Thứ 7, 20/04/2024, 08:05[GMT+7]

Kiên quyết xử lý vi phạm công trình thủy lợi và đê điều

Thứ 6, 09/06/2017 | 08:22:43
1,824 lượt xem
Hiện nay, tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều, công trình thủy lợi để làm nhà, lều quán, bãi tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đang diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các tuyến đê, gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt, bão.

Một số vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn xã Minh Hòa (Hưng Hà) đã được xử lý nhưng chưa triệt để.

Vi phạm phổ biến

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi diễn ra khá phổ biến, chưa được các địa phương quan tâm xử lý. Đặc biệt, UBND các xã giải quyết chưa quyết liệt, dứt điểm, các vi phạm để kéo dài nên diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Trên sông Bồng Tiên thuộc địa phận xã Vũ Tiến (Vũ Thư) ngày càng xuất hiện nhiều hộ dân xây dựng công trình tạm như lều, quán làm nơi sản xuất, kinh doanh; đổ nền bê tông cứng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Trên sông Kiến Giang đoạn qua địa phận xã Vũ Quý (Kiến Xương) cũng xảy ra tình trạng các hộ dân tự ý làm bãi đỗ xe, xây nhà tạm. Ngoài ra, trên sông Tép, sông Tiên Hưng, sông 217 thuộc địa phận các xã Hồng Châu, Hoa Lư, Hồng Việt, Đông Sơn (Đông Hưng) cũng đang xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lưu không, lòng sông để xây nhà, làm lều quán, bến bãi làm thu hẹp lòng sông, gây ách tắc dòng chảy. Mặc dù những vi phạm này đã diễn ra khá lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, các vật cản như bèo bồng, cỏ, rác, đăng đó, vó bè đã làm hạn chế khả năng tiêu nước ra các sông trục chính, đặc biệt là trên các tuyến sông giáp ranh giữa các huyện và các xã, kênh tiêu mặt ruộng gây ngập úng nhanh làm kéo dài thời gian tiêu, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Khơi thông dòng chảy sông Kiến Giang, đoạn qua địa phận xã Quang Bình (Kiến Xương).

Khó khăn trong xử lý vi phạm

Ông Phí Quốc Việt, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đặc thù của các công trình thủy lợi là có số lượng rất nhiều, đa dạng, thường ở nơi hẻo lánh, sau nhà dân, giao thông đi lại khó khăn đã gây trở ngại cho việc xác định đối tượng vi phạm cũng như việc phát hiện, xử lý vi phạm. Tại một số địa phương, do thực hiện chuyển đổi kinh tế trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực ngoài bãi sông để chăn nuôi, trồng trọt nên thường phát sinh những vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Ngoài ra, một số hộ dân còn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cấp giấy phép hoạt động trái thẩm quyền trong phạm vi công trình thủy lợi, do đó, khi người dân san ủi, lấn chiếm bị phát hiện thì công tác xử lý gặp khó khăn. Việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thủy lợi cũng gặp nhiều khó khăn do không có lực lượng, phương tiện và chế tài đủ khả năng thực hiện khi đối tượng không thực hiện các quyết định xử phạt. 

Mặc dù Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm công trình đê điều, công trình thủy lợi trước mùa mưa, bão song tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phức tạp, số vụ tồn đọng nhiều, vẫn phát sinh vi phạm mới và tái vi phạm. Nguyên nhân được xác định là do chính quyền một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý đê điều; buông lỏng quản lý hoặc né tránh trách nhiệm của tập thể, cá nhân có thẩm quyền. Bên cạnh đó, do ý thức của một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng quy định của pháp luật về bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi nên đã tận dụng diện tích đất chân đê, bờ đê để canh tác, đổ phế thải, thả đăng đó trong phạm vi bảo vệ đê và công trình thủy lợi.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Trước thực tế trên, ngày 17/5/2017, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc giải tỏa, chống lấn chiếm, sử dụng trái phép trong phạm vi hành lang công trình bảo vệ cầu, cống, đường thủy nội địa, công trình thủy lợi và đê điều trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nêu rõ, hiện nay, tình trạng vi phạm, lấn chiếm, sử dụng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình cầu, cống, đường thủy nội địa, công trình thủy lợi và đê điều vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, xâm hại tới các công trình đê điều, thủy lợi, cản trở dòng chảy, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông đường thủy, phá hủy công trình cầu, cống, đê điều. 

Để thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ về quản lý, bảo vệ các công trình đường thủy nội địa, cầu, cống, đê điều, công trình thủy lợi và bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy đảng và yêu cầu chính quyền các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện giải tỏa, chống lấn chiếm, sử dụng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình cầu, cống, đường thủy nội địa, công trình thủy lợi và đê điều. Trong đó, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê tình trạng vi phạm lấn chiếm, sử dụng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình cầu, cống, đường thủy nội địa, công trình thủy lợi và đê điều thuộc địa bàn quản lý; lập kế hoạch giải tỏa đối với các trường hợp vi phạm; tích cực tuyên truyền và thông báo đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm để tự thu dỡ, di chuyển; đồng thời, lập biên bản xử lý theo quy định và lập kế hoạch cưỡng chế giải tỏa các trường hợp vi phạm mà không tự tháo dỡ, di chuyển. Thời gian hoàn thành các công việc đến hết tháng 10/2017; trước mắt, tập trung thực hiện giải tỏa, khơi thông dòng chảy, hoàn thành trước mùa mưa, bão năm 2017…

Phạm Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày