Thứ 6, 29/03/2024, 14:17[GMT+7]

Hưng Hà sẵn sàng phòng, chống thiên tai

Thứ 6, 09/06/2017 | 08:31:40
867 lượt xem
Với phương châm chủ động phòng, chống có hiệu quả khi thiên tai xảy ra, huyện Hưng Hà đã triển khai, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các phương án, chuẩn bị đầy đủ mọi mặt cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Mặt đê đoạn qua xã Tân Tiến (Hưng Hà) bị hư hỏng nhiều do xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng thường xuyên chạy qua.

Hưng Hà có 3 tuyến đê với tổng chiều dài hơn 40km. Phần lớn hệ thống đê, kè của huyện đã được tu bổ, nâng cấp bảo đảm yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số đoạn, điểm đê, kè bị hư hỏng chưa được sửa chữa, có nguy cơ gây mất an toàn trong mùa mưa, bão. 

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nguyên nhân chủ yếu khiến một số bộ phận của hệ thống đê xuống cấp là do tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê, nhất là việc tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê. Cùng với đó là các xe có tải trọng lớn vận chuyển vật liệu xây dựng chạy nhiều làm hư hỏng mặt đê ở các xã Điệp Nông, Tân Lễ, Độc Lập và thị trấn Hưng Nhân… Tình trạng găm đậu tàu thuyền vào kè, xây lò vôi, xây bệ cẩu, lắp đặt cẩu ở đỉnh kè, chất tải vật liệu lên bãi đỉnh kè không có giấy phép cũng xảy ra ở thôn An Cầu, xã Cộng Hòa; thôn Phan, xã Hòa Tiến; thôn Nhâm Lang, xã Tân Tiến... 

Bà Lê Thị Xoan, thị trấn Hưng Nhân cho biết: Mặc dù chính quyền địa phương đã kiểm tra, nhắc nhở nhưng các xe chở vật liệu xây dựng tải trọng lớn vẫn lưu thông hàng ngày làm hỏng đường, gây nguy cơ mất an toàn.

Ngoài ra, tình trạng lắp đặt cẩu bốc xếp vật liệu lên bãi đỉnh kè hay rào lấn chiếm mái đê, cắt xén chân đê “hiên ngang” diễn ra tại các xã Tân Lễ, Hồng An, Độc Lập, đe dọa an toàn hệ thống đê. Việc đổ rác thải ra mái đê với khối lượng lớn còn khá phổ biến ở các xã Tân Lễ, Tiến Đức, Minh Tân…  Một số hộ dân rào lấn chiếm mái đê kết hợp cắt xén chân đê làm đường nông thôn mới như ở thôn Nhâm Lang, xã Tân Tiến; thôn Canh Nông, thôn Việt Yên, xã Điệp Nông... Nhiều địa phương còn xảy ra tình trạng đào khoét, xây dựng nhà, tường dậu, công trình phụ trong phạm vi bảo vệ đê. Điển hình là ở thôn Xuân Hải, thôn Quan Khê, xã Tân Lễ; thôn An Cầu, thôn Hà Thanh, xã Cộng Hòa; thôn Đôn Mỹ, xã Đoan Hùng…

Bên cạnh tình trạng vi phạm đê điều, một số hệ thống kè cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, bão. Kè lát mái Lão Khê có chiều dài gần 800m được xây dựng từ lâu, trong đó khoảng gần 300m đã được xử lý khá an toàn, phần còn lại mái kè bị sạt lở, bong xô, tụt, phần chân kè có xu hướng bị khoét sâu. Còn tại kè Hà Xá phía sông Luộc hiện có một mỏ lái dòng bị lở tụt phần mũi, hai mỏ vẫn bị bồi lấp. 

Theo ông Trần Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Điệp Nông: Để phòng, chống thiên tai hiệu quả, địa phương đã chủ động xây dựng phương án ứng phó, tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, thủy lợi trước mùa lũ bão và chủ động xây dựng các phương án di dời, sơ tán dân cư khi cần thiết.

Bãi tập kết nguyên vật liệu xây dựng ngay sát chân đê gây mất an toàn mùa mưa, bão.

Để chủ động phòng, chống thiên tai, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hưng Hà tăng cường chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”. Huyện đã phân loại các trọng điểm xung yếu, tiến hành tu bổ, nâng cấp công trình đê điều phục vụ phòng, chống thiên tai với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Tổ chức nạo vét sông trục, kênh mương với khối lượng hơn 380.000m3, giải phóng hơn 412.400m2 dòng chảy; thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, 6 ban chỉ huy cụm phòng, chống thiên tai và 3 cụm chống úng; phân công lực lượng hộ đê theo 3 tuyến, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện phòng, chống thiên tai như đá các loại, xe ô tô, máy phát điện...; chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các vi phạm đê điều. 

Đặc biệt, huyện tập trung xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, nhất là giải quyết triệt để việc chất tải trên mái đê, đỉnh kè, mang cống; đào đất trong phạm vi bảo vệ đê điều. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tổ chức phát quang mái đê và giải phóng dòng chảy các sông trục, bảo đảm kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, chống mọi biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa, bão.

Ngọc Mai 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày