Thứ 6, 19/04/2024, 11:58[GMT+7]

Khí thế cách mạng ở Thái Bình sau khi đất nước giành độc lập

Thứ 5, 03/09/2015 | 15:12:30
4,224 lượt xem
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân dân Thái Bình cùng cả nước hồ hởi phấn khởi sống trong những ngày đầu độc lập. Ủy ban cách mạng lâm thời được thành lập ở các địa phương. Nhưng vào thời điểm đó, Nhà nước dân chủ nhân dân ra đời trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, thử thách cùng ập đến.

Nhân dân Thái Bình trước dinh tỉnh trưởng (năm 1951) đấu tranh đòi chồng con đi lính cho Pháp trở về. Ảnh tư liệu

Thái Bình, khi giành được chính quyền cách mạng, tổ chức và lực lượng cách mạng còn gặp nhiều khó khăn. Tổ chức cơ sở đảng ở các địa phương chưa có. Chính quyền cách mạng với tên gọi là Ủy ban cách mạng lâm thời các cấp đã được thành lập nhưng hầu hết những người tham gia vốn là người dân lao động lần đầu tiên nắm chính quyền nên còn rất bỡ ngỡ với công tác tổ chức, xây dựng và quản lý xã hội. Hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở đang còn quá mỏng. Lực lượng vũ trang cách mạng còn quá nhỏ bé về quân số và vũ khí trang bị…

Trong khi quân đội Nhật chưa rút thì 500 binh lính Tưởng Giới Thạch đã kéo vào Thái Bình gây rối, khủng bố, bắt bớ và vu cáo, trợ giúp cho các thế lực phản động Việt Quốc, Việt Cách nổi lên hoạt động công khai chống phá cách mạng. Lợi dụng dịp này bọn phản động đội lốt tôn giáo; bọn lý dịch, địa chủ cường hào ngóc đầu tuyên truyền phản động xuyên tạc về Đảng Cộng sản và tìm cách chui vào các cấp chính quyền đoàn thể để phá hoại.

Trong không khí sục sôi giành chính quyền đang trào dâng ở khắp các địa phương trong tỉnh thì sáng 21/8/1945, đoạn đê thuộc địa phận làng Đìa (Hưng Nhân) bị vỡ, tiếp ngay sau đó, đoạn đê thuộc làng Mỹ Lộc (Thư Trì) cũng bị vỡ. Nước lụt ngập tràn cả 12 phủ huyện, lúa mùa đang lên khá tốt bị mất trắng. Nạn đói kinh hoàng tháng 3 chưa qua, lương thực trong dân đã cạn, nạn đói do đê vỡ lại tiếp diễn. Kinh tế khánh kiệt, ngân khố chỉ còn lại 3 vạn tiền Đông Dương rách nát, nông khố của tỉnh chỉ còn 3 triệu đồng và vài trăm tấn thóc của Nhật còn sót lại rải rác ở vài nơi trong tỉnh.

Trình độ nhận thức về chính trị, xã hội của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh còn trong tình trạng thấp kém. Hơn 90% dân số mù chữ. Nhiều tập tục hủ bại trong ma chay, cưới xin... cùng các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, mại dâm... đang tồn tại phổ biến. Các cơ sở y tế, giáo dục còn đang trong tình trạng nhỏ bé, lạc hậu.

Đứng trước muôn vàn khó khăn thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã kiên cường vượt lên, đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, từng bước ổn định đời sống xã hội, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến.

Cuối năm 1945, Tỉnh ủy Thái Bình họp ra nghị quyết về những nhiệm vụ cấp bách nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: "Chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm" và thực hiện chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" của Trung ương Đảng.

Từ cuối năm 1945, hầu khắp các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình lớn, quần chúng hô vang các khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm", "Hồ Chủ tịch vạn tuế", "Ủng hộ Việt Minh" và ca vang các bài ca cách mạng. Trước khí thế sục sôi cách mạng ở khắp nơi trong tỉnh đã làm cho quân Tưởng và bọn phản động phải hoang mang, không dám ngang nhiên gây rối, chống phá. Tháng 4/1946, quân Tưởng rút khỏi Thái Bình, bọn Quốc dân đảng co cụm vào hoạt động bí mật.

Để thiết thực xây dựng, củng cố chính quyền nhà nước, Chính phủ ban hành Sắc lệnh Tổng tuyển cử trong cả nước để bầu Quốc dân Đại hội và ấn định Hiến pháp của nước Việt Nam mới.

Việc triển khai tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa I ở Thái Bình diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng cam go quyết liệt. Các thế lực phản cách mạng trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động chống phá, tuyên truyền xuyên tạc nói xấu ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu; tìm cách đưa người của chúng ra ứng cử. Bọn Việt Nam Quốc dân đảng đã ráo riết chuẩn bị truyền đơn, áp phích, tập trung vũ khí để phá hoại cuộc bầu cử ở các địa phương trong tỉnh. Một số nơi, bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa đã tung tin đồn nhảm, lôi kéo giáo dân bỏ phiếu cho những tên phản động hoặc khống chế không cho giáo dân đi bầu.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các địa phương đã phát động phong trào quần chúng, hướng dư luận vào việc vạch mặt bọn phao tin đồn nhảm, răn đe, trừng trị những phần tử cố tình chống phá. Kết quả là ngày 6/1/1946 thực sự là một ngày hội lớn. Toàn dân trong tỉnh nô nức hân hoan đi bỏ phiếu với 95% số cử tri đi bầu.

Phát huy thắng lợi và kinh nghiệm tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội, cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh và xã khóa I đã được tổ chức thành công vào tháng 3/1946. Ủy ban hành chính tỉnh, huyện, xã được bầu ra thay cho Ủy ban nhân dân lâm thời từ tháng 8/1945. Cùng với việc sắp xếp lại hệ thống đơn vị hành chính từ tỉnh đến cơ sở, củng cố bộ máy chính quyền các cấp là việc củng cố tổ chức đảng, phát triển các đoàn thể quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang, từng bước củng cố thực lực cách mạng, chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch phải tiến hành đồng thời chống 3 thứ giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Tỉnh ủy, Ủy ban cách mạng lâm thời và Mặt trận Việt Minh tỉnh đã lãnh đạo toàn dân trong tỉnh khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ: tổ chức cứu tế, tiếp tế; củng cố đê điều chống nạn lụt; vận động tăng gia sản xuất, tiết kiệm… Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua "nhường cơm sẻ áo", "hũ gạo chống đói", "ngày đồng tâm nhịn ăn", "tăng gia sản xuất, tiết kiệm lương thực"… Tại thị xã, trại Tế bần, trại Dục Anh và các quán cơm lao động hàng ngày cấp phát khẩu phần ăn cho hàng nghìn người bị đứt bữa. Khắp các địa phương trong tỉnh đều ra đời các đội lạc quyên, vận động lập quỹ nghĩa thương giúp đỡ người nghèo đói. Các đội cứu đói cũng hăng hái vận động nhân dân thực hành tiết kiệm lương thực, tiết kiệm tiêu dùng, cấm dùng lương thực để chế biến quà, bánh, nấu rượu để tập trung lương thực cứu đói.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách đầu tiên là nhanh chóng hàn khẩu hai đoạn đê Đìa (Hưng Nhân) và Mỹ Lộc (Thư Trì) bị vỡ. Ngay từ những ngày đầu tháng 9/1945 trở đi, hàng vạn nhân công được huy động làm việc cả ngày lẫn đêm. Cho đến cuối năm 1945, công việc hàn khẩu hai đoạn đê vỡ dài gần 3.000 mét đã cơ bản hoàn thành. Để hàn gắn xong hai đoạn đê vỡ này, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp tới 85 vạn ngày công; 15 vạn cây tre, cau, xoan; gần 7 vạn bó rào để cắm kè; đào đắp gần 3 vạn mét khối đất. Trong bối cảnh chính quyền còn non trẻ, thù trong giặc ngoài câu kết chống phá, việc huy động được sức dân để hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong một thời gian ngắn lại ở vào thời điểm thiếu đói trầm trọng đã làm cho vị thế của chính quyền cách mạng được nâng lên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh càng thấy rõ hơn tính ưu việt của chế độ mới.

Để khôi phục sản xuất, chống nạn đói tái diễn, nhân dân khắp nơi trong tỉnh sôi nổi thực hiện khẩu hiệu "không bỏ ruộng hoang", "cấy hết diện tích". Chỉ trong vòng mấy tháng cuối năm 1945 đã có hơn một vạn mẫu ruộng được cấy lúa, trồng màu. Trong khi nước lụt chưa rút hết, cán bộ Việt Minh và các đoàn thể đã về các vùng có những cánh đồng cao bị lụt nhẹ vận động đồng bào gieo mạ ủng hộ những nơi bị lụt nặng. Ban khuyến nông của tỉnh được thành lập và đi xuống các thôn, xã vận động nhân dân tham gia chiến dịch tăng gia sản xuất, cứu đói. Chính quyền cách mạng đã trích tiền từ nông khố cho nhân dân vay vốn, giống để sản xuất và thực hiện giảm tô, giảm tức, miễn giảm một số thuế và miễn thuế hoàn toàn cho vùng bị lụt nặng... làm cho nhân dân khắp nơi trong tỉnh đều ra sức sản xuất.

Nhân dân Thái Bình bãi thị chợ Bo để phản đối thực dân Pháp giam giữ đồng bào ta sau trận càn Trái Quýt năm 1951. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1946, Thái Bình tiến hành chia lại ruộng đất cho nông dân. Vào thời điểm này, chính quyền các địa phương đã thu lại phần lớn ruộng bán công, bán tư, lấy bớt ruộng đình, ruộng chùa, nhà thờ, phe giáp, tịch thu ruộng đất của bọn địa chủ phản động bỏ chạy đem chia cho nông dân. Phấn khởi vì người cày có ruộng, nhân dân khắp nơi nô nức sản xuất. Lúa và hoa màu vụ mùa và vụ chiêm năm 1946 đều bội thu. Nạn đói từng bước được đẩy lùi.

Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Thái Bình là một trong những tỉnh có phong trào khá về diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ. Từ cuối năm 1945 phong trào xóa nạn mù chữ đã được triển khai sâu rộng từ thành thị đến các vùng nông thôn. Nhiều lớp bình dân học vụ được tổ chức theo các hình thức và quy mô khác nhau cho các lứa tuổi. Cán bộ bình dân học vụ kết hợp với cán bộ của các đoàn thể đến từng cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân đi học với các hình thức ca dao, hò vè, tranh ảnh... phong trào thi đua thanh toán nạn mù chữ xong trước thời hạn đã thu hút toàn dân trong tỉnh tham gia. Những người chưa biết chữ từ 8 đến 60 tuổi đều đi học với khẩu hiệu "sáng chiều sản xuất, tối trưa học hành". Ở khắp các địa phương trong tỉnh, thôn xóm nào cũng có lớp học, có lớp đông tới 40 - 50 người. Đa phần các lớp dùng giường, phản, cánh cửa làm bàn làm bảng, nhiều khi là học trên sân, lấy gạch non hoặc than củi làm phấn viết...

Cuộc vận động xây dựng đời sống mới do Hồ Chủ tịch khởi xướng diễn ra sôi nổi. Ban vận động "Thực hiện đời sống mới" đã được thành lập và triển khai các hoạt động tích cực ở khắp các địa phương. Nhiều tệ nạn và hủ tục của xã hội cũ để lại như cờ bạc, rượu chè, ăn uống tốn kém trong ma chay, cưới xin, mê tín dị đoan... bị dư luận phê phán. Nhiều đám cưới theo "đời sống mới" được dư luận đồng tình ủng hộ. Thực hiện đời sống mới, ăn chín uống sôi, ăn ở hợp vệ sinh, đường làng ngõ xóm phong quang sạch sẽ được duy trì thường xuyên ở nhiều làng xã. Đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân từng bước có những chuyển biến tích cực.

Thực hiện chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" của Trung ương Đảng, việc củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ở các cấp được triển khai cấp bách. Phong trào "vũ trang toàn dân" với khẩu hiệu "mỗi người một thứ vũ khí" đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Mọi công dân khỏe mạnh đều phải tham gia luyện tập quân sự. Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của từng làng xã nhưng vào những giờ cuối buổi chiều hàng ngày việc luyện tập quân sự thường diễn ra ở các sân đình, sân chùa, gò bãi khắp nơi trong tỉnh cuốn hút mọi đối tượng già, trẻ, gái, trai tham gia. Do khó khăn về tài chính nên vũ khí trang bị còn thô sơ, thiếu thốn. Ban đầu chỉ có một số ít súng trang bị cho lực lượng vệ quốc đoàn của tỉnh và tự vệ tập trung của huyện. Còn lại đại bộ phận chỉ có giáo mác, gậy tre, tay thước. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh phát động toàn dân tự mua sắm, tự sản xuất vũ khí. Ngày 4/9/1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh: Tổ chức "Quỹ độc lập" sau đó phát động "Tuần lễ vàng". Ban vận động "Tuần lễ vàng" của tỉnh được thành lập. Do tuyên truyền, vận động tốt nên nhân dân khắp nơi trong tỉnh đã sôi nổi hưởng ứng. Kết quả "Tuần lễ vàng", và "Quỹ độc lập", diễn ra từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945, cả Thái Bình đã đóng góp được 370 lạng vàng và hơn nửa triệu đồng.

Ngày 23/11/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Nam Bộ, phong trào toàn dân ủng hộ Nam Bộ kháng chiến đã dấy lên mạnh mẽ. Các cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra sôi động trong toàn tỉnh phản đối quân Pháp xâm lược. Tỉnh phát động phong trào "Ngày Nam Bộ", "Tuần lễ vải", "Tuần lễ thuốc"... Chỉ trong vòng 3 tháng, nhân dân trong tỉnh đã quyên góp được 10 vạn vuông vải, gần 1 triệu đồng (tiền Đông Dương) và nhiều thuốc men có giá trị khác. Tại thị xã và các huyện có "Phòng Nam Bộ" để thanh niên đến đăng ký tình nguyện xung phong Nam tiến. Ba ngày sau khi quân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, đơn vị giải phóng quân Thái Bình đã lên đường. Đầu năm 1946, Thái Bình lại có thêm 3 phân đội giải phóng quân với hơn 300 người đầy đủ vũ khí, trang bị tiếp tục lên đường. Vào thời điểm này, Thái Bình còn là đường dây tiếp nhận đón, đưa các lực lượng giải phóng quân của các tỉnh Đông Triều, Kiến An, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên sang Nam Định đi tàu hỏa vào Nam.

Trải hơn một năm (từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946), cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài để giữ vững, củng cố chính quyền cách mạng, bảo đảm trật tự trị an, khắc phục tình trạng úng lụt, đẩy lùi nạn đói, xây dựng lực lượng cách mạng, bước đầu thực hiện nhiệm vụ thanh toán nạn mù chữ, vận động đời sống mới, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến đã đạt được những thắng lợi hết sức to lớn, toàn diện và để lại những bài học thực tiễn vô cùng quý giá cho các giai đoạn cách mạng tiếp theo ở Thái Bình.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

 

  • Từ khóa