Thứ 6, 29/03/2024, 22:32[GMT+7]

Thành phố Thái Bình những ngày cùng cả nước viết lên bản Tuyên ngôn Độc lập

Thứ 5, 03/09/2015 | 14:15:07
1,317 lượt xem
... Tháng 4/2003, thị xã Thái Bình được công nhận là đô thị loại III; năm 2004, Chính phủ đã quyết định thành lập thành phố Thái Bình trực thuộc tỉnh Thái Bình; tháng 12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2418/QĐ-TTg công nhận thành phố Thái Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thái Bình. Đó là kết quả tích tụ của cả một quá trình lịch sử lâu dài của Đảng bộ và nhân dân Thành phố, trong đó mang đậm dấu ấn hào hùng của những ngày tháng Tám năm 1945.

Thành phố Thái Bình.

Trước Cách mạng Tháng Tám, thị xã Thái Bình là nơi tiếp thu cách mạng vô sản sớm nhất tỉnh ta. Năm 1928, tại Trường tư thục Minh Thành, Tỉnh bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Năng được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ. Cuối tháng 6/1929, tại thị xã Thái Bình, Chi bộ Cộng sản được thành lập, là một trong sáu chi bộ đầu tiên của tỉnh. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh nổ ra liên tiếp. Tại Thị xã, ngày 1/5/1930 truyền đơn và khẩu hiệu cách mạng đã xuất hiện ở nhiều nơi. Tháng 8/1930, các chiến sĩ cộng sản đón và bảo vệ an toàn đồng chí Trần Phú về khảo sát phong trào cách mạng của Thái Bình để hoàn chỉnh Luận cương chính trị của Đảng. Tháng 10/1930, Thị xã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga và ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh... Từ năm 1931, mặc dù thực dân Pháp ra sức đàn áp phong trào cách mạng nhưng các cơ sở cách mạng của Thị xã vẫn được duy trì, chi bộ đảng vẫn bí mật hoạt động, giữ vững liên lạc với tỉnh và xứ ủy. Từ năm 1942 trở đi, các cơ sở cách mạng của Thị xã đã có bước phát triển, quần chúng ngày càng tham gia đông đảo vào phong trào Việt Minh, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang được xây dựng cả trong nội thị và ngoại thị.

Nhân dân thị xã Thái Bình tiêu thổ kháng chiến, đặt chướng ngại vật trên dốc cầu Bo, chặn bước tiến của thực dân Pháp năm 1946. Ảnh tư liệu

Đứng trước thời cơ cách mạng, thi hành mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, trong ngày 18/8, với khí thế hào hứng sôi động, các đoàn viên cứu quốc và quần chúng tích cực đã tổ chức vận động quần chúng đi mít tinh, chuẩn bị cờ, phù hiệu Việt Minh, tập hát Tiến quân ca, in lệnh Tổng khởi nghĩa, 10 chính sách của Tổng bộ Việt Minh và chuẩn bị các công việc cho Tổng khởi nghĩa vào sáng ngày 19/8. Ngay trong đêm 18/8, một số đoàn viên thanh niên cứu quốc đã đập tan âm mưu dựa vào Nhật để nhảy ra nắm chính quyền của bọn Đại Việt. Cũng trong đêm 18/8, lực lượng cách mạng Thị xã đã vận động lực lượng bảo an binh và cảnh sát giao nộp toàn bộ vũ khí. Tất cả vũ khí lấy được gồm 52 khẩu súng trường, 1 trung liên, 3 súng lục, 4.000 viên đạn, 3 hòm lựu đạn được trang bị cho lực lượng vũ trang Thị xã.  Tờ mờ sáng ngày 19/8, lá cờ đỏ sao vàng treo tại sân đình làng Đoan Túc đã hiệu triệu tập trung đoàn người biểu tình lên tới 1.000 người. Sau lễ chào cờ, hát Tiến quân ca, đồng chí Nguyễn Tuyền, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thị xã đã đọc lệnh Tổng khởi nghĩa và kế hoạch phối hợp hành động giữa các lực lượng. Với tinh thần tràn đầy quyết tâm và khí thế cách mạng, đoàn biểu tình rầm rập tiến vào thị xã Thái Bình. 7 giờ sáng, tại quảng trường trước Vọng cung, quần chúng và lực lượng tự vệ đã tập trung tới 4.000 người; lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Vọng cung, hai bên Vọng cung là băng rôn, áp phích. Trưa và chiều ngày 19/8, lực lượng tự vệ và đoàn viên thanh niên đã chiếm lĩnh, tiếp quản và canh gác các công sở trong Thị xã. Ủy ban nhân dân lâm thời dùng Hội quán trí thể dục làm trụ sở làm việc, ông Phạm Phan Hiền làm Chủ tịch, ông Nguyễn Minh Châu làm Phó Chủ tịch. Ngày 25/8/1945, tại sân vận động thị xã có cuộc mít tinh lớn của nhân dân, tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai đế quốc, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân toàn tỉnh Thái Bình. Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra trang sử mới. Đảng bộ và nhân dân Thị xã tự hào, phấn khởi cùng với toàn tỉnh và cả nước xây dựng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng, bảo vệ chính quyền. 

Lịch sử là cả một quá trình, quá khứ vinh quang đã gieo mầm cho một tương lai tươi sáng. Ghi nhận những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân Thị xã (nay là thành phố Thái Bình) đạt được, Đảng, Nhà nước đã trao tặng các phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trải qua quá trình hình thành và phát triển đô thị, từ một thị xã nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu diện tích chưa đầy 100ha, dân số khoảng 7.000 người, thành phố Thái Bình đã có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Tháng 4/2003, thị xã Thái Bình được công nhận là đô thị loại III; năm 2004, Chính phủ đã quyết định thành lập thành phố Thái Bình trực thuộc tỉnh Thái Bình; tháng 12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2418/QĐ-TTg công nhận thành phố Thái Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thái Bình. Đó là kết quả tích tụ của cả một quá trình lịch sử lâu dài của Đảng bộ và nhân dân Thành phố, trong đó mang đậm dấu ấn hào hùng của những ngày tháng Tám năm 1945.

Phan Lợi

  • Từ khóa