Thứ 4, 24/04/2024, 05:27[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 27/07/2020 | 09:15:21
3,893 lượt xem

Ảnh minh họa.

Duyệt đứng giữa khu miếu thờ bà Bảo mẫu đại vương Nguyễn Thị Tần. Anh vịn lưng con ngựa đá, nhìn vào làng, rồi nhìn ra xung quanh... Mấy lần giặc đến đều chọn đây làm chỗ đứng đánh vào làng. Tấm bia đá ghi công bà Nguyễn nuôi thái tử Lê Duy Vĩ khi bị Trịnh Sâm bắt giam, cao bằng người đứng. Miếu thờ xây gạch cổ, năm gian, tường dày và rộng. Trước miếu, hai pho tượng võ sĩ cầm gươm to bằng người thật, nhưng lùn tè, đầu liền với vai, chân ngắn chủn choẳn. Ngựa đá, chó đá, từng đôi một to xuýt xoát bằng nhau. Những vật ấy là chỗ cho giặc núp, tránh đạn trong làng bắn ra. Khi có thời cơ, từ đây giặc xông vào làng vừa gần vừa tiện.
- Đây vẫn là nơi đặt quân tốt - Duyệt bảo Tuyền - tiến thoái đều có vật che chở. Nay mai, nhất định nó lại đến đây...
Tuyền cũng nghĩ thế... Phải biến đám này thành trận địa chông mìn... Những trận trước gặp hỏa lực ta mạnh, chúng nó vón lại sau miếu này hàng chục đứa. Sau cái bia này cũng hai ba đứa... Phải đặt mìn phi dăng kết hợp đặt chông ở đây, thật dày... Dưới chân ngựa đá, chó đá cũng vậy...
- Lần này ta đánh không có lũy đất - Tuyền bảo Duyệt - Nhưng cổng Đông vẫn phải rào chắc chắn. Rồi bố trí một tổ súng trường giữ cổng... Vào cổng Đông bị ta đánh, chúng nó sẽ tập trung tại đây.
Duyệt lặng lẽ bước đi bước lại, ước đo, dự tính số mìn chông cần đặt ở đây. Kho mìn còn ba trăm quả; có gần hai trăm gỡ ở đồn giặc, vừa nhạy vừa sát thương cao. Lò rèn ở Ba Vì có hơn trăm bàn chông các loại; ưu tiên cho trận địa này loại chông sắt có ngạnh. Chông có ngạnh không tháo tại chỗ được. Một thằng xéo chông là hai thằng phải khiêng.
- Anh ở đây nhá - Tuyền nói - tính toán cụ thể xem thế nào. Tôi lại chỗ Chuyển.
Cán cuốc của Tuyền treo lủng lẳng chiếc gầu ướt, trông như vừa tát nước ở đâu. Anh tắt cánh đồng lên đường 39, thấy Dâu và Chuyển xới lúa gần cầu Mới. Cái cầu gỗ dài hơn chục mét, giặc dễ bắc nhưng ta phá cũng dễ. Dạo quân cơ động đóng ở Tăng hơn một tháng, chúng giao cho tề làng Nguyễn phải canh coi bằng được cái cầu nhỏ ấy. Nếu bị phá, nó trị tội từ xã ủy, chánh bảo an đến các nhân viên. Mỗi lần đánh Nguyễn, Khuốc, giặc đều để một số quân coi cầu, phòng ta phá cầu chặn mất lối về. Xã đội dự kiến khu cầu này cũng là trận địa mìn chông.
Từ chỗ Tuyền đến đồn Nguyễn chỉ hơn hai cây số. Nhưng đường có mấy đoạn cắt nên vẫn cảm thấy xa. Suốt mấy tháng qua, trên đoạn đường này có sự đấu mưu đấu trí giữa dân làng Nguyễn với giặc. Một đêm phá đường nhanh đến nỗi giặc phải ngạc nhiên. Hôm sau, hội Tùy khăn xếp áo dài lên đồn, hai bàn tay khum khum trước rốn:
- Thưa ông đồn, đêm qua lúc mưa thâm tối giời, Việt Minh về phá đường...
- Sao các ông không báo động? - Ba Đỗng hất hàm.
- Dạ, họ ở ngoài đường. Không biết phá lúc nào... Ngay sát đồn đây...
Ba Đỗng lầm lỳ đứng dậy... Lính đồn ở gần đoạn đường bị phá còn không biết nữa là bảo an ở trong làng... Nhưng đấy là cái lý...
- Ông xã ủy này! Việt Minh ở ngay trong làng ông ấy... Ông đừng đánh lừa chúng tôi!
- Dạ... thưa ông đồn. - Hội Tùy tròn mắt nhìn, chòm râu rung rung - Đồn vẫn vào kiểm soát.
- Đúng, đồn kiểm soát. Nhưng Việt Minh không ở trong làng ban ngày. Họ trốn đâu đó, đêm họ ra... Điều ấy ông rõ hơn tôi. - Đỗng cười gằn.
Hội Tùy nhìn xuống đất, môi trễ ra... Đã mấy lần bị khiển trách, Hội Tùy nghiệm thấy giặc chẳng dám làm già với mấy anh xã ủy, bảo an. Nó nạt cho mà khiếp, nhưng nó vẫn phải giữ lấy người...
- Thưa... ông đồn nghĩ thế nào thì chúng tôi được vậy. Chứ... công việc thì nặng nề, chúng tôi sức trói gà không nổi. - Hội Tùy nói nhẹ nhàng nhưng hàm ý hờn dỗi.
Ba Đỗng ngồi xuống, gõ gõ móng tay vào cái bìa sách, tính mưu tính mẹo. Chả có gì khác các lần trước, hắn ra một cái lệnh quen thuộc:
- Ông bắt phu ra đắp ngay lại, hạn ngày mai phải xong...
Hội Tùy về bàn với Chuyển. Vài ba chục người đi đắp đường. Hạn một ngày nhưng kéo nhây bốn, năm ngày. Đắp xong, lại phá một đêm hết sạch... Lại báo đồn... Bắt phu đắp lại... Rồi lại phá... Đường luôn luôn bị đứt. Đường đứt thì lính đồn ít sục vào làng. Việc chuẩn bị đánh giặc không bị lộ.
- Hôm nay không có ai đắp đường à Chuyển? - Tuyền hỏi.
- Có đấy! Chả biết sao chưa ra, phải hỏi cụ hội nhà tôi.
- Cò cưa với chúng nó thời gian nữa để chuẩn bị.
Dâu vẫn xới lúa, không xen vào câu chuyện của Chuyển và Tuyền. Hai lần nghỉ tay, Dâu đã cùng Chuyển la cà lên đầu cầu, xuống bãi, tính toán cách đặt mìn, đặt chông. Một sơ đồ trận địa đã hình thành trong đầu... Đợi Tuyền xem xét thực địa lần cuối cùng, về bàn bạc thêm là thành nghị quyết.
- Năm ngoái chúng nó đặt moóc ở bãi rau này nã vào cổng Bắc. Mình chôn mìn chỗ này là ăn chắc. - Chuyển nói.
- Năm nay có thể khác đi... Nhưng địa thế này nói chung được!
- Chị Dâu nán lại về sau nhá!
Chuyển nói với Dâu rồi theo Tuyền về. Dâu không nhìn lên, chỉ “vâng” một tiếng gọn lỏn.
Đi vào cổng Bắc, Tuyền lặng lẽ nhớ cái cổng mái ngói rêu phong quen thuộc. Cái cổng vẫn mang một ít bóng râm cho những người làm đồng ẩn trưa mùa hè. Cái cổng đã mấy trận vững vàng chặn đứng không cho giặc vào làng... Nhưng đến trận vừa qua, cổng Bắc cũng như đình Thượng, đình Đoài bị đốt, bị giật mìn đổ sập... Giặc dùng vũ khí mới, mình phải có cách đánh mới. Không thể dựa mãi vào lũy cao hào sâu đánh cố thủ. Phải tìm cách đánh khác... Lấy mìn giặc đánh giặc. Đặt mìn ở chỗ giặc thường tập trung. Đặt ở lối bắt buộc nó phải qua lại. Ở chỗ nó hay sục sạo: cửa chuồng gà, gốc cam, gốc đu đủ chín... Mìn, chông phối hợp với nhau. Đặt trên đường giặc có thể đuổi theo ta sục hầm bí mật... Cả nước căng giặc ra mà đánh, đánh to, đánh nhỏ, đủ kiểu, đủ cách... Một mũi kim chích vào gan bàn chân không làm chết ngay bằng nện một vồ giữa đỉnh đầu, nhưng cũng gây nhức nhối. Làm giặc nhức nhối toàn thân, cuối cùng phải chịu một trận giáng trúng đỉnh đầu ngã gục.



*
*   *


Hội Tùy xách cái mai vào gần cửa lại xách ra. Lão nhăn nhó... nhà đang bình yên vô sự lại đưa mai, đưa móng vào. Ngay cái việc vác mai qua sân người ta còn phải kiêng... Nghĩ đến việc đào sâu ba nhát mai ở giữa nền nhà nó cứ thế nào ấy... Chỉ có hai tay buông xuôi mới phải đào ba nhát mai...

(còn nữa)

Bút Ngữ

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày