Thứ 7, 20/04/2024, 08:21[GMT+7]

Bộ đội Biên phòng phối hợp trồng và bảo vệ rừng ngập mặn

Thứ 6, 08/09/2017 | 09:15:30
2,955 lượt xem
Thái Bình có 54km bờ biển thuộc hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải với khoảng 5.000ha rừng ngập mặn, có hàng trăm loài cây, chủ yếu là sú vẹt, trang, bần, phi lao...

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát biên phòng Sông Hóa, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền phối hợp cùng tổ bảo vệ rừng ngập mặn xã Thụy Trường (Thái Thụy) tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.

Trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng Thái Bình đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, các đơn vị đứng chân trên địa bàn tích cực trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, góp phần giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, bảo vệ đê sông, đê biển, bờ đập nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Thượng tá Tống Thanh Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền cho biết: Bộ đội Biên phòng Thái Bình luôn coi công tác bảo vệ và chăm sóc rừng ngập mặn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn với công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển. Đây cũng là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Thái Bình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân để bà con chung tay chăm sóc, bảo vệ rừng tốt hơn. Qua đó, giúp người dân sống ven đê biển, rừng ngập mặn ngày càng nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng phá rừng...

Năm 2017, các đơn vị Bộ đội Biên phòng trong tỉnh đã cử hơn 500 cán bộ, chiến sĩ cùng với người dân Thái Thụy trồng mới hơn 5.000 cây bần chua và cây trang tại xã Thụy Xuân (Thái Thụy); phối hợp tổ chức trồng hàng nghìn cây chắn sóng ven biển của huyện Tiền Hải. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng trong tỉnh còn chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ bảo vệ rừng và các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát định kỳ, đột xuất, ngăn chặn không để các đối tượng lợi dụng ra vào chặt phá rừng và các trường hợp cải tạo đầm vùng vi phạm về quản lý rừng, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới biển nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Theo ông Bùi Ngọc Hiện, Chủ tịch UBND xã Thụy Xuân (Thái Thụy): Xã được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 2,5km đê biển với trên 228ha rừng ngập mặn. Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, xã đã thành lập tổ bảo vệ chuyên trách phối hợp cùng các lực lượng đứng chân trên địa bàn như bộ đội biên phòng, công an... khi có vụ việc xảy ra thì phối hợp xử lý kịp thời. Đồng thời, tiếp tục triển khai việc trồng rừng ngập mặn, phối hợp tuyên truyền để mọi người cùng chung tay bảo vệ rừng. Trong thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện dự án phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, chương trình bảo tồn và phát triển khu vực đất ngập nước...

Khu vực đất ngập nước ven biển Thái Bình nói chung, vùng đất ngập nước Thái Thụy, Tiền Hải nói riêng đã và đang đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức được giá trị của đất ngập nước, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển vùng ven biển như: cứng hóa toàn bộ hệ thống đê biển, xây dựng khu vực ven biển thành trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội; dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác trồng và bảo vệ rừng ngập mặn..., từng bước góp phần chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, tạo điều kiện cho nhân dân các xã ven biển ổn định đời sống, sản xuất, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng ở các địa phương ven biển.

Văn Cương

(Bộ đội Biên phòng Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày