới mức tiêu chuẩn cho phép như: ở khu vực sản xuất quy định khí bụi là 4mg/m3 thì của Công ty chỉ có 3,8mg/m3; khí NH3 quy định 25mg/m3 thì của Công ty là 23,5mg/m3

 

 

Công nhân Công ty thực hiện quy trình rửa túi nilon trước khi tái chế.

 

Hiện nay, Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt đang lập dự án trình UBND tỉnh cho phép đầu tư xây dựng 16 nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ không chôn lấp ở 7 huyện, thành phố và 1 nhà máy xử lý tập trung chế biến các sản phẩm từ rác thải thành phân hữu cơ và hạt nhựa với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng, tổng diện tích khoảng 38ha, bảo đảm xử lý triệt để rác thải, không gây ô nhiễm môi trường cho tất cả các xã, thị trấn trong toàn tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động với thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên. Theo ông Đỗ Chí Lệ, nếu dự án của Công ty được triển khai chắc chắn sẽ tiết kiệm được hàng trăm héc-ta đất cho tỉnh do không phải chôn lấp rác, xây dựng khu xử lý theo công nghệ lò đốt, toàn bộ rác thải sẽ được xử lý nhanh gọn. Ngoài ra, công nghệ này hàng năm sẽ mang lại nguồn thu đáng kể từ việc tái chế rác thải: khoảng 60 nghìn tấn hạt nhựa, 100.000 tấn phân hữu cơ vi sinh đạt tiêu chuẩn dùng để cải tạo cho khoảng 10.000ha đất bạc màu. Hiện Công ty đang hoàn tất các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ với công nghệ xử lý rác thải khép kín của mình. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và các công nghệ xử lý rác thải khác, công nghệ của Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt sẽ giúp “giải bài toán” nan giải về rác thải, bảo vệ môi trường.

 

 

Ông Phạm Hồng Vương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Phụ

 

Việc Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt san lấp bãi rác gây ô nhiễm môi trường hàng chục năm ở thị trấn Quỳnh Côi đồng thời đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ TTD-01 không chôn lấp được cán bộ, nhân dân trong huyện rất hoan nghênh. Công nghệ này bước đầu đã giúp 10 xã, thị trấn của huyện Quỳnh Phụ giải quyết triệt để rác thải sinh hoạt, đạt tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; giúp huyện giảm được diện tích đất dùng để chôn lấp, tạo ra sản phẩm hữu ích từ rác thải...

 

Ông Phạm Minh Tĩnh, công nhân Công ty Cổ phần thương mại Thành Ðạt

 

Hiện tôi đang chở rác thải sinh hoạt từ 5 xã của huyện Quỳnh Phụ và Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng về nhà máy để xử lý bằng xe ô tô tải. Dù đã đóng thùng tôn xung quanh và có phủ bạt nhưng vì không phải xe chuyên dụng nên mùi của rác vẫn bay ra ngoài. Mong UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để Công ty mua xe ô tô chuyên dụng giúp việc việc vận chuyển rác thải về nhà máy bảo đảm hơn, không gây ô nhiễm môi trường. Nếu Công ty được triển khai công nghệ xử lý rác không chôn lấp ra diện rộng, việc vận chuyển rác sẽ thuận tiện hơn, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí.

 

Bà Phùng Thị Thái, khu B, thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ

 

Trước đây, người dân thị trấn rất bức xúc vì bãi rác thải không được xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Từ khi Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt san lấp bãi rác và xây dựng nhà máy xử lý rác thải sử dụng công nghệ không chôn lấp đồng thời nhận xử lý rác thải cho thị trấn thì tình trạng xả rác bừa bãi không còn nữa, cảnh quan thị trấn sạch, đẹp, không khí trong lành, nhân dân rất phấn khởi.

(còn nữa)

Minh Nguyệt - Thu  Hiền

 

  • Từ khóa