Thứ 6, 29/03/2024, 16:32[GMT+7]

Sản xuất rau mầm trên giá thể rơm rạ

Thứ 6, 28/07/2017 | 08:35:05
5,867 lượt xem
Trước nỗi lo của người dân về một số loại rau có sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích và tình trạng khói bụi, ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ sau mỗi vụ gặt, nhóm sinh viên: Nguyễn Việt Hà, Trần Kim Phượng, Vũ Xuân Tuấn, Trường Đại học Thái Bình đã nghiên cứu và cho ra đời dự án sản xuất rau mầm. Dự án không chỉ mở ra hướng sản xuất rau an toàn mà còn góp phần giải quyết phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân sau thu hoạch.

Rơm rạ trong quá trình tưới, ủ chế phẩm sinh học để tạo thành giá thể trồng rau.

Cô giáo Vũ Thị Vân, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Thái Bình, giáo viên hướng dẫn thực hiện dự án cho biết: Khi các em đưa ra ý tưởng, tôi nhận thấy đây là một dự án thiết thực, có tính ứng dụng cao. Vì thế, tôi đã định hướng cho các em nên tập trung vào sự khác biệt của dự án, tư vấn những vấn đề liên quan tới tài chính đồng thời liên hệ với các doanh nghiệp để các em có thêm kiến thức thực hiện.

Ban đầu, khi bắt tay vào thực hiện dự án, các thành viên trong nhóm dự định sử dụng mùn cưa làm giá thể trồng rau mầm. Tuy nhiên, lượng mùn cưa do các cơ sở sản xuất gỗ ở địa phương không nhiều. Nhằm tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu sẵn có, nhóm quyết định sử dụng chế phẩm sinh học do Trường Đại học Y Dược Thái Bình nghiên cứu để chuyển hóa rơm rạ thành phân bón hữu cơ làm giá thể chính trồng rau. Nhóm đã tiến hành trồng thử và thành công trên nhiều loại hạt như cải xanh, rau muống, hướng dương, đậu xanh, đậu Hà Lan, củ cải trắng...

Theo các thành viên trong nhóm, quy trình sản xuất rau mầm dễ thực hiện, thời gian canh tác ngắn, từ 5 - 7 ngày, sau khi trồng có thể cho thu hoạch. Rơm rạ sau khi thu gom được chất đống với chiều rộng khoảng 2m, cứ mỗi lớp 30cm tưới một lượt dung dịch chế phẩm, có thể bổ sung một số loại phân để tăng hàm lượng dinh dưỡng. 10 - 15 ngày sau tiến hành kiểm tra và đảo trộn. Sau 25 - 30 ngày rơm rạ phân hủy tốt thành phân ủ hữu cơ tiến hành sàng lọc những tạp chất còn trong đống ủ. Sau đó phơi khô giá thể, đóng bao cất vào kho sử dụng dần cho quá trình sản xuất. Chi phí cho giá thể trồng rau thấp và có thể tái sử dụng từ 2 - 4 lần.

Đối với hạt giống phải được ngâm ủ trước khi gieo, ngâm trong nước ấm từ 6 - 8 giờ, sau đó ủ trong khăn ẩm từ 10 - 12 giờ. Sau khi cho vào khay nhựa hoặc thùng xốp một lớp giá thể dày 3 - 4cm, dùng tay vò, thả nhẹ cho bằng phẳng, tưới nước cho ướt giá thể, lót lên bề mặt khay lớp khăn giấy mỏng thì tiến hành gieo hạt, tưới phun sương nhẹ và đậy kín khay nhằm mục đích giữ ẩm, giảm sự bốc hơi nước, kích thích nảy mầm nhanh hơn. Tùy từng loại rau có thể gieo mật độ sao cho phù hợp. Khoảng 12 - 18 giờ sau, giở giấy, tưới phun sương mặt khay từ 1 - 2 lần/ngày, không tưới vào buổi chiều. Sau 2 - 3 ngày hạt nảy mầm đều, chuyển khay ra nơi có nhiều ánh sáng hoặc nắng nhẹ, tránh ánh sáng và mưa trực tiếp. Từ 5 - 7 ngày, rau cao khoảng 8 - 12cm thì thu hoạch. Rau mầm thường có giá bán cao hơn những loại rau thông thường nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Với hiệu quả kinh tế, xã hội mang lại, dự án sản xuất rau mầm đã đạt giải nhì trong cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2016. Tuy nhiên, để có được thành công đó, các thành viên trong nhóm cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyễn Việt Hà chia sẻ: Lĩnh vực chuyên môn của chúng em là khối ngành kinh tế nên khi bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng gặp khó khăn về kỹ thuật sản xuất, cụ thể là việc sử dụng chế phẩm sinh học chuyển rơm rạ thành phân bón hữu cơ và cách sản xuất rau mầm. Những ngày đầu thực hiện, số lần trồng rau hỏng khá nhiều song có sự quan tâm và hỗ trợ từ phía câu lạc bộ khởi nghiệp, các thầy cô giáo trong trường cùng sự đoàn kết, niềm đam mê của các thành viên đã giúp nhóm vượt qua khó khăn.

Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất rau mầm, dự án còn cung cấp giá thể hữu cơ từ rơm rạ và chuyển giao công nghệ trồng rau cho các gia đình có nhu cầu. Trần Kim Phượng cho biết: Dự án đã chứng minh được hiệu quả về kinh tế, xã hội, sạch từ khâu sản xuất đến tiêu dùng nên được nhiều doanh nghiệp quan tâm và có gợi mở hướng đầu tư trong thời gian tới. Đây là tín hiệu vui cho các thành viên trong nhóm. Hy vọng, những sáng tạo khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ là bước đệm để các bạn trẻ vươn tới thành công trên con đường khởi nghiệp.

Hoàng Lanh

- 6 năm trước

hay đấy !

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày