Thứ 6, 29/03/2024, 16:57[GMT+7]

Phụ chính tướng quân

Thứ 2, 22/03/2021 | 11:27:42
4,038 lượt xem

Đình Buộm, khu Buộm, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ngoạn Khu (sau đổi thành làng Buộm), bồi bãi ven sông Cái (sông Hồng), Nông Kỳ (sông Luộc), chàng trai Phạm Khánh sớm mồ côi cha. Sống trong tình yêu thương đùm bọc của thân mẫu Cao Thị Nguyên và bà con làng xóm Ngoạn Khu khi lớn lên gặp lúc quân giặc Nam Hán xâm lược đất nước, với lòng căm hận Thái thú Tô Định đã giết chết cha mình, Phạm Khánh đã cùng thân mẫu hội quân cùng Hai Bà Trưng quyết “Đền nợ nước, trả thù nhà”, chiến đấu bảo vệ chủ quyền giang sơn gấm vóc cho đến hơi thở cuối cùng.

Truyền kể rằng, vào thời thuộc Hán, người Hán tràn vào Văn Lang và đổi tên nước thành quận Giao Chỉ, chúng bắt đàn ông, hãm hiếp đàn bà nhằm đồng hóa dân tộc. Nhân dân ta phải rời bỏ quê hương phiêu bạt khắp nơi, cha mất con, vợ mất chồng, tha hương cầu thực… Những năm đầu Công nguyên, ở “Ngoạn Khu” Lục Đầu (bộ Lục Hải, cửa sông Luộc, sau là làng Buộm, nay đổi thành khu Buộm, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) có chàng trai tên Phạm Phúc, quê ở Châu Ái (nay là Thanh Hóa) lưu lạc tới đất này thì trời tối, mưa rét dầm dề, chàng trai xin nghỉ trọ ở một nhà dân. Chủ nhà thấy tướng mạo chàng trai khôi ngô, biết đường “ăn nói” dễ nghe lại biết chữ nên ngỏ ý muốn giữ Phạm Phúc ở lại dạy học cho lũ trẻ trong làng. Phạm Phúc nhận lời ở lại. Người dân bèn dựng một túp lều tranh tre, nứa lá để Phạm Phúc làm nơi dạy học và cũng là nơi nghỉ ngơi sau những giờ miệt mài “gõ” đầu trẻ.

Thấy Phạm Phúc chăm chỉ lại có đức nên dân làng nhiều người muốn gả con gái cho ông. Thời ấy cũng ở “Ngoạn Khu” có ông bà Cao Văn Thời và Lê Thị Mỹ phúc hậu, gia giáo nhưng hai ông bà sớm quy tiên, để lại người con gái côi cút tên là Cao Thị Nguyên. Người cậu ruột là Cao Vạn đã đón cháu gái về nhà nuôi dạy. Tuổi tròn trăng, Cao Thị Nguyên càng ngày càng xinh đẹp, nết na, đủ “công, dung, ngôn, hạnh” trong làng chẳng có cô gái nào sánh kịp. Dân làng vì thế mà khen tặng “Tứ đức vô hà”, có người “mai mối” cho Phạm Phúc. Người cậu ruột đứng ra tổ chức hôn lễ cho đôi trai gái Phúc Nguyên. Không lâu sau ngày cưới, bà Nguyên mang thai. Đúng lúc này, Thái thú Tô Định biết chuyện người con gái tài sắc vẹn toàn Cao Thị Nguyên người Ngoạn Khu dưới quyền cai trị của hắn, hắn đang có ý định bắt về làm vợ thì Nguyên đã lấy chồng. Hắn cho quân về Ngoạn Khu bắt bà Nguyên nhưng bà Nguyên kịp trốn thoát, ông Phúc bị chúng bắt rồi đánh đập đến chết, chúng đem xác ông Phúc ném vào lửa thiêu.

Bà Nguyên sau khi chạy thoát khỏi sự truy sát của quân giặc Nam Hán, ít tháng sau thì sinh hạ được một người con trai khôi ngô, tuấn tú, bà đặt tên con là Phạm Khánh, Phạm Khánh lớn lên trong vòng tay yêu thương, đùm bọc của người dân làng Buộm. Bà Nguyên tìm thầy cho Khánh “tầm sư học đạo”. Năm 16 tuổi Khánh đã học xong “tứ thư ngũ kinh”, tinh thông võ thuật. Nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống giặc Hán, bà Nguyên đưa Phạm Khánh lên Hát Môn gặp Hai Bà Trưng bày tỏ nguyện ước cho con trai phò tá Hai Bà đánh giặc “Đền nợ nước, trả thù nhà”. Phạm Khánh ra mắt Hai Bà với màn biểu diễn võ thuật cao cường thêm tài ứng đối khiến Hai Bà rất đỗi hài lòng. Nhìn ngắm gương mặt khôi ngô, tuấn tú của Phạm Khánh, Hai Bà cho Khánh gia nhập đội quân cấm vệ của bà và phong Phạm Khánh chức “Phụ chính”, giao cho thảo hịch kêu gọi nhân dân kề vai sát cánh đánh tan giặc cướp nước.  Lời hịch truyền đi, nhân dân khắp nơi động viên chồng con thẳng hướng Luy Lâu gia nhập đội quân của Hai Bà Trưng đông đến vài vạn binh. Dưới sự chỉ huy của Hai Bà Trưng, Phụ chính Phạm Khánh lập nhiều chiến công hiển oai. Tô Định thua trận phải cắt tóc, cạo râu, thay hình đổi trạng chạy trốn về Bắc quốc.

Sử cũ chép, trong cuộc tiến quân về Luy Lâu bà Cao Thị Nguyên được Hai Bà chọn làm tỳ tướng, khi công phá thành trì Luy Lâu bà Nguyên trúng tên độc của giặc, tử trận dưới chân thành. Đất nước tạm yên, Trưng Trắc lên làm vua. Ngày luận công ban thưởng, Trưng Vương phong thần cho bà Cao Thị Nguyên và sách phong cho dân sở tại xây mộ, lập đền cúng tế.

Năm 43, ôm mối hận thua trận, nhà Hán không từ bỏ dã tâm đã sai Mã Viện đem 20 vạn quân sang xâm chiếm nước ta, Phạm Khánh nhận lệnh Hai Bà đem quân lên biên giới cự địch. Quân giặc quá đông lại trang bị nhiều vũ khí, hai bên giao chiến, quân của Phạm Khánh chống cự không nổi bèn rút quân về Cấm Khê. Cầm cự ở đây không được lâu, giặc dùng chiến thuật biển người vây hãm quân ta, Phạm Khánh một mình một ngựa phá vòng vây đưa quân sĩ về đóng ở làng Buộm (khu Buộm, thị trấn Hưng Nhân) hội với đội quân của Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục tiếp tục chiến đấu chống giặc Hán. Quân giặc do Mã Viện chỉ huy ào ạt tràn vào sâu trong đất nước ta, chúng tàn phá, cướp bóc, giết đàn ông, hãm hiếp đàn bà. Quân của Bát Nạn tướng quân nhanh chóng tan rã, không còn yểm trợ cho Phạm Khánh, quân giặc truy đuổi ráo riết, Phạm Khánh chiến đấu đến cùng, ông đã rút gươm tuẫn tiết dưới gốc đa đầu làng Buộm, quyết không để sa vào tay giặc. Quân giặc rút về căn cứ Luy Lâu, người dân làng Buộm tiếc thương người tướng trẻ hy sinh vì nghĩa lớn đã xây lăng mộ thờ ông, xây cả mộ ngựa chiến của ông bên cạnh. Nơi gia đình thân phụ, thân mẫu của tướng quân Phạm Khánh ở xưa kia, nhân dân làng Buộm xây đền thờ tướng quân Phạm Khánh và thân mẫu của ngài là tỳ tướng Cao Thị Nguyên. Trải qua thăng trầm biến đổi, ngôi đền xưa nay được xây dựng lại thành ngôi đình làng Buộm. Các triều đại phong kiến sắc phong cho tỳ tướng Cao Thị Nguyên mỹ tự là “Khôn Đức Hiệp”, nghĩa là người mẹ giúp đức thánh đánh giặc. Sắc phong cho bà Cao Thị Nguyên là “Thượng đẳng thần”.

Đình (đền) Buộm thờ “Nhị vị Thành hoàng” làng là quan Phụ chính Phạm Khánh và mẫu thân ngài là Thượng đẳng thần Cao Thị Nguyên, phối thờ thân phụ ngài Phạm Phúc. Ngôi đình hiện nay được xây dựng trên nền của ngôi đền cổ xưa của làng, bên cạnh đền cổ là ngôi đình, cả hai di tích cổ xưa đã bị giặc phá. Đình làng Buộm còn đôi câu đối thờ bà: “Tứ đức vô hà tiết phối sinh hiển vi mẫu quán/ Thiên thu khải thánh công tham hóa dục hiển thần uy”. Tạm dịch là: “Bốn đức không mờ sinh thánh mẫu/Ngàn thu khải thánh hóa thần uy”.

Ông Trần Văn Thuân, Tổ trưởng tổ dân phố Buộm, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng 

Khoảng năm 2012, Ban Quản lý di tích đền Hai Bà Trưng (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội) đã cử cán bộ về làng Buộm sưu tầm thần phả, thần tích, sắc phong quan Phụ chính Phạm Khánh và Thượng đẳng thần Cao Thị Nguyên để khắc bia đá vinh danh tại đền thờ của Hai Bà. Đây là vinh dự lớn lao đối với cán bộ và nhân dân làng Buộm chúng tôi đồng thời cũng khẳng định công lao của ngài đối với đất nước được ghi trong sử sách. Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh xét cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh cho đình (đền) Buộm xứng với công lao của “Nhị vị Thành hoàng” làng.

Ông Trần Văn Mô, trưởng ban bảo vệ di tích đình Buộm, tổ dân phố Buộm, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà


Khi còn là thôn Buộm, thôn đã thành lập Ban Quản lý và bảo vệ di tích đình (đền) Buộm, cử người trông coi đình (thủ từ). Năm 2018, Ban quản lý bảo vệ đình Buộm tham mưu, đề xuất chính quyền thôn và thị trấn Hưng Nhân cho phép thôn huy động tiền và công sức xã hội hóa xây dựng lại đình (đền) đã xuống cấp nghiêm trọng. Bằng nguồn vốn xã hội hóa, thôn Buộm đã xây dựng lại đình (đền) với kinh phí 3,7 tỷ đồng. Ngoài ra, thôn còn xây dựng trấn phong 1,2 tỷ đồng.

Kiến trúc sư Hoàng Văn Lưu, nguyên trưởng ban di tích đình Buộm, khu phố Buộm, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Ngôi đền và đình làng Buộm cổ xưa đã bị giặc Pháp tàn phá, hòa bình lập lại làng có xây dựng lại nhưng những năm xây dựng hợp tác xã lại bị phá dỡ. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp là kiến trúc sư, tôi đã phục dựng bản vẽ bức tường “Trấn phong” trước cửa đình (đền) theo nguyên bản cổ từ bức ảnh chụp thời Pháp thuộc. Ngôi đình (đền) hiện nay tuy được xây dựng bằng bê tông, cốt thép nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa, mềm mại, uy nghi.


Quang Viện

  • Từ khóa