Thứ 4, 24/04/2024, 17:17[GMT+7]

Doanh nghiệp du lịch khó khăn trong bối cảnh dịch

Thứ 3, 18/08/2020 | 08:44:35
2,632 lượt xem
Từ cuối tháng 7, ngay sau khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Đà Nẵng, theo ghi nhận của các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh, có tới 80% lượng khách trong tỉnh đồng loạt hủy tour, ngay cả khi điểm đến nằm ngoài các tỉnh công bố dịch. Khách hủy tour buộc công ty lữ hành phải hoàn tiền, trong khi tại các điểm đến, nhiều dịch vụ đã được thanh toán trước không thể hoàn trả khiến cho công ty lữ hành rơi vào thế khó.

Ảnh minh họa.

Nếu như trong đợt đầu của dịch Covid-19, ngành du lịch Thái Bình đã bỏ lỡ lượng khách về du xuân, lễ hội thì đợt dịch lần này khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lỡ mất giai đoạn “vàng” cao điểm tháng 8, gây tổn thất lớn cho hoạt động kinh doanh. Thông thường mọi năm, cao điểm của dịp du lịch hè rơi vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 thì năm nay do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đến cuối tháng 7 và tháng 8 mới là giai đoạn cao điểm của du lịch hè. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ ông Vũ Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Bình, mọi hoạt động du lịch mới chỉ “sôi động” trong khoảng nửa cuối tháng 7 thì đột ngột dừng lại.

Thái Bình hiện có khoảng 30 công ty lữ hành. Các công ty này vừa trải qua giai đoạn khó khăn 3 tháng “đóng băng” vừa có cơ hội khôi phục lại tiếp tục lâm vào khủng hoảng. Để chuẩn bị cho các chuyến đi của du khách, các công ty đã ký kết hợp đồng với đối tác cung ứng dịch vụ vé máy bay, cơ sở lưu trú, nhà hàng... Khi xảy ra sự việc bất khả kháng vì dịch Covid-19, một số đối tác vẫn áp dụng quy định hủy, một số không. Tuy nhiên, đa phần các đối tác bảo lưu để chuyển dịch vụ du lịch qua các thời điểm khác trong năm, trong khi đó các công ty lữ hành đều đã phải chuyển trả tiền tour cho khách hàng. Điều này đặt các công ty lữ hành vào thế khó khi phải xoay sở tài chính, nhất là những công ty không “trường” vốn.

Cụ thể hơn vấn đề này, ông Vũ Mạnh Thắng cho biết: Đối với nhiều khoản như phí vé máy bay, du thuyền, khách sạn để bảo đảm du khách có thể tham gia đúng lịch trình đã dự kiến, công ty lữ hành đều phải thanh toán trước khi khởi hành, có thể trước hàng tháng. Tuy nhiên, ngay từ khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Đà Nẵng xuất hiện, từ cuối tháng 7, du khách đã yêu cầu hủy tour, kể cả đối với những địa phương chưa có dịch. Đây là tâm lý rất dễ hiểu bởi sự lo lắng trước dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, các công ty lữ hành phải chịu áp lực rất lớn khi thực hiện việc hoàn tiền cho khách nhưng lại không được hoàn các khoản ứng trước, đặt cọc hoặc các khoản đã thanh toán dịch vụ cho nhà cung cấp vận chuyển, lưu trú, nhà hàng..., đặc biệt là các hãng hàng không. Bên cạnh đó, để hỗ trợ công ty lữ hành trong thời điểm hiện nay, thay vì hoàn trả những khoản chi phí đã được thanh toán, nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch chỉ đồng ý việc lùi thời gian sử dụng dịch vụ du lịch của khách hàng cho tới mùa đông năm nay. Đây là bài toán đặt ra đối với các công ty lữ hành bởi thông thường du khách chỉ có nhu cầu đi tham quan, nghỉ dưỡng vào dịp hè, khi con cái được nghỉ học, còn những thời gian khác trong năm, đa phần rất khó sắp xếp lịch trình của cả nhà cho một chuyến đi nghỉ dài ngày.

Trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên, ngành du lịch từng kỳ vọng ở thị trường nội địa với du lịch hè trong tháng 8, nhưng dịch quay trở lại khiến doanh nghiệp lỡ cơ hội phục hồi. Trong khi đó, kỳ nghỉ tết Nguyên đán thì còn xa và khả năng mở cửa trở lại thị trường khách du lịch quốc tế trong bối cảnh này là rất khó. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, vai trò của các hiệp hội du lịch, hội ngành nghề du lịch rất quan trọng để kết nối các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp liên kết với nhau cùng vượt qua khó khăn cũng như làm cầu nối phản ánh khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tới các cơ quan chức năng. 

Ông Vũ Mạnh Thắng cho biết: Trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra, Hiệp hội đã gửi công văn tới các cơ quan quản lý về du lịch tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước có số lượng khách du lịch Thái Bình đến tham quan đông về việc liên kết hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành giai đoạn dịch Covid-19 tái phát.

Tuy nhiên, điều cần thiết nhất trong giai đoạn hiện nay, theo ông Thắng là làm sao để khách hàng bảo lưu, dời ngày tham quan, du lịch thay vì việc yêu cầu hủy tour, hoàn tiền vì vốn lưu động là vấn đề rất “mệt mỏi” đối với các công ty du lịch. Niềm hy vọng của ngành du lịch đang được đổ dồn lên quý IV năm nay và đầu năm 2021 bởi theo Tổ chức Du lịch thế giới, đây là thời điểm ngành du lịch sẽ phục hồi.


Tú Anh