Thứ 5, 25/04/2024, 12:02[GMT+7]

Cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1930 Mốc son tô thắm trang sử vàng truyền thống

Thứ 6, 11/09/2015 | 08:29:00
4,047 lượt xem
Trong không khí phấn khởi của những ngày mùa thu lịch sử, cả dân tộc hân hoan kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2015), chúng tôi tìm về miền quê cách mạng - nơi diễn ra cuộc biểu tình của nông dân hai huyện Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1930, cũng là cuộc đấu tranh của nông dân đầu tiên do Ðảng lãnh đạo ở Thái Bình, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Hơn 85 năm đã trôi qua, lớp người ngày ấy nay không còn nữa nhưng dấu xưa vẫn còn lư

Di tích lịch sử cách mạng Trường tổng Vị Sĩ (thôn Và, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà).

 

Trải qua thời gian, địa giới hành chính và tên gọi của hai huyện Tiên Hưng - Duyên Hà cũng đã thay đổi. Tiên Hưng xưa, nay là một phần của huyện Đông Hưng còn Duyên Hà, Hưng Nhân chính là miền đất cổ Hưng Hà thời đổi mới. Với những mốc son lịch sử chói lọi, bao thế hệ người dân Thái Bình vẫn còn kể cho nhau nghe về cuộc biểu tình của nông dân hai huyện Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1930, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản quang vinh, mở ra cao trào cách mạng mới ở Thái Bình nhằm biểu dương sức mạnh của quần chúng nhân dân.

 

Lần theo những dữ kiện lịch sử, chúng tôi tìm về thôn Nhuệ, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, nơi còn lưu giữ nhiều chứng tích về cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà. Nơi đây cũng là một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên của tỉnh Thái Bình. Ông Đỗ Gia Trác, con trai ông Đỗ Gia Chuẩn, cán bộ lão thành cách mạng, một trong số những người trực tiếp lãnh đạo tổ chức cuộc biểu tình năm đó chia sẻ: Sống trên mảnh đất hương hỏa ông cha, chúng tôi luôn tự hào về truyền thống của gia đình, truyền thống quê hương. Ngay tại ngôi nhà của gia đình đã diễn ra cuộc họp thành lập Liên Chi bộ Cộng sản Thần Duyên (Tiên Hưng và Duyên Hà) vào tháng 7 năm 1929. Hội nghị đã cử đồng chí Lương Duyên Hồi làm Bí thư Liên Chi bộ (lúc này, đồng chí Bùi Hữu Diên dạy học tại Trường tổng Vị Sĩ đã bị địch tình nghi và điều đi nơi khác). Chỉ sau gần 1 năm, tối ngày 28/4/1930, cũng tại ngôi nhà này, Ban Liên Chi ủy Thần Duyên họp để thành lập Ủy ban lãnh đạo đấu tranh, thống nhất nội dung tuyên truyền, kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình và phân công cán bộ, đảng viên vận động quần chúng, phụ trách từng việc và lãnh đạo từng nhóm khi tiến hành biểu tình. Việc treo cờ và rải truyền đơn cũng được phân công cụ thể và chuẩn bị chu đáo.

 

Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh này, Tỉnh ủy Thái Bình đã in hàng vạn truyền đơn, biểu ngữ, may cờ chuyển về cho các địa phương, đồng thời phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh ở từng vùng, trong đó có cả các huyện Vũ Tiên, Thư Trì, Tiền Hải... Đêm ngày 30/4/1930, truyền đơn được rải ở rất nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là ba huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Tiên Hưng. Sáng sớm 1/5/1930 (ngày Quốc tế Lao động), tiếng trống hiệu lệnh vang lên tại các làng thuộc Liên Chi bộ Thần Duyên như giục giã mọi người lên đường. Hôm ấy đúng ngày diễn ra phiên chợ Khô (xã Hoa Lư, huyện Đông Hưng) nhưng khác với những phiên chợ trước, hôm ấy người dân kéo về chợ đông nghịt. Đây cũng là địa điểm để tập hợp các nhóm quần chúng của hai huyện Tiên Hưng và Duyên Hà tổ chức tuần hành biểu tình, vượt qua bến đò Thọ Vực (xã Đồng Phú, huyện Đông Hưng) đến thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình). Sau bài diễn thuyết của đồng chí trong Ủy ban lãnh đạo đấu tranh, đồng chí Trần Đăng Lộc dẫn đầu đoàn biểu tình giương cao lá cờ đỏ búa liềm, tiếp đó là hai người mang tấm biểu ngữ có dòng chữ: “Bắt Pháp đế quốc phải giảm thuế, giảm sưu/Năm nay cho cấp thóc gạo cho dân (năm nay)/Tha những người bị bắt ra/Triệt đội quân tuần tiễu về/Đền tiền các làng bị phá/Để tự do đi lại và hội họp”. Dưới biểu ngữ có ghi rõ dòng chữ “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đoàn biểu tình gần 1.000 người đeo băng giấy viết khẩu hiệu “Ngày 1 - 5 vạn tuế”, vừa đi vừa rải truyền đơn và hô vang khẩu hiệu.

 

Trong lúc đoàn biểu tình đang hừng hực khí thế tiến về thị xã Thái Bình thì quần chúng nhân dân của hai huyện Vũ Tiên, Thư Trì từ các ngả cũng kéo về tập trung, chờ phối hợp tiến vào các công sở đấu tranh. Tình hình thị xã Thái Bình trở nên hỗn loạn, các công sở đều đóng cửa. Tuy nhiên, đoàn biểu tình đã bị địch chặn lại ở cống Sinh (cách thị xã 3km), chúng dùng súng chống lại quần chúng nhân dân rất dã man, nhiều người bị thương, bị địch bắt giải đi. Đến khoảng 11 giờ, đoàn biểu tình buộc phải tan rã. Các lực lượng quần chúng chờ sẵn ở tuyến sau cũng bí mật giải tán, riêng quần chúng nhân dân huyện Vũ Tiên chuyển sang hình thức đấu tranh mới, kéo vào huyện lỵ đòi phát hoàn công đắp đê, đắp đường và tố cáo thực dân Pháp, địa chủ đặt ra sưu cao, thuế nặng, đẩy nông dân vào cảnh lầm than, khổ cực.

 

Mặc dù cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà không đạt được thắng lợi như mong muốn nhưng qua đó đã khẳng định sức mạnh đoàn kết, tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó cũng là tín hiệu mở đầu cho các phong trào đấu tranh trong những năm tháng tiếp theo của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình, đỉnh cao là cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930. Cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 là cuộc tập dượt, khởi đầu cho công cuộc đấu tranh của quần chúng cách mạng do Đảng lãnh đạo trên địa bàn ba huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Tiên Hưng, là quá trình tôi luyện những đảng viên, quần chúng giác ngộ cách mạng, một lòng đi theo Đảng.

 

Năm nay đã 92 tuổi đời, 62 năm tuổi đảng nhưng ông Bùi Tam Hợp, cán bộ tiền khởi nghĩa ở thôn Chùa, xã Chí Hòa vẫn nhớ như in hình ảnh tri huyện Duyên Hà đem lính về lùng sục các làng, bắt bớ những người tham gia cuộc biểu tình ngày 1/5/1930. Ông Hợp bồi hồi nhớ lại: Lúc đó, tôi mới 6 tuổi. Vì anh trai tôi là Bùi Văn Mộng, khi đó là Phó Bí thư Liên Chi bộ Thần Duyên, người trực tiếp tham gia biểu tình bị giặc bắt, chúng đã đến đốt nhà tôi. Tôi vẫn nhớ, lúc đó mẹ tôi bế tôi chạy về nhà ngoại lánh nạn. Thời gian sau, khi mọi chuyện đã lắng xuống, tôi được nghe người nhà kể lại, nhiều cán bộ cách mạng, quần chúng nhân dân bị địch bắt, người bị đày ra Côn Đảo, người bị đày lên Sơn La, rất nhiều người bị bắt giam 3 tháng ở thị xã Thái Bình... Ngay sau khi cuộc biểu tình bị đàn áp, Trung ương Đảng đã ra lời kêu gọi quần chúng cách mạng trong cả nước đứng lên đấu tranh phản đối sự tàn bạo của thực dân Pháp. Đối với tôi, được sinh ra trên miền quê giàu truyền thống cách mạng, tôi đã sớm giác ngộ và tôi luyện bản thân trong gian khổ để trở thành người chiến sĩ cộng sản một lòng kiên trung với Đảng.

 

Cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1930 đã gây tiếng vang lớn, vượt ra khỏi ranh giới tỉnh Thái Bình, cổ vũ mạnh mẽ phong trào nông dân Bắc Kỳ và góp phần quan trọng vào cao trào cách mạng chung trên quy mô cả nước mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh tháng 9 năm 1930.

 

 

Đình làng Nhuệ, nơi phát đi tiếng trống hiệu lệnh trong cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1930.

 

Con đường in dấu chân những người biểu tình chạy dài từ Chí Hòa (Hưng Hà) qua Hồng Việt đến Bạch Đằng (Đông Hưng) được người dân đặt tên là Con đường cộng sản để kỷ niệm những ngày đấu tranh cách mạng oanh liệt của các thế hệ đi trước. 85 năm đã qua đi, con đường vẫn được người đời nhắc đến với cái tên thiêng liêng ấy. Nơi nó đi qua vẫn còn những chứng tích lịch sử như nhà thờ họ Bùi - nơi diễn ra các cuộc họp chi bộ, tại thôn Chùa, xã Chí Hòa, Trường  tổng Vị Sĩ - gắn với tên tuổi người chiến sĩ cách mạng Bùi Hữu Diên, nơi nuôi dưỡng lớp lớp cán bộ, đảng viên yêu nước...

 

Tất Đạt

  • Từ khóa