Thứ 6, 29/03/2024, 19:13[GMT+7]

Giải pháp để lao động tại Hàn Quốc về nước đúng hạn (Kỳ II)

Thứ 4, 06/01/2021 | 08:33:45
1,463 lượt xem

Người lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn năm 2020 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình.

Kỳ II: Rủi ro từ lao động bất hợp pháp

Chương trình hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc (chương trình EPS) đã giải bài toán việc làm cho người lao động ở các địa phương. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, rất nhiều lao động sau khi hết hạn hợp đồng đã không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp dẫn đến nhiều hệ lụy.  

Bằng con đường lao động hợp pháp, khi sang Hàn Quốc làm việc người lao động được bảo đảm mọi quyền lợi. Còn với những lao động bất hợp pháp, công việc không chỉ vất vả mà còn rất nguy hiểm. Anh T.V.M, thôn Đông Tiên, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) từng đi XKLĐ tại Hàn Quốc, trong thời gian làm việc có thời hạn hợp đồng anh được công ty chi trả đầy đủ các chế độ, được đóng BHXH, được bảo vệ mọi quyền lợi theo hợp đồng, ốm đau được khám bệnh định kỳ, được chi trả bảo hiểm khi đi chữa bệnh; làm việc 8 tiếng theo hợp đồng, nếu tăng ca chủ sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động; được hưởng đầy đủ các chế độ như lễ, tết, nghỉ phép... nhưng với lao động bất hợp pháp, theo anh M thì gần như mọi thứ đều là con số 0.

Anh M chia sẻ, anh đã trải qua những năm tháng bất an, khó nhọc và đầy vất vả bởi sau 4 năm 10 tháng hết hạn hợp đồng, anh không trở về nước theo quy định, ở lại cư trú bất hợp pháp với mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn. Những năm ở lại cư trú bất hợp pháp cũng là quãng thời gian anh phải đối mặt với nhiều rủi ro. 

Theo như anh chia sẻ, khổ nhất với lao động bất hợp pháp là trốn tránh cơ quan chức năng. Nhớ có lần đang làm việc tại công ty thì cảnh sát ập vào kiểm tra, tìm bắt lao động bất hợp pháp. Anh và các công nhân lao động phải tìm mọi chỗ để trốn, bất kể chỗ nào trốn được đều chui vào, nhiều khi phải trốn trong một cái thùng đầy rác hôi thối để mong thoát thân. Chưa kể, ngày nghỉ cũng không dám đi chơi, đêm đến cũng không dám ra đường sợ bị phát hiện. Đáng nói hơn, có nhiều trường hợp lao động bất hợp pháp bị chủ sử dụng lao động bóc lột sức lực, quỵt tiền công hoặc bị đánh đập, ngược đãi. Họ chỉ biết nhẫn nhịn, chịu đựng trong tủi cực. Họ không dám khai báo với chính quyền sở tại vì sợ bị bắt, bị giam giữ, bị phạt tiền, bị trả về theo đường ngoại giao. 

Tuy lao động bất hợp pháp bỏ ra ngoài làm việc có thể kiếm được thu nhập cao hơn lao động hợp pháp nhưng lại không được hưởng các chế độ bảo hiểm. Khám chữa bệnh, ốm đau, tai nạn đều phải tự bỏ tiền túi ra chi trả. Đó là chưa kể, do không có thân phận hợp pháp, tiền kiếm được không thể gửi vào tài khoản ngân hàng đứng tên người lao động mà phải gửi nhờ bạn bè. Từ đây lại nảy sinh không ít trường hợp lao động bất hợp pháp bị người quen lừa lấy mất số tiền lương vất vả kiếm được mà không có cách nào kêu cứu hoặc đòi lại. Thậm chí, khi đau ốm lao động chui cũng không dám đi bệnh viện khám vì sợ bị phát hiện sẽ bị bắt giam. Vì vậy, nhiều lao động sau khi phát hiện ra bệnh nặng đã không kịp chạy chữa. Ngoài những rủi ro trên, lao động bất hợp pháp sẽ không được pháp luật nước bạn bảo hộ, điều kiện ăn uống, sinh hoạt kham khổ, làm việc với cường độ cao. Với người đi thì khổ cực, vất vả như vậy nhưng với người ở nhà cũng chịu thiệt thòi không kém. 

Ông Đ.V.B, xã Thụy Xuân (Thái Thụy) chia sẻ, ông có con trai lao động tại Hàn Quốc nhưng do nhiều năm cư trú bất hợp pháp, không được nghỉ phép nên nhiều năm nay vẫn chưa về. “Từ lúc đi đến nay cháu mới về thăm nhà được một lần. Mặc dù hiện tại sức khỏe của cháu vẫn ổn định nhưng tình cảm vợ chồng lại rạn nứt. Tôi vẫn thường xuyên gọi điện khuyên nhủ và mong muốn cháu sớm về để hàn gắn tình cảm gia đình” - ông B tâm sự.

Cư trú bất hợp pháp không chỉ bản thân người lao động ảnh hưởng trực tiếp mà còn để lại hệ lụy cho địa phương cũng như người thân trong gia đình. 

Tại Thái Bình, những năm qua bình quân mỗi năm có từ 3 - 4 huyện phải tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc bởi có nhiều lao động đang cư trú bất hợp pháp. Điều đó đã ảnh hưởng đến nhu cầu chính đáng của nhiều gia đình mong muốn con em được sang Hàn Quốc làm việc. 

Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019 toàn tỉnh có 382 lao động làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng phải về nước, trong đó 226 người đã về nước, 156 người ở lại cư trú bất hợp pháp (chiếm 40,8%); 4 huyện (Đông Hưng, Tiền Hải, Vũ Thư, Kiến Xương) bị tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc. Năm 2020, toàn tỉnh còn 119 lao động hết hạn hợp đồng phải về nước, trong đó mới có 19 người đã về nước, số còn lại ở lại bất hợp pháp (chiếm 84%), huyện Tiền Hải vẫn phải tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc vì có số người vi phạm hợp đồng cao hơn so với quy định. Như vậy, tính từ năm 2004 đến tháng 10/2020, toàn tỉnh có khoảng 750 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc (chiếm 4,8% của cả nước).

Ông Ha Sang Jin, Trưởng Văn phòng đại diện Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam

Lao động bất hợp pháp được chia làm 2 trường hợp. Trường hợp người lao động hết hạn hợp đồng nhưng không gia hạn hợp đồng, cố tình ở lại cư trú bất hợp pháp. Trường hợp vẫn còn hạn cư trú nhưng lại bỏ trốn khỏi nơi làm việc đã ký hợp đồng và không khai báo với chủ, không thỏa thuận với chủ, trường hợp này khi chủ khai báo với cơ quan chức năng cũng sẽ trở thành lao động bất hợp pháp. Những trường hợp như vậy người lao động sẽ bị trục xuất và không được hưởng các quyền lợi.

Ông Trần Xuân Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Việt Nam hiện còn khoảng 11.000 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc chưa về nước, trong đó tỉnh Thái Bình có 750 lao động. Lao động cư trú bất hợp pháp gặp rất nhiều rủi ro: phải làm việc quá giờ ảnh hưởng đến sức khỏe, không được bảo đảm an toàn lao động khi làm việc, thường xuyên bị truy đuổi, không có bảo hiểm y tế khám chữa bệnh. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại các nước, lao động cư trú bất hợp pháp không dám xét nghiệm vì sợ bị bắt và chi phí cao nên đành đánh liều với tính mạng. Trong khi đó, lao động hợp pháp được kiểm tra sức khỏe định kỳ, được xét nghiệm phòng, chống dịch theo quy định.

(còn nữa)

Nguyễn Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày