Thứ 5, 18/04/2024, 18:41[GMT+7]

Hiểm nguy bên bãi sông (Kỳ I)

Thứ 5, 15/12/2016 | 10:06:17
2,360 lượt xem
Hiện nay, tình trạng sử dụng hành lang thoát lũ trên địa bàn tỉnh làm bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng đang diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng mất an toàn hành lang thoát lũ và hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng này vẫn chưa được các cấp, các ngành, các địa phương liên quan thực hiện quyết liệt, triệt để.

Bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Điệp Nông (Hưng Hà).

 

Kỳ 1: Hoạt động trái phép tràn lan

 

Còn nhớ trong tháng 9 vừa qua, tại cầu phao sông Hóa đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng. Địa điểm sạt lở là đoạn đường dẫn cầu phao phía bờ thuộc địa phận xã Hồng Quỳnh (Thái Thụy). Tuy không có thiệt hại về người nhưng gần 30m đường dẫn xuống cầu phao đã bị sạt lở tụt xuống sông. Ngay gần chân cầu là bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép chưa được di dời. Được biết, ngày 28/9/2016 chính quyền địa phương có văn bản nhắc nhở chủ bãi tập kết này thì hai ngày sau xảy ra sự việc trên. Theo thống kê, huyện Thái Thụy hiện có 38 bến bãi thì có tới 20 bến bãi không nằm trong quy hoạch. Toàn bộ các bến bãi này đều không có giấy phép hoạt động hoặc giấy phép hoạt động đã hết hiệu lực. Các chủ bãi đã tự ý xây dựng một số công trình trên bãi phục vụ cho việc hoạt động như nhà trông coi, kho để dụng cụ, cẩu bốc xếp hàng… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều. Điển hình như một số bến bãi tại các xã Thái Hà, Thái Phúc, Thái Thọ, Thụy Ninh, Thụy Việt, Thụy Tân…

 

Khu vực Đồng Cống, xã Đồng Phú (Đông Hưng) hiện cũng có nhiều bến bãi tập kết hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng. Ông Đào Duy Tân, xã Đồng Phú (Đông Hưng) cho biết: Theo quy định của UBND tỉnh, các bến bãi phải cách xa công trình của cống 50m, nhưng thực tế một số bến bãi nằm giáp cống, không theo quy định, ảnh hưởng đến thoát nước nhất là vào mùa mưa bão. Hơn thế, tàu thuyền vận chuyển cát, đá đậu gần cửa cống cũng gây ảnh hưởng đến dòng chảy tiêu thoát nước mùa mưa lũ. Hiện nay, huyện Đông Hưng có 28 bến bãi, trong đó 11 bến bãi không nằm trong quy hoạch. Một số bến bãi chất tải cao quá mặt đê, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều như bến bãi thuộc các xã Đồng Phú, Hồng Giang, Trọng Quan, Đông Á… Ông Nguyễn Văn Hòe, xã Đồng Phú cho biết thêm: Hoạt động của các bến bãi đã làm đường đê xuống cấp nghiêm trọng. Hơn thế, những bãi chứa vật liệu đổ tràn lên đường và xe quá trọng tải chở vật liệu làm đất cát rơi ra đường do không che đậy đã gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.

 

 

Bãi tập kết vật liệu xây dựng tại xã Đồng Phú (Đông Hưng).

 

Huyện Vũ Thư là địa phương có nhiều bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nhất trong tỉnh với 48 bến bãi, trong đó 31 bến bãi nằm trong quy hoạch và 17 bến bãi không nằm trong quy hoạch. Đối với bến bãi nằm trong quy hoạch thì chỉ có 1 bến bãi có giấy phép hoạt động còn hiệu lực, 2 bến bãi có giấy phép hết hiệu lực, 28 bến bãi hoạt động không có giấy phép. Tình trạng hoạt động trái phép tràn lan trên địa bàn huyện đã diễn ra từ lâu song chính quyền chưa có biện pháp để giải quyết triệt để. Còn tại thành phố Thái Bình hiện có 47 bến bãi, trong đó có 6 bến bãi nằm trong quy hoạch đều không có giấy phép hoạt động. 41 bến bãi còn lại không nằm trong quy hoạch, trong đó 9 bến bãi có giấy phép hoạt động còn hiệu lực, 18 bến bãi giấy phép hết hiệu lực và 14 bến bãi không có giấy phép hoạt động. Ngoài ra, một số bến bãi có chất tải vật liệu với khối lượng lớn, cao quá mặt đê gây mất an toàn đê điều như tại các bến bãi thuộc khu vực các phường Hoàng Diệu, Tiền Phong, các xã Vũ Lạc, Vũ Đông, Đông Mỹ…

 

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay toàn tỉnh có  314 bến bãi đang hoạt động ở ven các sông như: sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý..., trong đó chỉ có 13 bến bãi có giấy phép còn hiệu lực còn các bến bãi khác đều đang hoạt động không có giấy phép hoặc giấy phép hoạt động hết hiệu lực. Theo Quyết định số 1983/QĐ-UBND ngày 21/7/2016 của UBND tỉnh thì trong 314 bến bãi đang hoạt động có 158 bến bãi không nằm trong quy hoạch. Xét về mặt kinh tế, các hoạt động bến bãi  có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế chung của tỉnh và địa  phương. Song, việc các bến bãi đã và đang hình thành tự phát tràn lan không theo quy hoạch, đồng thời vi phạm Luật Đê điều và hành lang thoát lũ các sông không chỉ gây nguy cơ mất an toàn công trình đê điều mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và gây bức xúc cho nhân dân địa phương.

 

 

Ông Ðinh Gia Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình

 

Phần lớn đất đai hiện nay là đất sản xuất nông nghiệp, do đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ký kết hợp đồng sản xuất, kinh doanh nhưng lại không có đất để sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng cũng như bến bãi kinh doanh ngày càng nhiều. Vì vậy, khó có thể xử lý được tình trạng vi phạm nếu chưa giải quyết được “cái gốc” của vấn đề.

 

Ông Vũ Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

 

Huyện cũng đã tích cực chỉ đạo các địa phương xử lý các bến bãi vi phạm hành lang đê điều nhưng nhìn chung còn hạn chế, chưa giải quyết được dứt điểm. Các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra nhắc nhở, lập biên bản song tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng này.

 

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ðiệp Nông, huyện Hưng Hà

 

Việc phát triển các bến bãi hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng là nhu cầu cần thiết, góp phần tạo việc làm cho lao động, đóng góp nhất định đối với sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, do một số chủ bãi chưa có ý thức trách nhiệm chấp hành các quy định về an toàn đê điều nên còn xảy ra tình trạng vi phạm hành lang thoát lũ hay sử dụng xe quá tải vận chuyển vật liệu gây mất an toàn đê điều.

 

(còn nữa)

Mai Thư

  • Từ khóa