Thứ 5, 25/04/2024, 04:38[GMT+7]

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống lụt, bão

Thứ 6, 28/04/2017 | 08:42:59
1,643 lượt xem
Để chủ động ứng phó với mùa mưa, bão sắp tới, hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đang tập trung đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão. Đến nay, một số công trình đã cơ bản hoàn thiện, kịp thời đưa vào sử dụng trước mùa mưa, bão năm 2017.

Thi công đê hữu Trà Lý, đoạn qua địa phận xã Hiệp Hòa (Vũ Thư).

Sau hơn 3 tháng thi công, đến nay dự án xử lý cấp bách sạt lở kè Vũ Đông 1 đoạn từ K25+550 đến K25+950 và đoạn từ K30+250 đến K30+600 đê hữu Trà Lý, đoạn qua xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) đã cơ bản hoàn thành. 

Ông Lê Đức Thọ, cán bộ giám sát Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết, bão số 1 năm 2016 đổ bộ vào Thái Bình đã làm cho kè Vũ Đông 1 bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 750m, ăn sâu vào bãi 0,5m, chỗ gần nhất cách thân đê 3m, sạt lở sâu xuống so với mặt bãi 1,6m; đe dọa đến sản xuất, đời sống của bà con nhân dân. Với sự nỗ lực của các nhà thầu, đến nay dự án đã thi công xong các hạng mục chính như: gieo đá tạo mái, thả rồng thép mạ kẽm lõi đá hộc; thi công cơ kè bằng đá hộc lát khan; thi công mái kè bằng bê tông cốt thép ô đá hộc lát khan; thi công đường kiểm tra đỉnh kè bằng bê tông rộng 1m… Hiện công trình đang trong quá trình nghiệm thu để bàn giao trong đầu tháng 5/2017.

Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xử lý khẩn cấp đê cửa sông Diêm Hộ, đoạn qua địa phận xã Thụy Liên (Thái Thụy).

Được xác định là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, những ngày qua các đơn vị thi công dự án nâng cấp tuyến đê biển kết hợp giao thông tỉnh Thái Bình, gói thầu số 6, số 7, thi công xây dựng hoàn thiện mặt cắt, cứng hóa mặt đê và tu sửa một số kè trên đê hữu sông Trà Lý, đoạn từ K1+800 đến K7+300 đã “dồn sức” thi công, huy động tối đa máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, các đơn vị thi công đã bàn giao được 5,5/6,1km, hiện còn 600m thuộc gói thầu số 7 đoạn qua địa phận xã Đông Quý (Tiền Hải) chưa triển khai thi công do không có kinh phí để hỗ trợ giải phóng mặt bằng. 

Để dự án sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng để có mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.

Những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, trên công trường nâng cấp đê hữu Trà Lý đoạn từ K3+000 đến K5+000 và đoạn từ K5+880 đến K7+400; xây dựng điếm canh đê số 6 và số 7 đoạn qua địa phận hai xã Xuân Hòa và Hiệp Hòa (Vũ Thư) đang rộn ràng tiếng xe chở vật liệu và tiếng máy thi công. 

Ông Đào Quang Đồng, chỉ huy trưởng Công ty Cổ phần Xây dựng Hải Phong cho biết: Trước kia, đây là tuyến đê được đắp bằng đất, có bề rộng 4,5m, cao trình thấp nên không bảo đảm cho công tác phòng, chống lụt, bão. Xác định đây là một trong những công trình trọng điểm phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, đến nay các nhà thầu đã hoàn thiện việc đắp mái đê, xây xong 2 điếm canh đê số 6 và số 7; đã triển khai rải đá cấp phối đạt 70% khối lượng; đang chuẩn bị thi công đổ bê tông mặt đê dày 25cm. Trong thời gian tới, đơn vị thi công tiếp tục tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu bàn giao đúng thời hạn.

Hơn 5,5km đê hữu Trà Lý đoạn qua địa phận hai huyện Kiến Xương, Tiền Hải đã hoàn thiện, đáp ứng công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ, Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát đơn vị thi công về chất lượng công trình. Đến nay, một số dự án đã cơ bản hoàn thành, đang được các đơn vị thi công bàn giao cho chủ đầu tư để đưa vào sử dụng, phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn. Trong thời gian tới, các ngành, các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đồng thời giám sát chặt chẽ chất lượng công trình, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lụt, bão…

Phạm Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày