Thứ 5, 25/04/2024, 23:35[GMT+7]

Gia đình hạnh phúc niềm mong mỏi của mỗi người

Thứ 2, 19/06/2017 | 09:06:21
629 lượt xem
Để gia đình luôn là bến bờ bình yên cho mỗi người trở về sau bao mỏi mệt, lo toan từ cuộc sống thường ngày thì không chỉ cần đến cố gắng, nỗ lực từ mỗi cá nhân mà còn cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Cùng chơi nhạc giúp các thế hệ trong gia đình thêm hiểu và yêu thương nhau.

Tháng 6 - tháng hành động quốc gia vì hạnh phúc gia đình với chủ đề “Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình”. Vậy nhưng, liên tiếp thông tin về những vụ việc đau lòng đã xảy ra khiến không ít người bàng hoàng bởi dường như những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đang dần bị đe dọa vì cuộc sống hiện đại nhiều cạm bẫy. Bởi vậy, để gia đình luôn là bến bờ bình yên cho mỗi người trở về sau bao mỏi mệt, lo toan từ cuộc sống thường ngày thì không chỉ cần đến cố gắng, nỗ lực từ mỗi cá nhân mà còn cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Niềm hạnh phúc giản đơn

Về họ giáo Lộc Trung, xã Nam Hưng (Tiền Hải), chúng tôi có dịp gặp gỡ ông Vũ Văn Hạ, một người làm cây cảnh có tiếng đã từ nhiều năm qua. Công việc nhà nông vất vả đã khiến đôi bàn tay chai sạn, làn da sạm màu sương gió. Nhưng chính từ đôi bàn tay ấy đã tạo nên nhiều tác phẩm cây nghệ thuật tuyệt đẹp, có những cây khi đã được ông tạo hình, uốn nắn, có giá lên tới hàng chục triệu đồng.

Vậy nhưng, điều mà ông Hạ luôn hãnh diện, tự hào không phải những tác phẩm cây nghệ thuật kỳ công mà chính là những người con. Công việc nhà nông tảo tần sớm hôm, tự nhận mình là người ít được học hành nhưng ông luôn vun vén, nỗ lực cố gắng để các con được ăn học đầy đủ. Sinh ra, lớn lên từ một vùng quê nghèo khó, những người con của ông nay đều là những công dân tốt, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Ông Hạ tâm sự rằng: Họ giáo Lộc Trung có 120 hộ thì trong số đó gia đình văn hóa chiếm 80% và các con trong từng gia đình đều được ăn học từ trung cấp cho tới đại học tương đối khá, có công ăn việc làm ổn định, giúp ích rất nhiều cho gia đình cũng như cho xã hội.

Đặc thù là xã vùng biển, Nam Hưng có nhiều ngư dân vươn khơi bám biển, làm nghề nuôi trồng thủy hải sản. Cuộc sống nhiều khó khăn nhưng là người cha, người mẹ, họ luôn dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho các con. Như bao ngư dân tảo tần, kiên trung bám trụ trên mảnh đất nhiều sóng gió, ông Trần Hồng Sắc, xã Nam Hưng vẫn luôn nỗ lực từng ngày bởi với ông, những bằng khen, giấy khen của các con đã là sự ghi nhận, an ủi, đền đáp cho bao khó khăn, nhọc nhằn. Ông Sắc chia sẻ: Nghề sông nước rất vất vả. May mắn là chia sẻ sự vất vả này, đằng sau mình là người vợ. Nếu thiếu vai trò của người vợ thì mình có làm gì cũng không làm được. Mình học hỏi những thế hệ đi trước, thấy điều gì chưa được là tự gia đình mình uốn nắn kịp thời. Các con hàng ngày thấy bố mẹ phấn đấu làm kinh tế, ứng xử trong gia đình, thôn xóm bởi vậy mà cũng học tập theo.

Hạnh phúc gia đình cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội

Gia đình anh Phan Chí Thanh ở xã Đông Lâm (Tiền Hải) là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương. Hai vợ chồng đều làm nghề nông, cuộc sống nhiều lam lũ, vất vả. Vì có hai con gái nên trước đây, vợ chồng anh cũng có ý định sinh thêm con trai theo quan niệm “nối dõi tông đường”. Nhưng từ ngày được các thành viên trong Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Lâm khuyến khích, động viên dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt, anh chị đều xác định điều quan trọng là xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Nghề phụ lắp ráp linh kiện điện tử không chỉ giúp có thêm nguồn thu nhập mà còn kết nối các thành viên trong gia đình anh Thanh.

Đến nay, hai con đều là niềm tự hào lớn của vợ chồng anh Thanh bởi trong khi con gái lớn đạt được học bổng và đang du học tại Nhật Bản thì cô con gái nhỏ cũng nhiều năm liền là học sinh giỏi. Ngoài nghề nông thì những khi rảnh rỗi, gia đình anh chị lại cùng làm thêm nghề phụ lắp ráp linh kiện điện tử để có thêm nguồn thu nhập trong gia đình. Bởi tình yêu thương, tinh thần đồng lòng giữa các thành viên mà căn nhà nhỏ tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười.

Trong những năm qua, xác định bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nạn bạo lực gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Lâm không chỉ tích cực vận động các gia đình trong toàn xã xây dựng mô hình gia đình ít con, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc mà còn thường xuyên tổ chức những buổi thảo luận với ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các hội viên. Đến nay, trong toàn xã không còn tình trạng bạo lực gia đình. Không những vậy, các hộ gia đình đều tích cực tham gia vào phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững và thực hiện nếp sống văn hóa, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Mịn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Lâm chia sẻ: Năm 2016, trên địa bàn xã có 3 vụ bạo lực gia đình xảy ra. Nhưng đến nay, tâm lý xem bạo lực gia đình là “chuyện nội bộ” đã không còn nữa, vì vậy, những tin báo, tố giác hành vi, vụ việc gia đình ngày càng kịp thời hơn, giúp tăng hiệu quả công tác phòng, chống nạn bạo lực gia đình. Với tổng cộng hơn 250 thành viên, 5 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc trong xã được duy trì sinh hoạt đều đặn với các vấn đề liên quan đến đời sống gia đình và xã hội, đặc biệt, hoạt động hòa giải bất hòa trong hôn nhân được quan tâm chú trọng.

Trong bao lo toan, vất vả vì cuộc sống mưu sinh, gia đình hiện đại dù có thay đổi để phù hợp hơn với nhịp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vẫn luôn là điểm tựa, là nguồn động lực lớn lao để mỗi người trở về khi đã “lưng chùng gối mỏi”. Gia đình là tế bào của xã hội, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt”. Chính vì vậy, duy trì hạnh phúc gia đình không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn cần đến sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Có nhận định cho rằng, bạo lực gia đình là việc riêng của mỗi gia đình. Quan điểm này hoàn toàn không đúng vì gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, chống lại tệ nạn xã hội. Vì vậy, chăm lo xây dựng, phát triển gia đình trước hết là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.


(Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)


Anh Tú

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày