Thứ 6, 19/04/2024, 23:04[GMT+7]

Hiểm nguy bên bãi sông (Kỳ II)

Thứ 6, 16/12/2016 | 09:09:54
1,848 lượt xem

Bãi tập kết vật liệu xây dựng ven sông Trà Lý đoạn qua phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình).

 

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 2: Cần giải pháp đồng bộ

 

Những bến bãi vi phạm gây mất an toàn đê điều đã rõ, song đâu là giải pháp thiết thực để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này là bài toán khó giải ở các cấp, các ngành hiện nay.

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015 ông Nguyễn Hồng Quân và ông Tạ Văn Lăng đã có hành vi bơm cát lấp chân đê, đắp dốc lên xuống mái kè làm bãi trung chuyển vật liệu trái phép và xây dựng nhà trong hành lang bảo vệ đê tại xã Nam Cường (Tiền Hải). UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo huyện Tiền Hải và chính quyền xã Nam Cường tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản giải quyết nhưng đến nay các chủ vi phạm mới chỉ phá dỡ nhà trong hành lang bảo vệ đê. Việc bơm cát vẫn diễn ra và chưa di dời bãi trung chuyển vật liệu. Các hoạt động này đã làm mất an toàn đê điều, các công trình phòng, chống lụt bão, công trình giao thông, ảnh hưởng đến việc thoát lũ. Ông Hoàng Ngọc Sang, Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường chia sẻ: Quyền hạn của cấp xã ngoài việc kiểm tra, lập biên bản, địa phương chỉ có thể xử phạt chủ bến bãi một số tiền nhỏ. Do đó, để việc xử lý vi phạm được triệt để cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các cấp chính quyền. Được biết, tại huyện Tiền Hải hiện có tổng số 38 bến bãi thì 17 bến bãi nằm trong quy hoạch và chỉ có 1 bến bãi có giấy phép hoạt động còn hiệu lực, 3 bến bãi có giấy phép nhưng hết hiệu lực. Theo ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các bến bãi tại huyện Tiền Hải nói riêng và các huyện, thành phố nói chung vẫn vi phạm Luật Đê điều mặc dù được lực lượng quản lý đê chuyên trách phát hiện, lập biên bản, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, song đến nay việc xử lý vẫn còn chậm. Số lượng bến bãi được xử lý rất ít, đặc biệt, những bến bãi không nằm trong quy hoạch đều chưa xử lý được. Như vậy, lộ trình mà tỉnh đưa ra là đến hết tháng 6/2016 các địa phương phải hoàn thành việc xử lý các bến bãi vi phạm đã không thể hoàn thành. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là sự vào cuộc của chính quyền chưa quyết liệt, đôi khi còn tránh né, nhất là chính quyền cấp xã. Mặt khác, nhiều chủ bến bãi không có ý thức tự giác thực hiện, cố tình chây ỳ, vi phạm quy định.

 

 

Bãi tập kết vật liệu xây dựng tại xã Thái Thọ (Thái Thụy).  Ảnh: Trần Tuấn

 


Tại cuộc họp mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để đưa hoạt động của các bến bãi đi vào nền nếp. Trong đó, yêu cầu UBND các cấp thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về đê điều, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, triệt để các vi phạm về hoạt động bến bãi. Tích cực, chủ động giải tỏa tất cả các bến bãi không nằm trong quy hoạch, ưu tiên giải tỏa ngay các bến bãi có chiều rộng bãi sông nhỏ hơn 20m, chất tải cao tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều. Đối với các chủ bến bãi nằm trong quy hoạch chưa được cấp phép hoạt động cần nhanh chóng lập hồ sơ xin cấp phép hoạt động theo quy định. Đối với các bến bãi hoạt động có giấy phép phải ký cam kết với chính quyền địa phương không sử dụng xe quá tải chuyên chở vật liệu xây dựng đi trên đê, giảm tải chiều cao, giải phóng kịp thời các loại vật liệu xây dựng trên bãi. Các địa phương cần kiểm tra việc chấp hành theo quy định về đất đai đối với các chủ bến bãi đang hoạt động. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với các chủ bãi và chính quyền xã, phường không thực hiện đúng thủ tục về đất đai theo quy định. Hy vọng với những biện pháp đó, trong thời gian tới hoạt động của các bến bãi tập kết, trung chuyển nguyên vật liệu xây dựng sẽ đi vào nền nếp, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật và tuân thủ theo quy hoạch của UBND tỉnh, góp phần phục vụ phát triển kinh tế địa phương.

 


 

Ông Nguyễn Mạnh Lực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

 

Để hoạt động bến bãi tập kết, trung chuyển đi vào nền nếp, ngành chức năng, chính quyền các huyện, thành phố, đặc biệt là cấp xã cần phải xử lý các vi phạm kịp thời, triệt để. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương, các chủ bến bãi trong chấp hành nghiêm Luật Đê điều.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hưng Hà

 

 Phòng Kinh tế hạ tầng huyện sẽ tích cực phối hợp cùng với các địa phương rà soát những hộ, doanh nghiệp kinh doanh trong quy hoạch, hướng dẫn họ làm các thủ tục thuê đất cũng như các thủ tục cấp phép mở bến, đăng ký các ngành nghề kinh doanh. Những bến không trong quy hoạch thì yêu cầu chấm dứt hoạt động và hướng dẫn các thủ tục chuyển đổi. Những ranh giới hiện trường, phạm vi đất mà không nằm trong vùng quy hoạch thì cương quyết không cho hoạt động để bảo đảm đúng hành lang bảo vệ đê điều.

 

Ông Nguyễn Duy Bảy, xã Ðiệp Nông (Hưng Hà)

 

Chúng tôi đã đầu tư cải tạo, san lấp mặt bằng để làm bến bãi tập kết hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng và làm thủ tục thuê đất với địa phương từ năm 2007. Hiện nay, theo quy hoạch thì bến bãi của chúng tôi nằm trong quy hoạch. Do đó, tôi rất mong được tạo điều kiện làm các thủ tục nhanh gọn theo quy định để có thể yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh.


 

Mai Thư

  • Từ khóa