Thứ 6, 29/03/2024, 02:12[GMT+7]

Tinh thần dân tộc tỏa sáng qua bản Tuyên ngôn Ðộc lập bất hủ

Thứ 5, 01/09/2016 | 19:19:46
9,734 lượt xem
Nói đến tinh thần dân tộc Việt Nam là nói đến ý thức dân tộc đã được hình thành, hun đúc, phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Tinh thần đó được biểu hiện qua các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam, trong đó tinh thần yêu nước và tinh thần độc lập dân tộc là hai giá trị truyền thống chủ đạo. Yêu nước cho nên đấu tranh đến cùng, không quản ngại gian khổ, hy sinh, không tiếc máu xương để giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc và dân tộc được độc lậ

Ngày 27/3/1964, hội nghị chính trị đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khai mạc tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu.

 

Chúng ta đều biết rằng, bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945 không phải là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Trước đó đã có bài thơ “Nam quốc sơn hà” - tác phẩm được sử dụng trong kháng chiến chống quân Tống của Lý Thường Kiệt nhằm mục đích khẳng định chủ quyền dân tộc, khích lệ ba quân tướng sĩ và uy hiếp tinh thần giặc Tống được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất. Khi Nguyễn Trãi thay lời Bình Định Vương Lê Lợi (năm Đinh Mùi - 1427) viết Bình Ngô đại cáo tuyên bố bình định giặc Minh, giành lại độc lập cho dân tộc là tác phẩm được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc ta. Như vậy, nếu hai bản tuyên ngôn độc lập trên thuộc thời kỳ phong kiến thì bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 chính là bản tuyên ngôn độc lập thứ ba ra đời trong thời đại mới. Với thế giới, đó là thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển của tư bản chủ nghĩa, còn với dân tộc ta đó là thời đại Hồ Chí Minh.

 

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập là những lời lẽ hào sảng, hùng hồn, đầy khí phách: “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn những câu đó trong bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cuộc cách mạng Pháp năm 1789 để dẫn chứng xác đáng về quyền được hưởng bình đẳng, tự do, dân chủ cùng với các quyền lợi chân chính khác của người Việt Nam. Như vậy cũng có nghĩa là: cho dù Pháp, Mỹ là những nước lớn, văn minh, hiện đại hay Việt Nam là nước nhỏ, còn ở trình độ phát triển lạc hậu thì con người ở các nước đó đều bình đẳng, bình quyền như nhau. Đó là điều hiển nhiên vì “tạo hóa” khi sinh ra con người đã cho họ cái quyền “bất khả xâm phạm” là “quyền được sống” và “quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người Việt Nam đâu có khác gì người Mỹ, người Pháp hay người của bất cứ quốc gia, châu lục nào trên thế giới.

 

Sau khi tố cáo tội ác tày trời của thực dân, phong kiến bạo tàn đã gây ra cho dân tộc ta suốt hơn 80 năm, Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Độc lập, tự do không chỉ là ước mơ, khát vọng ngàn đời mà đó còn là thành quả tốt đẹp sau biết bao nỗ lực đấu tranh gian khổ, hy sinh mà nhân dân lao động Việt Nam mới giành lại được. Trước đó, Lý Thường Kiệt đã viết: “Nam quốc sơn hà nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, nghĩa là: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời”. Còn Nguyễn Trãi với những câu mở đầu trong Bình Ngô đại cáo: “...Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác/Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương/Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt thời nào cũng có”. Những câu thơ, lời phú dù vang lên trầm hùng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (nay là sông Cầu, thuộc làng Như Nguyệt, tỉnh Bắc Ninh) uy hiếp tinh thần quân xâm lược Tống hay trước sự hoảng loạn, rã rời của giặc Minh đều có nội dung khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên hai phương diện: bờ cõi, quyền lực của vua được ghi trong “sách trời” - lực lượng siêu nhiên thần bí cùng với tên nước, nền văn hiến, phong tục, triều đại, anh hùng, hào kiệt... sánh ngang với Trung Hoa. So sánh bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 với hai bản tuyên ngôn độc lập của các vị tiền bối, chúng ta thấy rõ bước phát triển mới mang đậm tính sáng tạo, dân chủ, nhân văn và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng trong tư tưởng chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu tư tưởng “trung quân ái quốc”, “phò vua cứu nước”, đánh giặc là để giành lại giang sơn xã tắc và quyền lực chủ yếu cho người đứng đầu đất nước là vua hiện hữu trong hai bản tuyên ngôn trước đó thì trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đặt lên hàng đầu việc đấu tranh giành độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ là để cho toàn dân tộc, mưu lợi ích cho tuyệt đại đa số. Đó cũng chính là sự tiếp thu, vận dụng hợp lý các quan điểm chính trị trong “Tuyên ngôn của đảng cộng sản” của C.Mác - F.Ăng-ghen và “Cương lĩnh dân tộc” (trong đó có “Quyền dân tộc tự quyết”) của V.I.Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

 

 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu.

 

Đến đây, từ vấn đề nhân quyền (quyền con người), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển sang nói về quyền dân tộc. Người Việt Nam phải được hưởng tự do, độc lập, được sống và mưu cầu hạnh phúc; dân tộc Việt Nam phải được hưởng độc lập, hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ. Đó là quy luật, là đạo lý và lẽ đương nhiên mà không ai có thể phủ nhận hay đang tâm tước đi. Cũng nói về lòng yêu nước, căm thù giặc đã trở thành truyền thống vĩnh cửu của dân tộc Việt Nam, Bác Hồ đã từng nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước” và: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

 

Tiếp theo đó, với lời lẽ chắc nịch, cương quyết, dứt khoát, Bác đã tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập”. Chắc hẳn, chỉ những ai được sống và chứng kiến thời khắc lịch sử ấy mới cảm nhận hết được niềm sung sướng khi nghe những lời tuyên ngôn tuyệt diệu ấy. Từ đây, thực dân Pháp đừng bao giờ coi Việt Nam là nước “nhược tiểu” dưới quyền “bảo hộ” của chúng nữa. Tư cách và vị thế của đất nước Việt Nam với chính phủ mới, nhà nước mới được xác lập. Một kỷ nguyên mới, một trang sử mới đã mở ra cho dân tộc ta, để người dân Việt Nam từ kiếp ngựa trâu, tôi đòi, nô lệ đã vươn lên làm chủ xã hội. Còn gì hạnh phúc hơn!

 

Lời kết của bản Tuyên ngôn Độc lập cũng chính là lời tuyên thệ hào hùng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cả dân tộc tuyên bố: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Phải chăng, đó cũng còn là niềm hy vọng, gắng sức, tin tưởng, là lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các thế hệ người Việt Nam trong suốt 71 năm qua và mãi mãi mai sau?

 

Hàng năm, cứ vào dịp Quốc khánh, được nghe lại lời Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, chúng ta vừa thêm yêu mến, kính trọng, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của dân tộc, vừa tin tưởng, tự hào về đất nước và con người Việt Nam chưa bao giờ nguội tắt tinh thần dân tộc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, mỗi người Việt Nam hãy tiếp tục thể hiện, phát huy đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực tinh thần dân tộc ở mọi lúc, mọi nơi, để bên cạnh việc quyết tâm giữ vững nền hòa bình, độc lập, tự do và chủ quyền lãnh thổ còn giúp xây dựng, phát triển mạnh mẽ, tiến bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội... của đất nước, “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” như tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra.

 

 

Ông Phạm Ngọc Thắng, 93 tuổi, lão thành cách mạng, 70 năm tuổi đảng, tổ 21, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình

 

Quê tôi ở xã Thụy Xuân, huyện Thụy Anh (nay là huyện Thái Thụy). Năm 1945, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, tôi cùng một số thanh niên tham gia đội tự vệ đỏ của xã, tập hợp quần chúng nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 20/8/1945, quần chúng cách mạng ở các làng, các tổng trong huyện Thụy Anh đã nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Không khí ngày 2/9/1945 ở huyện Thụy Anh cũng nhộn nhịp, rạo rực lắm, khắp các làng, các tổng rợp màu cờ đỏ, lòng người hân hoan. Ngày ấy không có các phương tiện truyền thông hiện đại như bây giờ nhưng thông tin về ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được mọi người truyền tai nhau lan đến từng gia đình từ mấy ngày trước. Đó là một ngày trọng đại, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc, nhân dân ta đã thoát khỏi kiếp sống lầm than, nô lệ, bắt đầu một cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Tôi thực sự thấy vinh dự và tự hào là người đảng viên trưởng thành trong giai đoạn đó cũng như được sống trong thời khắc lịch sử trọng đại của đất nước.

 

Ông Ðinh Văn Ngân, 90 tuổi, thôn Phú Khu, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà

 

Nay dù tuổi đã cao, lớp thanh niên cùng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Duyên Hà (nay là huyện Hưng Hà) năm ấy nay không còn nhiều nữa nhưng với tôi ngày 2/9/1945 vẫn còn in đậm trong tâm trí. Đó là mốc son chói lọi trong trang sử hào hùng của dân tộc ta từ khi có Đảng lãnh đạo. Ngày 2/9/1945 ở xã Văn Lang cũng như nhiều làng quê khác ở huyện Duyên Hà vừa mới vực dậy sau trận lũ kinh hoàng làm vỡ đê Đìa (Hồng An). Dù khó khăn, nghèo đói, mất mùa nhưng từ người già đến trẻ nhỏ đều chất chứa niềm vui khôn tả. Ở xã tôi ngày đó mỗi nhà đã có một lá cờ đỏ sao vàng. Lá cờ ấy được xé nhỏ từ những lá cờ thần, vải nhiễu của nhân dân, may đơn sơ nhưng rực rỡ cả vùng. 71 năm từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có Đảng lãnh đạo, huyện Hưng Hà ngày nay đã và đang vững bước đi lên trên con đường đổi mới, là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Từ mùa thu Cách mạng Tháng Tám đến hôm nay chúng tôi luôn tự hào về mảnh đất Hưng Hà trung dũng, anh hùng.

 

Ông Trần Viết Bình, 94 tuổi, nguyên đội trưởng đội du kích xã Vạn Thắng (nay là xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ)

 

Bản thân tôi và những người may mắn được chứng kiến ngày Quốc khánh, tết Độc lập đầu tiên cảm thấy rất vinh dự, tự hào. Ngày 2/9/1945, già trẻ, gái trai trong làng, trong xã đều ra đường khua chiêng gõ trống đi cổ động khắp các nẻo đường, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm”... để mừng độc lập. Sau đó, mọi người tập trung tại đình làng Tài Giá  dự mít tinh, ai nấy đều cảm thấy hừng hực khí thế, niềm tự hào dân tộc trào dâng. Mọi người đứng nghiêm nghe cán bộ huyện thông báo tình hình trong nước, đặc biệt từ ngày 19/8 đến ngày 2/9/1945. Không trực tiếp được nghe giọng đọc và nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ nhưng chúng tôi đã truyền miệng cho nhau nghe những thông tin biết được về sự kiện khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Nhớ lại thời khắc được là người dân của đất nước độc lập, tự do, mọi người đều phấn khởi, reo hò, nhiều người ôm nhau khóc trong niềm vui mừng, xúc động. Mỗi khi xem những bộ phim tư liệu về ngày 2/9/1945, tôi vẫn không sao quên được cảm xúc đó, cứ như mới ngày hôm qua vậy.

 

Ông Ðinh Hữu Sỹ, 87 tuổi, thôn An Cơ Nam, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương

 

Ngày ấy quê tôi nghèo khổ vô cùng, nhiều gia đình không vượt qua được nạn đói, chết cả nhà trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Khi được tin Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, cán bộ và nhân dân quê tôi, già trẻ, gái trai đều vỡ hòa trong niềm hạnh phúc. Tất cả dân làng đều đổ ra đình làng mít tinh, giương cao cờ Tổ quốc, ảnh chân dung Bác Hồ và hô vang khẩu hiệu “Nước Việt Nam độc lập muôn năm”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”. Các em thiếu niên lúc bấy giờ đánh trống và đi cổ động, báo tin cho nhân dân khắp làng trên, xóm dưới. Rất nhiều người đã rưng rưng nước mắt trong buổi mít tinh hôm đó vì xúc động, ơn Đảng, ơn Bác Hồ đã giải phóng cho dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân, phong kiến, cởi trói cho nhân dân không còn phải sống đời nô lệ, bị áp bức, bóc lột, được làm người tự do của một nước độc lập, tự do.

 

Bà Nguyễn Thị Thoi, 95 tuổi, thôn Văn Lãng, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư

 

Không riêng tôi, trước năm Ất Dậu (1945), cả làng tôi hầu như ai cũng mù chữ, không biết đọc, không biết viết. Vì vậy, dù các biểu ngữ cổ động Cách mạng Tháng Tám thành công và ngày Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập treo đầy đường nhưng chẳng ai đọc được để biết. Chỉ khi được nghe cán bộ cách mạng trên huyện về nói chuyện, thông tin ở đình, nhân dân chúng tôi mới biết. Bà con kéo nhau đi cổ động, mít tinh rất đông, kín cả sân đình và tràn cả ra đường. Lòng ai cũng lâng lâng, cứ nghĩ đây chỉ là giấc mơ bởi suốt một thời gian dài người dân sống kiếp lầm than, nô lệ, bị bóc lột đến cùng cực, đỉnh điểm là nạn đói năm 1945, giờ được làm người tự do, có quyền được sống, được học tập và hưởng thành quả lao động của mình ai cũng trào dâng niềm hạnh phúc vô bờ. Chị em phụ nữ hồi ấy hào hứng đi cổ động, nhiều người đang làm ở trên đồng, tay cầm liềm, vai vác cuốc vẫn tham gia mít tinh, nghe cán bộ thông tin Cụ Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày nay, cuộc sống người dân đã sung sướng gấp trăm lần so với trước, thế hệ chúng tôi và con cháu luôn ơn Đảng, ơn Bác Hồ đã mang lại hạnh phúc, ấm no, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nguyện suốt đời đi theo con đường Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

 

Nhóm phóng viên

Hồng Thuận

(Trường Chính trị tỉnh)

  • Từ khóa