Thứ 6, 19/04/2024, 14:49[GMT+7]

Những “nhà báo làng” tâm huyết

Thứ 3, 20/06/2017 | 08:34:53
1,172 lượt xem
Không có thẻ nhà báo, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, chế độ đãi ngộ hạn chế nhưng những người làm công tác truyền thanh cơ sở vẫn luôn thầm lặng truyền tải thông tin hữu ích đến nhân dân. Họ được ví như những “nhà báo làng”, tâm huyết với việc làm báo không chuyên.

Sản xuất chương trình tại Đài Truyền thanh xã Vũ Tiến (Vũ Thư).

Từ nhà báo “4 trong 1”...

Ngoài vai trò Bí thư Chi bộ thôn Thanh Bản II, 13 năm nay, chị Tô Thị Hiển (sinh năm 1983) còn gắn bó với công việc tại Đài Truyền thanh xã Xuân Hòa (Vũ Thư). Đài Truyền thanh xã hiện có 3 người, trong đó anh Sơn phụ trách sửa chữa máy móc, trang thiết bị, còn lại hầu hết mọi việc từ viết tin, bài, biên tập, sản xuất chương trình, trực phát sóng đều do chị Hiển và chị Phương thực hiện. Do Đài phải tiếp âm và phát sóng 2 lượt/ngày nên để thuận lợi cho công việc, chị Phương đảm nhận việc trực, tiếp âm, phát sóng, sản xuất các chương trình buổi sáng còn chị Hiển thực hiện các phần việc buổi chiều. 

Chị Hiển chia sẻ, dù ngày mưa hay nắng, lúc nông nhàn hay ngày mùa bận rộn, hàng ngày, cứ 16 giờ 45 phút chị đã có mặt ở Đài Truyền thanh xã để mở máy, trực tiếp âm chương trình đài trung ương, tỉnh, huyện và phát sóng chương trình đài xã. 

Chị Hiển trở thành “nhà báo” đa năng, vừa là phóng viên viết tin, bài phục vụ chương trình phát sóng vừa là biên tập viên, phát thanh viên kiêm kỹ thuật viên. Không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, mỗi tin, bài phản ánh hoạt động của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể, tình hình an ninh trật tự ở các thôn, xóm trong xã… với chị Hiển đều là một thử thách lớn, nhiều khi chị phải viết đi viết lại mới hoàn thành một tin, bài ưng ý. Khó khăn hơn cả là mỗi buổi chiều tối, trong khi hầu hết chị em phụ nữ bận bịu, hạnh phúc với công việc bếp núc, chăm sóc gia đình thì chị Hiển lại một mình cần mẫn với công việc trực phát sóng chương trình. Chồng và hai con thơ của chị ít nhiều cũng chịu thiệt thòi vì công việc “nhà báo làng” của chị.

Đã 5 năm nay, đều đặn từ 4 giờ 30 phút sáng, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ thì ông Trần Công Lý, Trưởng đài Truyền thanh xã Vũ Tiến (Vũ Thư) đã thức dậy, rời khỏi nhà để đến trụ sở của Đài chuẩn bị trực máy. 

“Nếu các cơ quan báo chí chuyên nghiệp có các bộ phận chuyên môn rõ ràng thì tại đài truyền thanh cơ sở, mỗi cán bộ, nhân viên đều phải kiêm nhiệm nhiều việc, từ mảng nội dung đến các khâu kỹ thuật, việc gì cũng phải rành. Trước kia, khi mới làm ở đài xã tôi không biết cách đọc, cách dẫn chương trình phát thanh, phải vận động một cô giáo truyền đạt, rèn lâu mới đọc được; viết tin, bài thường rất dài dòng, nhiều lượt tôi phải nhờ các phóng viên của đài huyện, đài tỉnh hướng dẫn mới đạt yêu cầu. Hiện tôi đã gần 70 tuổi nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất chương trình phát thanh không dễ dàng nhưng nhờ tích cực học hỏi và có sự hỗ trợ chuyên môn của đài huyện nên đến nay tôi có thể sử dụng thành thạo máy vi tính để sản xuất chương trình. Nhân lực thiếu, kinh phí ít ỏi nên không riêng tôi mà hầu hết cán bộ đài truyền thanh cơ sở đều phải học hỏi để có thể đa năng, kiêm nhiệm nhiều việc, “làm báo” ở quê là phải vậy” - ông Lý chia sẻ.

...đến “phóng viên - thôn trưởng”

Được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn La Trạng, xã Vũ Tiến từ năm 2003, 14 năm nay, ông Hoàng Văn Khoái kiêm luôn vai trò một “nhà báo làng”. 

Ông Khoái cho biết, hiện nay, việc họp dân ở nhà văn hóa thôn rất khó khăn do bà con bận mải lao động sản xuất, vì vậy, muốn triển khai các chủ trương, chính sách, chỉ đạo các nhiệm vụ của thôn, ông Khoái phải nhờ đến chiếc loa tuyên truyền di động. 

Mỗi dịp cần thông báo, tuyên truyền, ông Khoái lại lọ mọ vác cuộn dây điện, bộ loa, âm ly lên nóc nhà để đọc trực tiếp các văn bản, bài viết. Địa bàn thôn rộng, dân cư rải rác, vì vậy, cứ cách 100m ông lại di chuyển sang một hộ dân khác để đặt loa và tuyên truyền lại từ đầu, phải di chuyển đến 3 - 4 điểm mới bao phủ được hết thôn. Tuy vất vả là vậy nhưng mỗi lần người dân tiếp nhận được những thông tin sát thực, hữu ích như thời vụ sản xuất, chủ trương thu quỹ đóng góp, ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện…, ông Khoái rất phấn khởi. Đặc biệt, không chỉ truyền tải các văn bản, ông Khoái còn trực tiếp nắm bắt tình hình trên địa bàn thôn để viết tin, bài, thơ ca, hò vè tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân, trồng cây màu vụ hè… Nhờ tâm huyết, sự say mê của ông “phóng viên thôn trưởng”, các chương trình truyền thanh của thôn La Trạng sôi nổi và phong phú, thu hút nhân dân đón nghe, hưởng ứng thực hiện.

Nhân viên Đài Truyền thanh thị trấn Vũ Thư kiểm tra, sửa chữa thiết bị thu phát tín hiệu.

Và những nỗi niềm...

Gần 20 năm công tác tại đài truyền thanh xã, ông Phạm Hồng Quang, Trưởng đài Truyền thanh xã Duy Nhất (Vũ Thư) chia sẻ: Công việc của cán bộ đài truyền thanh cơ sở rất vất vả, phải kiêm nhiệm nhiều việc, dành nhiều thời gian, tâm huyết trong khi chế độ phụ cấp eo hẹp nên lớp trẻ ít người chịu gắn bó với đài xã. Đến nay, hầu hết cán bộ, nhân viên của đài cơ sở ở các địa phương đều có tuổi đời ngoài 50, 60. 

Bản thân ông Quang tuy đã gần 70 tuổi nhưng vẫn phải cố gắng đảm nhận công việc vì không tìm được người thay thế. Ông bảo, nếu không phải là người kiên trì, đam mê với nghề thì không thể gắn bó được vì chỉ cần vài hôm đi trực phát sóng buổi sáng gặp thời tiết rét, mưa phùn gió bấc đã đủ nản. Thậm chí khi bão gió, việc nhà ông phải bỏ lại để thường trực tiếp âm, phát sóng chương trình. Thời tiết mùa hè có ngày tới 40oC nhưng nếu có cụm loa nào hỏng, nhân viên đài xã phải sẵn sàng leo cột sửa chữa. Vất vả là thế nhưng phụ cấp của trưởng đài xã hiện nay chỉ hơn 800.000 đồng/người/tháng, ông Quang và hầu hết cán bộ đài truyền thanh xã gắn bó vì đam mê, trách nhiệm với công việc, nếu vì thu nhập thì hẳn không mấy người còn “trụ” lại.

Chị Tô Thị Hiển, cán bộ Đài Truyền thanh xã Xuân Hòa cho biết: Kinh phí hoạt động dành cho đài xã hàng năm rất eo hẹp, trang thiết bị thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của hệ thống truyền thanh. Ngay cả thiết bị tối thiểu là máy ghi âm phục vụ việc viết tin, bài, đài xã cũng phải tự trang bị, đầu tư nên rất khó khăn. Do chị Hiển đảm nhận vai trò bí thư chi bộ nên mức phụ cấp cho nhân viên đài xã của chị Hiển hiện chỉ có 400.000 đồng/tháng và được hỗ trợ 2/3 kinh phí mua bảo hiểm y tế, còn lại chưa có bảo hiểm xã hội. Không ít người ái ngại và khuyên chị từ bỏ công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” tại đài xã nhưng vì đam mê, trách nhiệm và có sự động viên, khích lệ tinh thần của lãnh đạo địa phương, chị Hiển đã gạt bỏ mọi thiệt thòi để làm tốt nhiệm vụ của mình.

Do điều kiện kinh phí của tỉnh, huyện và các địa phương còn khó khăn, việc đầu tư cho công tác tuyên truyền tại cơ sở còn hạn chế nên không riêng ông Quang, chị Hiển, ông Lý, ông Khoái mà 100% cán bộ đài truyền thanh cơ sở hoặc các “nhà báo làng” trên địa bàn tỉnh hiện nay đều có mức phụ cấp thấp, hoặc chưa có, đời sống nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng tình yêu, sự gắn bó với công việc và tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, các “nhà báo làng” vẫn âm thầm cống hiến, từng ngày truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng những thông tin thiết thực đến nhân dân, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày