Thứ 4, 24/04/2024, 23:51[GMT+7]

Khởi sắc quê hương cách mạng

Thứ 2, 14/08/2017 | 09:37:39
1,760 lượt xem
Về Hồng Châu ( Đông Hưng) vào những ngày tháng 8, chúng tôi thấy mảnh đất anh hùng sau 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và 62 năm thành lập đang khoác lên mình màu áo mới đẹp tươi của sự no ấm, đủ đầy.

Chùa Quán Xá, di tích lịch sử cách mạng được đầu tư tôn tạo.

Sự ra đời và hoạt động của Chi bộ đảng Thần Duyên (năm 1929) đã khuấy động phong trào cách mạng ở nhiều xã phát triển mạnh mẽ trong đó có Hồng Châu. Nơi đây sớm hình thành cơ sở hoạt động cách mạng bí mật ở chùa Quán Xá. Dưới ngọn cờ của Đảng, nhân dân Hồng Châu đã đoàn kết một lòng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đứng lên cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 giành chính quyền. 

Những dấu son lịch sử gắn với tên đất, tên làng không chỉ được ghi trong Lịch sử Đảng bộ huyện, xã mà còn được lưu truyền, phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác, tô thắm thêm truyền thống cách mạng của xã nhà. Điển hình như cây đa đầu làng Quán Xá, bến phà Rống - nơi những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới giục giã già trẻ, gái trai tham gia cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 tại chợ Khô (Hoa Lư) đòi giảm thuế, miễn sưu, đòi tự do đi lại, đòi cơm áo cho người lao động hay cuộc bãi thị đòi bỏ thuế ở chợ Bơn (Hồng Châu năm 1939); cuộc đấu tranh đòi chia lại vé sợi cho người nghèo có nghề dệt vải năm 1941; cuộc đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, giảm phụ thu của Đội thanh niên phản đế làng Bơn… 

Đỉnh cao là ngày 19/8/1945, hòa trong không khí cách mạng của tỉnh, của huyện, quần chúng cách mạng Hồng Châu dưới sự lãnh đạo của Việt Minh cùng với thôn Nguyên Lâm (Kim Bôi, Hoa Lư), từ người già, trẻ nhỏ, trai gái tập trung ở cây đa chợ Khô Nguyên Lâm hòa với lực lượng khởi nghĩa của Quỳnh Côi tiến về bao vây phủ Tiên Hưng. 

Cụ Nguyễn Văn Hạ, thôn Cộng Hòa cho biết: Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân Hồng Châu thực sự được hưởng quyền độc lập, tự do, thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than, phấn khởi đoàn kết một lòng theo Đảng, thi đua học chữ, lao động sản xuất diệt giặc đói, giặc dốt, xây dựng cuộc sống mới và tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở địa phương.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hồng Châu có hơn 1.000 người tham gia chiến đấu, có 180 liệt sĩ, đóng góp hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm cho chiến trường. Ghi nhận những công lao đó, Đảng bộ và nhân dân Hồng Châu đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và hàng trăm huy chương, bằng khen; 19 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chùa Quán Xá được cấp bằng di tích cơ sở cách mạng...

 Anh Nguyễn Khắc Hải, cán bộ văn hóa xã Hồng Châu cho biết: 72 năm đã trôi qua, dấu ấn lịch sử xưa đã ghi tạc trong tâm khảm của mỗi người dân Hồng Châu, truyền lại cho thế hệ con cháu, nhắc nhở họ trân trọng những thời khắc lịch sử của làng, xã, tiếp tục phấn đấu, phát huy truyền thống cách mạng xây dựng quê hương Hồng Châu ngày càng giàu đẹp.

Làng nghề mây tre đan truyền thống của xã được duy trì, phát triển.

Trong công cuộc đổi mới, nhân dân Hồng Châu luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo cho bộ mặt nông thôn từng ngày khởi sắc. 

Ông Nguyễn Duy An, Chủ tịch UBND xã Hồng Châu cho biết: Xã đã quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung, chuyển đổi gần 30ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả thành vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng cây có giá trị hơn trồng lúa như táo, ổi, mít, thanh long, cây dược liệu… Vận động nhân dân mở rộng trên 100ha trồng cây vụ đông và rau màu hè thu, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp lên gần 80 tỷ đồng, chiếm 30% tổng giá trị sản xuất. Đảng bộ, chính quyền xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển các nghề thủ công truyền thống, duy trì hiệu quả 2 làng nghề sản xuất mây tre đan ở thôn Quán Xá, thu hút trên 300 hộ tham gia; đồng thời du nhập, phát triển hơn 20 nghề khác về xã, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Xã cũng đã thu hút Công ty May V.JONE về địa phương hoạt động, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động, trong đó lao động địa phương là hơn 400 người. Đến nay, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã đạt trên 120 tỷ đồng, chiếm 49% tổng giá trị sản xuất. Thương mại, dịch vụ từng bước phát triển, đạt trên 53 tỷ đồng. An ninh trật tự được giữ vững, 13 năm liên tục xã không có ma túy. Thu nhập bình quân đạt trên 32 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm dưới 3%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động nguồn lực lớn bê tông hóa 100% đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với tổng chiều dài gần 17,7km; xây mới 1 trạm bơm, 7km kênh mương, 4.200 bi cống bảo đảm tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất. Xây mới chợ, trạm y tế, 2 nhà văn hóa thôn, 6 sân thể thao thôn, đầu tư xây dựng lại đình, chùa Quán Xá... Với sự đồng thuận cao, đóng góp sức người, sức của của cán bộ, nhân dân toàn xã, năm 2014 Hồng Châu đã được UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới.

Hồng Châu sẽ còn khởi sắc hơn nữa bởi xã đang cùng các xã lân cận quy hoạch đất xây dựng cụm công nghiệp Hồng Châu với diện tích 21ha để thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất; xây dựng ở mỗi thôn 1 cánh đồng lớn cấy giống lúa chất lượng cao; duy trì, giữ vững các làng nghề truyền thống; giữ gìn, phát huy, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới…

Đỗ Hiền