Thứ 6, 19/04/2024, 08:22[GMT+7]

Chào mừng Đại hội Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình Sáng mãi phẩm chất người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

Thứ 4, 21/10/2020 | 09:13:22
4,394 lượt xem
Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi dấu sự kiện bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là cuộc chiến khốc liệt nhất, đau thương nhất. Trong 81 ngày đêm năm 1972, hàng trăm nghìn tấn bom đạn trút xuống đã gần như san phẳng Thành cổ cùng cả thị xã Quảng Trị, hàng nghìn người đã hy sinh.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.

Anh dũng chiến đấu trong chiến tranh, giờ đây, phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm xưa đã và đang ngày đêm nhiệt huyết với hoạt động nghĩa tình đồng đội, tri ân người có công, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.

Ngôi nhà chung của những người lính trở về

Sau cuộc chiến mùa hè đỏ lửa năm 1972 và cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975, Thái Bình có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trở về quê hương, trong số đó có đến 95% là thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam. Những người lính bước ra từ trận mạc tiếp tục phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, ra sức cống hiến trí lực trong công tác, học tập, lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương. Để ghi nhận và tôn vinh công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ và những người trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, năm 2013, Đảng, Nhà nước cho phép thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ở Thái Bình, ngày 9/6/2015, UBND tỉnh quyết định thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình.

Sau 3 tháng thành lập, ngày 7/9/2015, Hội đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất. Ngay sau đó, Ban Chấp hành Hội đã xây dựng quy chế, thông qua Điều lệ Hội, phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên Ban Chấp hành Hội; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố trong tỉnh thành lập ban vận động để tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, chiến sĩ và những người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị để tham gia vào tổ chức hội cũng như thành lập các liên chi hội. Đến hết năm 2016, 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh đã thành lập được liên chi hội, hội cấp huyện trực thuộc Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút, tập hợp được 2.481 hội viên tham gia sinh hoạt tại 120 chi hội cơ sở và Chi hội An ninh Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình. 5 năm qua, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình thực sự là ngôi nhà chung để đồng đội kết nối, tri ân, giúp đỡ, sẻ chia khó khăn; đồng thời, thăm hỏi khi hội viên ốm đau, thăm viếng khi hội viên qua đời, động viên nhau giữ vững phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tạo khí thế sôi nổi, đồng thuận, cùng nhau xây dựng Hội thực sự “Đoàn kết, kỷ cương, nghĩa tình, chất lượng, hiệu quả”.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, ban chấp hành các cấp hội thường xuyên quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho hội viên thông qua các kỳ sinh hoạt và các đợt tham gia phong trào thi đua ở địa phương. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng cán bộ, hội viên đều gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Đến nay có 246 hội viên đang đảm nhiệm các chức vụ bí thư, phó bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trở lên, 95% là hội viên hội cựu chiến binh, 15% hội viên là chủ tịch hội cựu chiến binh xã, phường, thị trấn... Ở cương vị, trọng trách nào, cán bộ, hội viên Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình đều phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường của người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm xưa, tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước, không có hội viên vi phạm pháp luật.

Đại diện Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình trao kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho ông Nguyễn Ngọc Thảnh, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà. 

Những hoạt động nghĩa tình

Cùng với công tác xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình và các liên chi hội, hội cơ sở còn tích cực thực hiện các phong trào thi đua, hoạt động nghĩa tình, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hội viên và tham gia giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ. Cán bộ, hội viên các cấp hội đã tích cực tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng tiền mặt và hiến đất làm đường với trị giá hơn 1,8 tỷ đồng; đồng thời, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như Liên Chi hội Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Quỳnh Phụ vận động toàn thể hội viên tham gia xây dựng 2 bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của Đại đoàn Đồng Bằng trên địa bàn huyện; riêng hội viên Nguyễn Quang Tiệp, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Quỳnh Phụ hỗ trợ gần 500 triệu đồng xây dựng bia tưởng niệm và 200 triệu đồng ủng hộ xây dựng nông thôn mới; hội viên Vũ Tiến Nga, xã Tân Lập (Vũ Thư) hiến 250m2 đất; hội viên Tạ Tang Sỹ, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) ủng hộ 10 triệu đồng xây dựng nông thôn mới ở địa phương... Ngoài ra, liên chi hội các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Thái Thụy, Tiền Hải, thành phố Thái Bình đều động viên hội viên tham gia các chốt kiểm dịch khi bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 bùng phát...

Trong hoạt động nghĩa tình đồng đội, 5 năm qua, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình đã tập trung vận động cấp trên, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội, Tập đoàn T&T, Bộ Công an, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình hỗ trợ xây dựng 15 nhà “Ấm tình đồng đội” với tổng kinh phí hơn 780 triệu đồng (mỗi nhà được hỗ trợ từ 50 - 70 triệu đồng). Ngoài ra, Ban Chấp hành Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình còn vận động hỗ trợ 35 xe lăn với kinh phí trên 47 triệu đồng tặng hội viên bị tai biến, bệnh tật không đi lại được. Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Hội đều tặng từ 10 - 20 suất quà trị giá 500.000 đồng/suất cho các hội viên khó khăn. Các liên chi hội cấp huyện đều tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân và hội viên có điều kiện kinh tế hỗ trợ kinh phí trao quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh. Theo đó, Liên Chi hội Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Quỳnh Phụ tặng quà dịp lễ, tết cho tất cả hội viên và gia đình liệt sĩ trên địa bàn huyện với trị giá quà từ 200.000 - 300.000 đồng. Riêng dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2020, Liên Chi hội Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Quỳnh Phụ đã tặng 300 suất quà cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và hội viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 30 triệu đồng; Liên Chi hội Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Kiến Xương trao 2 sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng/sổ cho 2 thân nhân liệt sĩ do Ban Chấp hành Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình vận động tài trợ; Liên Chi hội Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Thái Thụy hàng năm phối hợp tổ chức khám bệnh định kỳ cho hội viên; Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Vũ Thư vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 42 suất quà trị giá 200.000 đồng/suất cho hội viên khó khăn...

Những hoạt động nghĩa tình của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình và các cấp hội trong tỉnh đã khơi dậy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của mỗi cán bộ, hội viên đối với đồng đội đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Những hoạt động “trọn nghĩa tri ân, vẹn tình đồng đội” của các cấp hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh ghi nhận, tạo điều kiện và được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đỗ Trọng Khoa 

(Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình) 

Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình

Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình cần làm tốt công tác giáo dục, tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức hội các cấp vững mạnh, thực sự là người đại diện của hội viên. Tăng cường quan hệ mật thiết với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua tại địa phương; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế và tham gia có hiệu quả các hoạt động nghĩa tình đồng đội, “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân liệt sĩ... Tôi tin tưởng rằng, ý chí của những người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 sẽ được chuyển hóa, phát triển thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng lãnh đạo, được định hướng và quy tụ bởi khát vọng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sẽ làm nên thành công mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ông Nguyễn Thiện Văn, Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao vai trò của các cấp hội; đồng thời, thực hiện nghiêm Điều lệ Hội và chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, nghĩa tình, chất lượng, hiệu quả”. Tiếp tục phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị gương mẫu làm tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025, trọng tâm là công tác nghĩa tình, gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống chiến sĩ Thành cổ...

Ông Đào Xuân Lộc, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Vũ Thư

Ngày 25/4/2016, Ban vận động thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Vũ Thư ra đời. Đây là cơ sở cho việc tập hợp, đoàn kết các cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Đến nay, Hội đã quy tụ được gần 440 thành viên với 81,8% hội viên từng tham gia sư đoàn bộ binh và Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, tổ chức chia thành 6 cụm với 30 phân chi hội. Thời gian qua, Hội đã tích cực kêu gọi ủng hộ tặng quà, xây nhà tình nghĩa, thăm và tặng quà hàng trăm lượt hội viên, phối hợp tìm, đón 7 hài cốt liệt sĩ về an nghỉ tại quê hương; có 61 hội viên đã hiến trên 500m2 đất làm đường giao thông nông thôn mới.

Ông Nguyễn Quang Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Tuấn Anh

Tôi không bao giờ quên được những tháng ngày chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị hơn 48 năm về trước. Để bảo vệ Thành cổ, bao người con ưu tú của Việt Nam đã anh dũng hy sinh và nằm lại nơi này. Đồng đội tôi còn nhiều người còn nằm lại nơi chiến trường, nhiều người bước ra từ cuộc chiến mang trong mình những vết thương chiến tranh. Tôi không phải là người rất giàu có nhưng tôi được Đảng và Nhà nước trả lương hưu, tôi biết làm thêm kinh tế, có của ăn của để, nghĩ đến quê hương khó khăn, nghĩ đến đồng đội nằm lại chiến trường, nghĩ đến những cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ em mồ côi là tôi muốn chia sẻ và hỗ trợ họ. Còn sức khỏe tôi vẫn sẽ tiếp tục làm công việc nghĩa tình này.

Ông Lê Xuân Chinh, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Quê tôi ở thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà nhưng sau khi rời quân ngũ tôi lên lập nghiệp ở quê hương thứ hai Điện Biên. Năm 1972, thời điểm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả dân tộc sục sôi ra trận, là con độc nhất tuy không thuộc diện phải vào chiến trường nhưng thấy bạn bè đồng trang lứa tíu tít ghi danh lên đường đánh giặc tôi cũng đứng ngồi không yên. Hôm đó, sau khi lên xã nộp đơn xung phong nhập ngũ, quay về nhà tôi thấy mẹ đang thắp hương trên bàn thờ bố, rì rầm khấn vái rồi ngồi khóc. Những ngày chiến đấu cùng đồng đội bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, tôi may mắn lọt vào ống kính của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính trong tác phẩm “Nụ cười chiến thắng”. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi tấm ảnh với nụ cười của tôi cùng đồng đội lại trở nên nổi tiếng như vậy.

Tất Đạt - Công Liêm
  • Từ khóa