Thứ 6, 29/03/2024, 15:48[GMT+7]

Cạm bẫy qua ứng dụng hẹn hò giữa Covid-19

Chủ nhật, 16/08/2020 | 14:02:25
1,623 lượt xem
Grace nghĩ sẽ sống trọn đời với Scott, người bà gặp trên trang hẹn hò OurTime, cho tới khi bà bị lừa 100.000 USD.

Nạn lừa đảo qua hẹn hò ngày càng tinh vi trong Covid-19. Ảnh: AFP.

Tin nhắn với những lời có cánh được gửi đến cho Grace gần như mỗi buổi sáng. Nếu bà không kịp trả lời, bạn trai Scott tỏ ra rất lo lắng.

Họ quen nhau trên OurTime, trang hẹn hò dành cho những người trên 50 tuổi. Bà đã nghỉ hưu và có cuộc sống trung lưu, chồng bà qua đời trước đó ba năm vì ung thư, trong khi ba người con đều đã có gia đình.

Trong khi đó, Scott là doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, đi xe Mercedes và sở hữu hai ngôi nhà ở Mỹ và Cuba. Ông là người giàu có và hứa sẽ chăm sóc Grace. Chỉ có một vấn đề là Scott đang kẹt tại thủ đô Havana của Cuba vì Covid-19 và không thể tiếp cận nguồn tiền của mình. Liệu Grace có thể giúp bạn trai mình không?

Grace đang yêu. Bà sẵn sàng làm mọi thứ cho bạn trai mới quen vài tháng. Bà tin mình đang dùng tiền của Scott và viết hàng loạt chi phiếu có giá trị lớn để trả cho hoạt động kinh doanh của bạn trai, thông qua một tài khoản thanh toán được Scott mở dưới tên bà. Toàn bộ số tiền được Scott chuyển vào tài khoản, Grace chỉ giúp ông sử dụng chúng.

Sau đó Grace bắt đầu nhận thông báo từ ngân hàng, cho biết các giao dịch chuyển khoản đã bị đảo ngược do có dấu hiệu lừa đảo. Bà phải chịu khoản nợ 100.000 USD từ các chi phiếu được bà ký. Tới khi Grace hiểu chuyện gì đang xảy ra, Scott đã biến mất hoàn toàn, hồ sơ trên mạng của người này cũng bị xóa sạch.

"Tôi giống như một con cừu non. Tôi không thể mô tả mình xấu hổ và nhục nhã đến như nào. Tôi cảm thấy quẫn trí vì đã mắc vào chuyện này", Grace cho hay.

Grace là một trong những nạn nhân của nạn lừa đảo tình cảm, mạng lưới dày đặc với những danh tính ảo, giao dịch chuyển khoản phi pháp và cơ hội kinh doanh hư cấu. Tình trạng này không mới, nhưng nó ngày càng tinh vi với sự xuất hiện của mạng xã hội và dịch vụ hẹn hò trực tuyến.

Những kẻ lừa đảo như "Scott" dùng hàng loạt tài khoản trên mạng, từ LinkedIn đến ngân hàng và các trang hẹn hò, để khiến chúng có vẻ đáng tin. Chúng dụ dỗ và lấy sạch tiền của những người nhẹ dạ rồi biến mất mà không để lại dấu vết. Đến khi nạn nhân phát hiện, gần như không còn khả năng truy dấu những kẻ lừa đảo này.

Vấn đề càng trở nên phức tạp vì Covid-19 mang đến vỏ bọc tuyệt vời cho những kẻ lừa đảo. Trước khi đại dịch bùng phát, rất khó bắt đầu một mối quan hệ với người chưa từng gặp mặt. Giờ đây, những người trung niên và cao tuổi độc thân, dễ chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 chỉ có thể tìm đến hẹn hò online.

Kết quả là ngay cả những người có kiến thức và hiểu công nghệ như Grace cũng trở thành con mồi. Họ bị quyến rũ bởi sự cởi mở và chân thành của đối phương trong nhiều tháng. Những điều lạ lùng, vốn khiến nhiều người cảnh giác, như tình trạng mắc kẹt ở một quốc gia khác đã trở nên bình thường và đáng tin trong giai đoạn các nước phong tỏa vì Covid-19.

Grace phải chịu tổn thương tinh thần và tài chính. "Tôi không có ai để tâm sự, tôi không muốn kể với gia đình rằng mình là một kẻ ngốc", bà nói, cho biết đang phải tìm cách thanh toán số tiền 100.000 USD. "Tôi đang chờ xem ngân hàng có đòi số tiền này không. Tôi không biết mình sẽ phải làm gì, số tiền đó quá lớn".

Amy Nofziger, giám đốc Mạng lưới Giám sát Lừa đảo của tổ chức AARP tại Mỹ, cho rằng các nạn nhân bị lừa thường rất xấu hổ. "Đó là hành động tội phạm, nhưng có khi nạn nhân cũng bị đổ lỗi. Nó có thể xảy ra với bất kỳ ai. Các nạn nhân đều thông minh và được giáo dục tốt. Họ bị lừa chỉ vì tình cảm", bà cho hay.

"Tình yêu là một trong những cảm xúc mạnh nhất của con người. Chúng tôi thường xuyên chứng kiến các nạn nhân mất sạch tiền tiết kiệm và thẻ tín dụng vì bị lừa tình", John Breyault, phó chủ tịch tổ chức Liên minh Người tiêu dùng Quốc gia ở Mỹ, nhận xét.

Các khoản thiệt hại tài chính liên quan tới nạn lừa đảo tình cảm đã tăng gấp 6 lần từ năm 2015. Đây là hình thức lừa đảo gây thiệt hại nhiều nhất được báo cáo ch Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ trong năm 2019, với hơn 201 triệu USD bị đánh cắp. Nofziger cho biết những kẻ lừa đảo thường nhắm vào người cao tuổi do họ nắm giữ nhiều của cải.

Tội phạm đôi khi hoạt động theo nhóm, trong đó một kẻ tán tỉnh nạn nhân, số còn lại đóng vai người thân hoặc đối tác kinh doanh. Sau khi gặp mục tiêu trên trang hẹn hò, chúng tìm cách đưa những cuộc trò chuyện khỏi các nền tảng này để tránh bị phát hiện.

Grace không rõ âm mưu của Scott được tiến hành như thế nào, nhưng bà nghi ngờ số tiền chi cho hoạt động kinh doanh được chuyển thẳng cho ông ta.

Một thách thức trong đối phó lừa đảo online là rất khó bắt được thủ phạm nếu thiếu hợp tác giữa các công ty. Trang hẹn hò, mạng xã hội và ứng dụng ngân hàng đều được tận dụng trong âm mưu lừa đảo, nhưng gần như không thể xác định danh tính của kẻ lừa đảo nếu không có phương pháp truy dấu giữa các website. "Không ai muốn nhận trách nhiệm. Không có cách nào để chặn giao dịch", Breyault nói.

Ngay cả khi có sự hợp tác, nạn nhân vẫn gặp khó khăn để nhận ra mình là mục tiêu. Những kẻ như Scott bỏ ra nhiều tháng để lấy lòng và giành được sự tin tưởng của Grace, thậm chí còn tốn công hơn nhiều mối quan hệ thực sự.

Với Grace, vỏ bọc của Scott bắt đầu tan vỡ khi ông ta không chuyển khoản số tiền bù vào giao dịch bị đảo ngược. Scott vẫn bám trụ với nỗ lực lừa đảo, khẳng định nguồn tiền đang mắc kẹt vì ngân hàng gây khó dễ, nhưng Grace hiểu rằng đó chỉ là lời lừa dối.

Bà gửi email vạch mặt Scott, gọi ông ta là kẻ lừa đảo đáng khinh. "Tôi đã tin tưởng ông và những lời hứa hẹn của ông. Chúc mừng vì đã thực hiện thành công trò lừa đảo bẩn thỉu và làm mọi thứ đến khiến tôi chịu đau khổ, dù tôi chưa từng làm hại ông", Grace viết.

"Sao bà có thể nói những lời như vậy về tôi", Scott trả lời và cho biết đang chuẩn bị bay về Mỹ, nhưng sau đó biến mất hoàn toàn. Grace từng cô đơn trước khi gặp Scott, nhưng giờ đây bà cảm thấy còn đơn độc hơn khi không có ai để chia sẻ về những gì đã trải qua.

Theo vnexpress.net