Thứ 6, 29/03/2024, 02:23[GMT+7]

Bồi đắp giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 11/07/2020 | 11:50:57
1,398 lượt xem
Xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ là câu chuyện đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cao thu nhập... mà còn là bồi đắp các giá trị văn hóa trong từng gia đình, thôn xóm, vùng quê. Điều này được cụ thể hóa thông qua 2 tiêu chí là văn hóa và cơ sở vật chất văn hóa của Bộ tiêu chí xây dựng NTM đang được các địa phương trên địa bàn H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tích cực triển khai hiệu quả.

Thế hệ trẻ xã Hòa Nhơn (H. Hòa Vang) tham gia trò chơi dân gian tại các lễ hội đình làng.

5 năm qua đất nông nghiệp ở thôn Phú Hòa 1 (xã Hòa Nhơn) ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, đa số hộ dân nằm trong vùng giải tỏa, di dời nên không còn đất sản xuất. Nhưng cứ đến mồng 1-10 Âm lịch hằng năm, người dân trong thôn vẫn tề tựu ở Miếu làng tổ chức nghi lễ "Xuống đồng" với đầy đủ hình thức diễn xướng, phác họa lịch sử phát triển của một làng quê từ xa xưa đến hiện đại nhằm lưu giữ truyền thống và tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt của dân làng... Còn ở làng Quá Giáng (xã Hòa Phước), điều đặc biệt là tồn tại song song với vẻ bề ngoài đầy dáng dấp đô thị, nơi đây vẫn thấp thoáng một làng quê cổ kính mang nét văn hóa truyền thống với sự hiện hữu của 3 di tích Lịch sử văn hóa, Kiến trúc nghệ thuật đã được Bộ VH-TT và UBND TP công nhận.

Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được các ban ngành của huyện chú trọng, nhất là việc sưu tầm phổ biến các loại hình văn học - nghệ thuật dân ca, bài chòi, hò khoan đối đáp; phối hợp với các cơ quan chuyên môn khôi phục lại các lễ hội có nguy cơ mai một như "Mục đồng Phong Lệ" ở xã Hòa Châu, các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Cơ Tu 2 xã Hòa Phú, Hòa Bắc... đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân. Nổi bật nhất phải kể đến phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" đã tạo ra diện mạo nông thôn hiện đại, văn minh nhưng không vì thế mà mất đi bản sắc văn hóa lâu đời ở từng gia đình, tộc họ.

"Việc thực hiện tiêu chí văn hóa đã thực sự đi vào cuộc sống và được người dân đón nhận tích cực. Chúng tôi luôn ý thức rằng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, đến việc xây dựng con người với lối sống đạo đức cũng đều bắt nguồn từ tinh hoa văn hóa lâu đời của làng quê thông qua việc xây dựng gia đình văn hóa, làng thôn văn hóa, thực hiện nghiêm túc hương ước văn hóa làng, xã nên phải có trách nhiệm cùng với chính quyền địa phương bồi đắp, gìn giữ các giá trị văn hóa trong quá trình xây dựng NTM", cụ Đinh Viết Thành - Trưởng tộc Đinh làng Quá Giáng chia sẻ.

Có thể nói, Hòa Vang là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc và là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa truyền thống. Vì vậy, việc bồi đắp những giá trị văn hóa, cũng như nỗ lực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Theo cadn.com.vn