Thứ 6, 29/03/2024, 14:05[GMT+7]

Vang mãi tiếng trống Sơn Đồng

Thứ 4, 16/08/2017 | 08:33:56
6,666 lượt xem
Người dân Quỳnh Phụ vẫn nhắc về quê hương “Tiếng trống Sơn Đồng” vang dội gần 70 năm về trước. Mảnh đất anh hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giờ đây đang từng ngày đổi mới, thế hệ hôm nay đã kế tục xứng đáng truyền thống của lớp cha anh.

Giáo dục truyền thống tại nơi phát đi tiếng trống Sơn Đồng.

Sơn Đồng có diện tích và dân số đông nhất so với 5 thôn còn lại của xã Quỳnh Giao. Không chỉ vậy, Sơn Đồng cũng là thôn đóng góp nhiều sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc. 

Kết thúc chiến tranh, xã Quỳnh Giao có 198 liệt sĩ thì thôn Sơn Đồng có 63 liệt sĩ, 7/21 mẹ Việt Nam anh hùng. Đây cũng là cơ sở cách mạng nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp, tiếng trống Sơn Đồng đã bao phen làm kẻ thù khiếp sợ.

Thôn Sơn Đồng hôm nay.

Theo tư liệu ghi lại trong các cuốn lịch sử Đảng bộ xã Quỳnh Giao, trong kháng chiến chống Pháp, Quỳnh Giao là cơ sở cách mạng nằm giữa vòng vây của địch. 

Giai đoạn 1945 - 1949, lực lượng du kích của xã Quỳnh Giao nói chung, thôn Sơn Đồng nói riêng được tỉnh, huyện đánh giá là mạnh, trở thành nỗi ám ảnh của thực dân Pháp và tay sai. Địa phương đã xây dựng nhiều làng kháng chiến kiểu mẫu, là cơ sở để phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm lan tỏa ra các vùng lân cận. 

Trong giai đoạn 1949 - 1953, xã Quỳnh Giao đã tổ chức hàng chục trận chống càn, tiêu biểu là trận chống càn của dân quân, du kích và nhân dân thôn Sơn Đồng vào ngày 21/6/1950, đã đánh bại trung đội bảo an của địch có trang bị vũ khí hiện đại, tiêu diệt 8 tên, làm bị thương 20 tên, thu 9 khẩu súng trường cùng 200 viên đạn. Đây là trận đánh tiêu biểu, táo bạo, dũng cảm và mưu lược của nhân dân Sơn Đồng. “Tiếng trống Sơn Đồng” ra đời từ đây, là hiệu lệnh mở màn cho phong trào phá tề, diệt ác, trừ gian của nhân dân huyện Quỳnh Côi và tỉnh Thái Bình.

Ông Nguyễn Viết Lên, Trưởng thôn Sơn Đồng tự hào chia sẻ: Phát huy truyền thống cách mạng của miền quê nổi tiếng với 12 tiểu đội dân quân, hơn 60 du kích và các cụ bạch đầu quân xung phong chiến đấu, bám đất, giữ làng, Sơn Đồng đã trỗi dậy từ nghèo khó. Những chiến công của thế hệ cha anh vẫn luôn là bài học quý, là ngọn đèn soi rọi cho mỗi người con Sơn Đồng tiếp nối. Nhiều năm liền, Chi bộ Sơn Đồng luôn đạt trong sạch, vững mạnh và cũng là thôn 10 năm liên tục không có tệ nạn ma túy. Cùng với các thôn, Sơn Đồng đã đóng góp tích cực vào thành tích chung của xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.  

Nông dân xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) thu hoạch cây màu. Ảnh: Trịnh Cường 

Quỳnh Giao hôm nay, thay cho những tháng ngày gian lao là hình ảnh xã nông thôn mới với cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, khang trang. Hòa nhịp cùng sự phát triển của cả nước, xã đã phát huy nội lực, hội đủ mọi yếu tố xây dựng thành công nông thôn mới. Điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư xây dựng, đi vào phục vụ đời sống nhân dân. Nhiều công trình phúc lợi, công trình sự nghiệp được xây dựng từ nguồn xã hội hóa là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất và sự đồng thuận của nhân dân địa phương. Tổng giá trị sản xuất năm 2016 của xã đạt 158,2 tỷ đồng. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 33,6 triệu đồng. Cán đích nông thôn mới cuối năm 2014, Quỳnh Giao không còn nợ đọng sau xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Đình Thiệu, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Giao cho biết: Bám sát và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể và quần chúng nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa Đảng với dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là bài học thực tiễn để cán bộ, đảng viên và nhân dân Quỳnh Giao phát huy trong giai đoạn mới.


Ông Hoàng Hữu Tiên, đảng viên 70 năm tuổi đảng, nguyên du kích thôn Sơn Đồng, xã Quỳnh Giao


Tôi không bao giờ quên được những ký ức cùng Đội du kích Sơn Đồng chiến đấu trong những năm tháng chống Pháp. “Tiếng trống Sơn Đồng” không chỉ là dấu son ghi lại một trận đánh lịch sử mà đó còn biểu tượng như lời thúc giục, vang dội, làm thức tỉnh lòng quả cảm của mỗi người dân Thái Bình, quyết hy sinh để giữ từng thước đất ông cha. Nguyện vọng của tôi cũng như nhiều người dân thôn Sơn Đồng mong muốn Đảng, Nhà nước ghi danh bằng hình thức nào đó để lớp lớp con cháu Sơn Đồng mai sau biết về thành tích của thế hệ đi trước.


Ông Phạm Tiến Chuyển, Phó ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Quỳnh Giao


Hòa bình về với quê hương cũng là khi đất mẹ Quỳnh Giao mãi ru trong lòng 198 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh. Sau kháng chiến, toàn xã có 92 thương binh, bệnh binh, 51 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/Điôxin. Với những đóng góp đó, Đảng bộ, nhân dân Quỳnh Giao được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 huân chương chiến công, huân chương quân công và 1 huân chương kháng chiến; 873 người được tặng huân chương, huy chương các loại. Năm 2004, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang xã Quỳnh Giao được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp. Đây là nguồn động lực để Quỳnh Giao quyết tâm xây dựng địa phương ngày càng phát triển trong thời kỳ mới.


Em Đoàn Thị Vân Chi, học sinh lớp 11 Trường THPT Quỳnh Côi

Truyền thống cách mạng của quê hương Sơn Đồng luôn được các thế hệ đi trước giáo dục, dạy dỗ chúng em không chỉ trong nhà trường mà qua những câu chuyện về một thời đấu tranh kiên cường của các cụ cao niên trong thôn. Bản thân em chỉ biết ra sức thi đua học tập, lao động sáng tạo để trở thành người có ích cho xã hội, góp sức xây dựng quê hương, đất nước để đền đáp xứng đáng sự hy sinh của lớp cha anh cho đất nước bình yên, nhân dân ấm no, hạnh phúc.


Tất Đạt