Thứ 5, 28/03/2024, 16:05[GMT+7]

Trung Hưng Trần Triều

Thứ 6, 30/04/2021 | 23:32:43
1,222 lượt xem
Sách “An Nam chí lược” có đoạn ghi: “...thời thuộc Minh, ở huyện Cổ Lan (huyện Thần Khê đã sáp nhập vào huyện Cổ Lan) có vườn Tử Bình, trong vườn có mai, có trúc, sông ngòi, hồ ao... là một thắng cảnh đáng du lãm”. “Vườn Tử Bình” chính là “dương cơ” của quan Thái Bảo Đỗ Tử Bình triều Trần ở Phúc Hưng trang (làng Hưng), huyện Thần Khê, lộ Long Hưng (nay là thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng)...

Cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Đỗ Tử Bình, thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng.

Nguồn sử liệu ghi, thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng xa xưa là làng Hưng, thời Trần là Phúc Hưng trang, huyện thần Khê, lộ Long Hưng, thời Lê là xã Phú Khê, huyện Thần Khê, phủ Tân Hưng, thời thuộc Minh sáp nhập vào huyện Cổ Lan. Làng chia làm 3 thôn: Hưng Đoài, Hưng Đông, Hưng Tứ. Năm 2003, làng Hưng Tứ đổi thành thôn Tứ. Theo các bậc đại lão trong làng, chữ “Tứ” là chỉ sự hưng thịnh, là ân tứ đất vua ban lộc cho công thần. Làng Hưng có lịch sử hơn 2.000 năm, là quá trình quần cư, hội tụ của nhiều luồng dân cư, dòng họ về đây sinh sống như họ Phạm, Lê, Trần, Hoàng, Nguyễn, Lương, Lưu... Trải qua hàng ngàn năm chung sống, dân thôn Tứ đã tạo lập nên những truyền thống văn hóa, viết nên những trang sử đẹp, trở thành một làng quê văn hiến, văn hóa. Người làng Hưng hiếu học, trọng nghĩa tình, yêu nước, có truyền thống cách mạng, nhiều thanh niên gia nhập quân đội và đã hy sinh anh dũng trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

Làng Hưng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa. Bằng chứng là từ thời Hùng Duệ Vương nơi đây đã có miếu thờ “Cao Sơn Thiên thượng thần” và “Quang minh hiển ứng thần” cùng hai đại vương họ Phạm là Viên Quan và Tiên Thăng. Thời Hai Bà Trưng có hai chị em bà Lương Thị Kiền và Lương Thị Tấu tham gia ứng nghĩa với “Bãi duyệt binh” và “Đấu đong quân”, nhiều miếu thờ Hai Bà vẫn còn lưu truyền đến ngày hôm nay. Làng còn thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng, tướng thời nhà Lý; Thái Bảo Đỗ Tử Bình thời Trần, Thượng thư Lương Quy Chính thời Nguyễn... Thời đại mới, làng có con đường mang tên “Đường Cộng sản” gắn với phong trào đấu tranh cách mạng ngay từ ngày đầu trên quê hương làng Hưng. Với những công lao đóng góp hết sức to lớn của người làng Hưng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xã Hồng Việt được nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Con người làng Hưng chịu thương, chịu khó, cần cù lao động và hiếu học. Làng có hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ, hàng trăm cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo; nhiều người trưởng thành trong quân đội, có thiếu tướng, thứ trưởng, vụ trưởng; có nhiều giám đốc nổi tiếng trên lĩnh vực kinh doanh, thương mại... hàng chục người cấp tá, sĩ quan chỉ huy trong lực lượng vũ trang, nhiều người tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp...

Người khai mở trang Phúc Hưng là tiền nhân Đỗ Thiên Thư. Ông quê gốc ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), do bị biếm chức quan trong triều, vua cho về mở đất lập trang Phúc Hưng và dạy học. Từ đây, họ Đỗ sản sinh ra 3 đời nối nghiệp sớm đỗ đạt và làm quan to trong triều. Đỗ Thiên Thư lấy bà họ Nguyễn trong làng sinh ra Đỗ Tử Bình. Năm 1324, Đỗ Tử Bình về kinh ứng thí đỗ Ngự tiền học sinh (học vị tiến sĩ). Năm này ông 22 tuổi ra làm quan thị giảng ở viện hàn lâm, năm 1348 sau thăng chức Xu mật viện (năm 1358) được vua cho vời vào bàn việc nước. Năm 1361, Đỗ Tử Bình được giao công việc duyệt quân lính, xây thành Hóa Châu. Tại đây, ông đã thực hiện chính sách “nới sức dân” cho nên mùa màng bội thu, thóc đầy kho, dân no ấm, dân đủ cái ăn, quân thêm mạnh, giặc Chiêm Thành vì thế không dám quấy nhiễu biên cương. Năm 1366, vua Trần triệu ông về kinh đô phong chức “Đồng tri môn hạ Bình chương sự”. Năm 1369, ông được cử làm Hành khiển tham mưu quân sự đi đánh Chiêm Thành rồi ở lại trấn thủ Thuận Hóa, được vài năm trở lại kinh thành. Năm 1376, Chiêm Thành lại quấy nhiễu biên cương, cướp phá Hóa Châu, đích thân vua Trần Duệ Tông thân chinh đi đánh giặc. Do chủ quan khinh suất giặc, vua bị sa bẫy Chế Bồng Nga ở Đồ Bàn (Quảng Nam) và bị trúng tên độc, tử trận. Đỗ Tử Bình bị giáng chức xuống làm lính rồi xin trở lại trang Phúc Hưng đào hầm tự giam mình viết cuốn “Bình Chiêm An quốc” dâng kế sách lên vua nhằm huy động sức người, sức của cho công cuộc bình Chiêm. Ông được phục chức rồi được giao đi cùng Hồ Quý Ly đánh Chiêm Thành. Thắng lợi trở về ông được phong chức Nhập nội Hành khiển, lĩnh chức Kinh lược xứ Lạng Giang (năm 1380), không lâu sau ông qua đời ở đó. Đỗ Tử Bình được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông truy phong chức Thái Bảo, cho thờ phụ ở Văn Miếu. Dân trang Phúc Hưng thờ ông làm Phúc thần. Các triều đại về sau đều sắc phong thần cho ông. Hiện đền Thái Bảo Đỗ Tử Bình còn lưu giữ 2 sắc phong triều Nguyễn, một là của đời vua Duy Tân thứ 2 sắc phong: “Bảo trung hưng, Thượng đẳng tối linh đại vương tôn thần” và một của đời vua Duy Tân thứ 5 sắc phong: “Bảo Trung hưng Trần triều Thái Bảo Đỗ Tử Bình”.

Con trai Đỗ Tử Bình là Đỗ Tử Mãn làm quan từ đời vua Trần Thuận Tông là người có kiến thức sâu rộng, từ kiến tạo, dâng mưu kế, hoạch định chính sách trị quốc, an dân đến chỉ huy chiến trận; đặc biệt ông có công lớn trong việc xây dựng thành Tây Đô (thành nhà Hồ). Đỗ Tử Mãn nhận chức Lại Bộ thượng thư kiêm Thái Sử lệnh, được thăng chức Hành khiển, giao cho làm Thủy quân Đô tướng đi đánh giặc Minh. Trong cuộc chiến không cân sức, Đỗ Tử Mãn bị giặc bắt sống cùng Nguyễn Phi Khanh (cha của Nguyễn Trãi) và bị đưa về Trung Quốc. Con trai Đỗ Tử Mãn là Đỗ Nhân Giám từ nhỏ đã được ông nội và cha rèn luyện, trau dồi học hành, tinh thông võ nghệ. Lớn lên gia nhập đội quân Thiên Ngưu. Thời vua Hồ Hán Thương ông được thăng làm Binh Bộ Thượng thư, Thiên Ngưu vệ tướng quân. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, vệ quân Thiên Ngưu do ông chỉ huy đã nhiều lần xông pha trận mạc bảo vệ kinh thành Thăng Long và thành Đa Bang, chiến đấu đến người lính cuối cùng, Đỗ Nhân Giám tử trận vào năm 1407 cũng là năm kết thúc triều đại nhà Hồ.

Từ năm 1348 - 1407, họ Đỗ ở trang Phúc Hưng 3 đời liền đều có người đỗ đạt, làm quan đến chức Thượng thư trong triều Trần - Hồ và đều là những người tận trung với nước, với vua, tận hiếu với dân. Làng Hưng có chùa Dương Mai, ngoài thờ Phật, chùa còn là nơi hoạt động cách mạng của các đảng viên chi bộ Thần - Duyên. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp là nơi đặt xưởng quân khí, sản xuất vũ khí đánh giặc. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những người con làng Hưng lại khoác ba lô lên đường vào Nam chiến đấu, hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Phạm Minh Đức, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Truyền thống hiếu học của làng Hưng (thôn Tứ) đã được khẳng định từ thời nhà Trần khi cụ Đỗ Thiên Thư biếm chức quan từ Nghệ An về làng Hưng mở trường dạy học cho con cháu trong làng và con cháu cụ đều đỗ đạt ra làm quan đến chức Thượng thư. Thời Nguyễn làng có thêm Thượng thư Lương Quy Chính, tính ra, làng Hưng có tới 3 Thượng thư thời phong kiến. Hiện nay, con cháu trong làng phát huy truyền thống hiếu học đã có nhiều người đỗ đạt, được Đảng, Nhà nước trọng dụng.

Ông Lương Văn Nhiệm, Trưởng thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Hồng Việt đã có hơn 150 anh hùng liệt sĩ, trong đó có 52 liệt sĩ của làng Hưng. Thời Hai Bà Trưng làng đã có “đấu đong quân”, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước “đấu đong quân” của làng Hưng lại phát huy giá trị văn hóa làm mẫu cho cuộc vận động “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” ở huyện Đông Hưng.

Cựu chiến binh Phạm Quang Hải, Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa cụm đền Đỗ Tử Bình - chùa Dương Mai, thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng

Năm 1999, đền Thái Bảo được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2019, với sự đóng góp của con em dân làng cùng những nhà hảo tâm, cụm di tích được tôn tạo mới với quy mô kiến trúc hoành tráng 10.000m², xứng với công lao của những người con làng Hưng, với công đức Thái Bảo Đỗ Tử Bình và con, cháu ông... tạo thành quần thể di tích đền, chùa không gian thắng cảnh đẹp và ý nghĩa.

Quang Viện

  • Từ khóa