Thứ 5, 28/03/2024, 17:24[GMT+7]

Việt Hùng quật khởi

Thứ 5, 01/09/2016 | 18:26:10
2,368 lượt xem
Nạn đói cộng với vỡ đê năm 1945 đã khiến cho xã Việt Hùng (huyện Thư Trì trước đây, huyện Vũ Thư ngày nay) kiệt quệ về kinh tế. Nhưng ngay cả trong thời khắc muôn vàn khó khăn ấy, tinh thần cách mạng vẫn được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã thắp sáng với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Các bậc cao niên làng Mỹ Lộc, xã Việt Hùng thường kể cho con cháu nghe tinh thần quật khởi của thế hệ cha ông trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

 

Nhìn phố Búng, xã Việt Hùng sầm uất, nhà cửa san sát, hoạt động buôn bán tấp nập, ít người có thể hình dung chính nơi này cách đây 71 năm đã từng bị nhấn chìm trong biển nước và cảnh chết đói thê thảm khắp đường, khắp chợ. Ông Hoàng Bá Sinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã cùng chúng tôi thăm tấm bia ghi dấu sự kiện vỡ đê Mỹ Lộc đêm 21/8/1945 bồi hồi nhớ lại: Cũng đoạn đê này, mùa thu năm 1945, nhân dân trong vùng đã tập trung, người cầm liềm, người vác gậy, người cầm cờ biểu tình đấu tranh giành chính quyền từ tay bọn thực dân, phong kiến. Hào khí được tiếp thêm bởi lực lượng tự vệ cứu quốc của xã với giáo, mác, mã tấu tề tựu sẵn sàng chờ lệnh tổng khởi nghĩa. Thông tin thắng lợi giành được chính quyền ở các địa phương trong và ngoài huyện dồn dập từ khắp nơi đưa về càng khiến cho tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thêm hăng hái. Nếu không có nạn đại hồng thủy xảy ra, chắc các tầng lớp nhân dân Việt Hùng cũng hội quân với các xã khác kéo về huyện lỵ Thư Trì đánh đổ bọn thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân trong dịp 19/8 năm ấy.

 

Ông Lại Đăng Thành, 87 tuổi ở thôn Phú Chử chia sẻ: Nước sông Hồng mùa lũ năm ấy lên rất to và chảy xiết. Đoạn đê Mỹ Lộc vốn xung yếu lại nằm đúng khúc sông cong nên không chịu nổi sức ép đã vỡ toang. Nước cuồn cuộn đã cuốn phăng nhà cửa, lều chợ, cây cối, lúa và hoa màu. Việt Hùng và rất nhiều địa phương phía Bắc quốc lộ 10 bỗng chốc biến thành biển nước. Cảnh tượng nhiều người dân thoi thóp bám trụ trên nóc nhà, vật vờ trên bè chuối thật đau lòng. Phần lớn người dân kịp chạy lên mặt đê thoát khỏi lũ thì đói, rét vì toàn thân ngấm nước và không có gì để ăn. Nạn đói cộng với vỡ đê tưởng chừng người dân Việt Hùng không thể đứng lên làm cách mạng được. Nhưng khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên dọc đê Mỹ Lộc, người dân thấy được tương lai tươi sáng phía trước như được tiếp thêm sinh lực để cùng lúc lo việc hàn khẩu đoạn đê bị vỡ và tiếp tục đứng lên đấu tranh giành chính quyền. “Do nước ngập lụt khắp cả huyện, không có đường đi nên 10 anh em chúng tôi kéo lá cờ đỏ sao vàng cùng đoàn thuyền chèo lái qua khu vực đê vỡ rồi nhằm hướng huyện lỵ Thư Trì để biểu tình giành chính quyền” - ông Thành xúc động nhớ lại.

 

Chỉ sau một ngày vỡ đê, ngày 22/8/1945, lực lượng tự vệ làng Mỹ Lộc và một số làng trong xã như Phú Chử, Lộc Điền, Hương Điền, Mỹ Bổng đã cử một trung đội có vũ trang cầm cờ Tổ quốc đến tước súng của viên thư ký Nhật. Trưa ngày hôm sau, cán bộ Việt Minh địa phương đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở phố chợ Mỹ Lộc, cuộc mít tinh sau đó biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Nhiều người dân Việt Hùng khi ấy bỏ cả việc thu dọn nhà cửa sau lũ để tham gia đoàn khởi nghĩa, tiếp thêm khí thế cho cách mạng.

 

Được tin chính quyền đã thuộc về nhân dân, ngày 25/8/1945, người dân Việt Hùng cùng hơn 4.000 người đại diện cho nhân dân các xã trong huyện đã nô nức giương cao cờ đỏ sao vàng tiến về huyện lỵ Thư Trì dự cuộc mít tinh lớn để chào mừng thắng lợi của cách mạng. Ngày ấy đã đi vào tâm thức các tầng lớp nhân dân Việt Hùng như một dấu mốc lịch sử trọng đại, chấm dứt kiếp sống nô lệ, lầm than,  ngẩng cao đầu làm chủ cuộc đời.

 

Cách mạng Tháng Tám thành công, cũng như các địa phương trong cả nước, ngày 2/9/1945, người dân Việt Hùng đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi được nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Rồi cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây lại một lần nữa được sống trong niềm hạnh phúc khi được gặp Bác về thăm, động viên tại công trường đào đắp hàn khẩu đê Mỹ Lộc vào ngày 28/4/1946, Bác khen ngợi cán bộ và nhân dân nơi đây khi hoàn thành đắp đê. Sự gần gũi, ân cần, chia sẻ của vị cha già dân tộc đã gây xúc động mạnh trong lòng người dân, ai cũng muốn được vây quanh Bác, nhiều người không nén nổi cảm xúc đã hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”.

 

Đưa chúng tôi đi thăm lại những dấu tích của nạn vỡ đê và những địa điểm gắn với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Trần Quý Bình, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: 71 năm kể từ khi giành được chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống nhân dân Việt Hùng đã đổi thay vượt bậc. Niềm tin của nhân dân với Đảng càng được củng cố vững chắc, là cơ sở quan trọng để Việt Hùng tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2017.

 

Khắc Duẩn - Tiến Đạt

  • Từ khóa